Thị trường toàn cầu vẫn dễ bị tổn thương do chính sách thắt chặt của các ngân hàng trung ương. Đặc biệt, động thái tăng lãi suất chóng mặt từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed), đã khiến dòng tiền chuyển động dần lan sang các thị trường mới nổi.
Quan sát có thể thấy, dòng vốn khối ngoại đang gia tăng và mua ròng trở lại trên thị trường chứng khoán Việt Nam, khoảng 4.000 tỷ đồng tính từ đầu năm tới nay. Đây được xem là điểm tích cực khi tâm lý các nhà đầu tư trong nước vẫn còn nhiều lo ngại.
Đánh giá về xu hướng tăng trưởng dòng tiền từ khối ngoại liệu có hỗ trợ nâng đỡ thị trường trong thời gian tới, tại Talkshow Phố Tài Chính mới đây, Ông Trần Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Chứng khoán Smart Invest (AAS) nhận định bất ổn nền kinh tế của các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ và Châu Âu khi lạm phát tăng phi mã và hàng loạt chính sách tiền tệ được tung ra, sự tiêu cực lan đến các nước đang phát triển là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên sự khác biệt ở đây, khi Việt Nam gần như là công xưởng sản xuất trên thế giới, vì thế giá cả hàng hóa thiết yếu dù tăng nhưng không đáng kể. Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát, chính sách tiền tệ vững ổn định, cùng với nguồn dự trữ ngoại hối trong nước khá tốt trong suốt giai đoạn vừa qua.
Do đó, mặc dù cũng chịu nhiều tác động nhưng so với các nước bạn thì nền kinh tế Việt Nam đủ sức hút để tạo tiền đề kích thích các dòng vốn đầu tư gián tiếp. Hơn thế nữa, sự điều chỉnh trong thời gian qua dẫn đến định giá của thị trường chứng khoán khá hấp dẫn, chỉ số P/E của thị trường đang duy trì quanh ngưỡng 11,5 - 12 lần.
Ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc SGI Capital cũng chia sẻ rằng, câu chuyện khối ngoại quay lại mua ròng rất đáng chú ý. Với kinh nghiệm của ông, trước bối cảnh hiện tại, dòng vốn ngoại sẽ xu hướng vận động ra khỏi các kênh tài sản rủi ro và các thị trường mới nổi hay cận biên. Tuy nhiên, điều này lại không xảy ra ở Việt Nam.
Lý giải cho nguyên nhân trên, vị chuyên gia ngày cho biết, nước ta đang chiếm ưu thế khi bước vào quá trình phục hồi trễ hơn nhiều so với các thị trường lớn khác, lại có chính sách hỗ trợ tốt. Khối ngoại gia nhập với đà giảm của thị trường mất từ 10% đến 15%, đây chính là cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài dài hạn.
Xu hướng mua ròng trở lại liệu có kéo dài?
Tổng Giám đốc Quỹ SGI đánh giá không nên kỳ vọng quá nhiều rằng dòng tiền này vào Việt Nam sẽ mạnh mẽ. Vì dòng vốn toàn cầu nếu rút ra khỏi thị trường mới nổi cũng sẽ rút ra khỏi thị trường Việt Nam. Và lần này đang cho thấy điều hơi khác biệt, có lẽ ta chỉ nên kỳ vọng vào áp lực đấy với Việt Nam sẽ nhẹ nhàng hơn.
Trên góc độ khác, Phó Chủ tịch Smart Invest lại nhận thấy, nền kinh tế trong nước đang duy trì ở mức ổn định và tăng trưởng tốt sau dịch. Do đó, dòng vốn chắc chắn sẽ tiếp tục ở lại Việt Nam và tăng trưởng trong thời gian tới. Chứng minh thực tế, chỉ trong vòng 4 tháng qua, tổng vốn đầu tư trực tiếp thực tế đã giải ngân chiếm đến hơn 5 tỷ USD, tương đương tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vốn ngoại có đủ sức thúc đẩy thị trường?
Thảo luận về vấn đề này, ông Lê Chí Phúc chia sẻ rằng các yếu tố chi phối của các nhà đầu tư F0 đang dần kết thúc và thị trường sẽ bắt đầu bước vào chu kỳ mới, mà ở đó sự chủ đạo đến từ dòng tiền đầu tư dài hạn, dòng tiền tổ chức và vai trò của khối ngoại.
Lấy ví dụ cho ý trên, nếu như trước đây, khối ngoại giao dịch nghìn tỷ chỉ chiếm 3% trên tổng giao dịch thị trường, tuy nhiên hiện tại với dòng vốn khoảng 500 tỷ hay 1.000 tỷ, có thể chiếm từ 5 - 10%. Và trọng số phản ánh sự thay đổi về tính ảnh hưởng và lan tỏa lên tâm lý chung.
Cùng quan điểm, ông Tuấn cũng chia sẻ, các quỹ đầu tư nước ngoài luôn có nguyên tắc trong việc giải ngân, nếu là thị trường cận biên thì tỷ lệ phân bổ vốn chỉ ở mức nhất định. Nhưng với động thái gom mua tại các phiên giảm điểm, cũng là nơi hỗ trợ tâm lý rất tốt cho nhà đầu tư trong nước.
Chiến lược đầu tư nào trong giai đoạn này?
“Nếu tính một năm với mức định giá P/E khoảng 12 lần thì lợi nhuận thu được không bao giờ dưới 30%”. Ông Phúc khuyên nhà đầu tư không nên chạy mua, đặc biệt là dùng margin, khi ở trạng thái hưng phấn và ngược lại tránh hoảng loạn, bán tháo với vùng giá mà cổ phiếu rơi vào mức rẻ như hiện tại.
Bởi theo thống kê của ông, trong vòng 5 năm trở lại đây, chỉ có chưa đến 5% thời gian nằm ở vùng giá này, ta có lợi thế với 95% còn lại trong thị trường.
Đồng thời, ông Tuấn cũng lưu ý rằng không thể giữ tâm lý đầu cơ và dùng đòn bẩy để tham gia trong thời điểm thị trường “con gấu”, nên lựa chọn các cổ phiếu có sự tăng trưởng tốt ở mức định giá hợp lý và các yếu tố cơ bản cần được đặt lên hàng đầu.
“Dòng tiền đầu cơ thông thường sẽ rút ra rất mạnh, chỉ có dòng tiền nhìn dài hạn và đầu tư giá trị mới tạo nên tạo được nền giá tốt cho cổ phiếu và có sức bật tốt hơn trong những giai đoạn tới”, ông Phúc nói.