Cuối tháng trước, dự án tiền số Harvest Keeper tuyên bố ứng dụng AI để tối ưu hóa quy trình, hứa hẹn giúp tiết kiệm 4,81% lợi ích giao dịch cho người dùng. Trên trang web, dự án hứa hẹn mang lại 101% lợi nhuận đầu tư chỉ trong vòng 21 ngà và nhanh chóng thu hút 30.000 người theo dõi trên Twitter, 32.000 thành viên trên Telegram.
Tuy nhiên, công ty bảo mật blockchain CertiK cho biết Harvest Keeper thực tế được lập ra để "rút thảm". Đây là thuật ngữ phổ biến trong giới tiền số, nói về các dự án bắt đầu bằng những phát ngôn, tuyên bố gây hiểu nhầm để thổi phồng giá trị token và bán với giá cao. Sau đó, họ âm thầm "xả" toàn bộ tài sản đang nắm giữ khi giá đang lên và rút lui, khiến người chơi trắng tay.
Sau khi theo dõi địa chỉ ví của Harvest Keeper, CertiK phát hiện toàn bộ số tiền của các nhà đầu tư đã bị rút cạn. Trong đó có một lệnh chuyển 700.000 USD đến địa chỉ ví không xác định. Một lệnh khác chuyển 219.000 USD thông qua "ice phishing" - hình thức lừa đảo, khiến nạn nhân mắc bẫy và cấp cho phép kẻ gian quyền sử dụng coin của họ.
Bộ phận bảo mật của công ty De.Fi cũng khuyên người dùng nhanh chóng hủy bỏ tất cả phê duyệt hợp đồng thông minh liên quan đến Harvest Keeper.
Trong khi đó, trên các cộng đồng tiền mã hóa, làn sóng giận dữ đang nhắm vào Harvest Keeper. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa ai biết danh tính thật sự của những người đứng sau dự án. Theo Beincrypto, một số còn chụp ảnh màn hình về bằng chứng chuyển tiền và nhờ CZ, CEO Binance, giúp họ đòi lại khoản tiền bị mất.
Coin Telegraph liên hệ với Harvest Keeper nhưng không nhận được phản hồi.
Trước đó, công ty bảo mật blockchain PeckShield cũng đã phát hiện hàng chục dự án lừa đảo ăn theo ChatGPT. Trong số đó, ít nhất hai token mất 100% giá trị, trong khi khoảng một phần ba đã sụt giảm hơn 65%. Đây là những dấu hiệu điển hình của chiêu trò "rút thảm" và "bơm xả".
Trên các mạng xã hội như Twitter, Telegram, hàng chục tài khoản tuyên bố liên quan đến "CryptoGPT" cũng xuất hiện, thậm chí từng đứng đầu xu hướng thịnh hành trên Twitter Mỹ. Nhiều tài khoản ăn theo còn chạy quảng cáo, lừa đảo tặng quà, airdrop (phát token miễn phí).
Công ty phân tích Chainalysis thống kê trong năm 2022 có khoảng 10.000 dự án "rút thảm". Bên cạnh đó, trong tổng số 1,1 triệu dự án tiền số năm ngoái, chỉ có 40.521 mã "có tác động" đến hệ sinh thái tiền điện tử, còn lại hơn nửa là token rác. Tuy vậy, trong 40.521 token được đánh giá tốt, cũng có 9.902 dự án, tương đương 24%, bị sụt giá ngay sau một tuần ra mắt.
(theo Coin Telegraph)