Ngày 8/1/2022, Tập đoàn FLC tổ chức lễ khởi công dự án Quần thể Du lịch Nghỉ dưỡng sinh thái FLC Phú Thọ tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Theo công bố, dự án có tổng số vốn 10.000 tỷ đồng trên quy hoạch gần 250 ha, trong đó giai đoạn 1 quy mô 111 ha với vốn đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án là kiến tạo một quần thể đồng bộ với những tiện ích lưu trú – nghỉ dưỡng – thể thao cao cấp lần đầu tiên xuất hiện tại Phú Thọ như: Khách sạn 5 sao 15 tầng, Sân golf 18 hố tiêu chuẩn quốc tế, Khu đô thị phức hợp thương mại nghỉ dưỡng cao cấp, Trung tâm hội nghị quốc tế…
Trái với mục tiêu ban đầu, dự án Quần thể Du lịch Nghỉ dưỡng sinh thái FLC Phú Thọ tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đã sớm bị “khai tử” chỉ sau 9 tháng tổ chức lễ khởi công.
Dự án 10.000 tỷ đồng của FLC tại Phú Thọ bị “khai tử” sau 9 tháng tổ chức lễ khởi công
Theo đó, mới đây, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 2284/QĐ-UBND về việc chấm dứt hoạt động của dự án và thu hồi Chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định phê duyệt danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thực hiện Dự án Khu đô thị sinh thái và thể thao Việt Trì – Giai đoạn 1 (phân khu D,E,F).
Lý do chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi chấp thuận chủ trương đầu tư: Do gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Trước đó, phía Tập đoàn FLC cũng đã có thông báo và hồ sơ đề nghị chấm dứt hoạt động dự án này.
Cũng theo Quyết định số 2284/QĐ-UBND, Tập đoàn FLC có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục thanh lý dự án đầu tư và hoàn thành các nghĩa vụ với Nhà nước liên quan đến dự án (nếu có) theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.
Trước khi UBND tỉnh Phú Thọ thu hồi chủ trương đầu tư quần thể Du lịch Nghỉ dưỡng sinh thái 5 sao FLC Phú Thọ, thời gian qua nhiều địa phương đã dừng xem xét, thu hồi chủ trương nghiên cứu, khảo sát và chấm dứt hoạt động hàng loạt dự án của FLC, như Thanh Hóa, Bình Phước, Kon Tum, Hòa Bình, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Nghệ An, Quảng Trị... Quy mô các dự án này lên tới hàng trăm ha, tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Cùng với việc bị các tỉnh dừng xem xét, thu hồi chủ trương nghiên cứu, khảo sát và chấm dứt hoạt động hàng loạt dự án, thời gian qua Tập đoàn FLC cũng liên tục bị cưỡng chế thuế trên tài khoản ngân hàng.
Theo đó, mới đây tập đoàn FLC tiếp tục nhận được 3 quyết định cưỡng chế thuế từ Cục Thuế tỉnh Quảng Bình.
Tổng số tiền bị cưỡng chế là hơn 457,7 tỷ đồng nằm. Lý do được đưa ra là Tập đoàn FLC có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật Quản lý Thuế.
Cơ quan thuế thi hành quyết định bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản hoặc yêu cầu phong tỏa tài khoản của Tập đoàn FLC mở tại Ngân hàng OCB Chi nhánh Hà Nội, VIB Chi nhánh quận 1 và BIDV Chi nhánh Thanh Xuân.
Trước đó, vào đầu tháng 9, FLC cũng đã nhận 3 quyết định cưỡng chế thuế từ Cục Thuế tỉnh Quảng Bình với tổng số tiền hơn 448 tỷ đồng. Hồi đầu tháng 8, doanh nghiệp cũng đã nhận quyết định cưỡng chế thuế từ cơ quan này với tổng số tiền gần 224 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 9, Cục Thuế Thành phố Hà Nội cũng đưa ra 9 quyết định, gồm tiến hành cưỡng chế thuế gần 72 tỷ đồng và phạt hành chính 11,5 triệu đồng đối với tập đoàn này. Ngày 18/8, Chi cục Thuế khu vực Thành phố Sầm Sơn - Quảng Xương cũng ra 8 quyết định cưỡng chế thuế bằng hình thức phong tỏa tài khoản với số tiền hơn 130 tỷ đồng với FLC.
Như vậy, chỉ hơn một tháng, tập đoàn đa ngành này đã bị cưỡng chế hơn 1.330 tỷ đồng tiền thuế.