Tỷ giá vừa có quãng tăng nhanh do đồng USD lập đỉnh mới trong vòng 24 năm. Tỷ giá trung tâm ngày 18/7 niêm yết ở mức 23.245 VND/USD, tăng tới 20 đồng so với phiên liền trước và là phiên tăng thứ năm liên tiếp của tỷ giá trung tâm.
Bất ổn kinh tế toàn cầu đã khiến thị trường tìm đến đồng USD như một nơi trú ẩn an toàn, nhiều đồng tiền lớn như euro, yen Nhật mất giá mạnh so với USD. Trước những biến động này, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có những chính sách để hạn chế những tác động tiêu cực từ diễn biến tỷ giá.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đồng USD mạnh lên bất chấp việc lạm phát của Mỹ cao là diễn biến khá lạ.
Thông thường khi lạm phát tăng cao thì đồng tiền phải mất giá nhưng do đồng USD được coi như một kênh trú ẩn an toàn khi kinh tế thế giới có nhiều biến động khiến giá USD tăng cao. Ngược lại, nền kinh tế châu Âu đang đứng trước nguy cơ suy thoái hay kinh tế phục hồi chậm chạp như Nhật Bản, Hàn Quốc là những lý do khiến đồng tiền của họ suy yếu, ông Nghĩa phân tích.
Chuyên gia cho rằng trong bối cảnh chỉ số USD Index tăng mạnh, các quốc gia xuất khẩu nhiều vào Mỹ sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Điển hình là Trung Quốc, một mặt được lợi bởi tỷ giá hối đoái và mặt khác được lợi từ sức ép lạm phát cao tại Mỹ.
Cụ thể, tại Mỹ mặt hàng tiêu dùng rất lớn, tác động rất nhiều đến đời sống tầng lớn người dân có thu nhập thấp cho nên phải tìm cách giảm thuế cho các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
"Tại Việt Nam, tỷ giá USD/VND không có nhiều thay đổi, nói cách khác là VND neo theo USD. Cho nên xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ không được hưởng lợi nhiều vì đồng USD chỉ tăng giá so với VND khoảng 1,5% trong 6 tháng qua", ông nói.
Ngân hàng Nhà nước (NNHN) sau một thời gian ngắn đã buộc phải dùng dự trữ ngoại tệ bán ra để ổn định tỷ giá hối đoái và cân bằng cung cầu của nhập khẩu. Và chuyện này còn có thể kéo dài khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam so với năm ngoái đã giảm đi quá nhiều, năm ngoái là 29% nhưng năm nay 6 tháng chỉ có 17%.
Việt Nam đứng trước bài toán khó
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nếu không ổn định được tỷ giá, Việt Nam đã vốn nhập khẩu lạm phát rồi lại nhân với tỷ giá hối đoái tăng thêm 3-5% nữa thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến người dân và doanh nghiệp khi nguyên vật liệu đầu vào càng trở lên đắt đỏ.
Ngược lại, nếu Việt Nam duy trì chính sách ổn định tỷ giá kéo dài lại có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu vì đồng USD tăng giá cũng làm cho VND tăng giá theo so với các đồng tiền khác... Khi đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam đến các quốc gia châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ bị đắt lên. Từ đó gây tác động bất lợi đến xuất khẩu.
"NHNN đang đứng trước bài toán khó vừa phải tập trung vào việc chống lại lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vừa phải tăng trưởng xuất khẩu. Trước bối cảnh này, theo tôi phải hy sinh mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu để tập trung vào ổn định lạm phát", TS. Nghĩa nhìn nhận.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, tỷ giá hiện tại đang khá phức tạp gây sự bối rối cho nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam theo hướng mua USD để "đầu cơ" sẽ không hợp lý mà bán ra liên tiếp để ổn định tỷ giá cũng rất khó.
Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế xuất khẩu nhiều nhưng nhập khẩu cũng lớn, nên nếu như tăng lãi suất, càng phá giá đồng tiền thì nền kinh tế càng ảnh hưởng đến nhập khẩu.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh thì cho rằng, trước đây, trong giai đoạn tương đối ổn, thì tỷ giá bên ngoài chỉ dưới 1% so với tỷ giá giao dịch của các ngân hàng thương mại.
Nhưng gần đây tỷ lệ ngân hàng thương mại và tỷ lệ bên ngoài đã chênh trên dưới 2% - 3%, mặc dù giao dịch bên ngoài so với giao dịch của ngân hàng thương mại chỉ chiếm dưới 10%.
Theo ông Thành, cần giữ tỷ giá bằng việc thu hút xuất khẩu, thu hút FDI, dòng vốn nhưng cũng cần can thiệp, mua vào - bán ra. Song song với đó, cũng cần đáp ứng những yêu cầu khác, vì Việt Nam vẫn trong danh sách theo dõi của Bộ Tài chính Mỹ giám sát mặc dù đã được rút ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ.