Thị trường chứng khoán thế giới tiêu cực đã tác động đến tâm lý giao dịch của các nhà đầu tư trên thị trường Việt Nam. VN-Index mở cửa phiên giao dịch mới với trạng thái thận trọng và tiếp tục lùi bước. Dù vậy, lực cung chưa đủ mạnh để đẩy chỉ số đi xa hơn. VN-Index dần cân bằng và hồi phục càng mạnh mẽ hơn về cuối ngày.
Kết phiên, VN-Index tăng 10,38 điểm (+0,82%) và đóng cửa tại 1.270,8 điểm. Thanh khoản giảm so với phiên trước với 520,8 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trên sàn HOSE. Tượng tự, VN30-Index cũng có diễn biến đảo chiều và nới rộng đà tăng mạnh mẽ vào cuối phiên.
Màu sắc của các cổ phiếu trong nhóm cũng dần được chuyển sang màu xanh và nâng số lượng cổ phiếu đóng cửa tăng giá lên 22 cổ phiếu. Nổi bật là PLX (+3,9%), SSI (+2,8%), VNM (+2,8%), BID (+2,7%), GAS (+1,8%)… Ngược lại, 6 cổ phiếu giảm giá hôm nay gồm có SAB (- 2,1%), VIC (-1,5%), VRE (-0,7%), BVH (-0,4%), VJC (-0,3%) và VPB (-0,2%).
Với diễn biến đảo chiều mạnh mẽ của thị trường chung, trạng thái của phần lớn các nhóm ngành đều cải thiện hơn so với đầu phiên. Dẫn đầu đà hồi phục của các chỉ số là dâng cao tích cực của nhóm dầu khí, xây dựng và một số cổ phiếu thuộc nhóm khu công nghiệp.
Theo sau đó là động thái xoay chuyển đáng chú ý của nhóm chứng khoán. Điều này đã giải tỏa tâm lý của các nhà đầu tư và khiến dòng tiền dần lan tỏa ra các nhóm như bất động sản, bán lẻ… Chỉ có 2 nhóm kém sắc là bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe.
Tự doanh chuyển hướng bán ròng gần 360 tỷ đồng
Trong phiên giao dịch vừa qua, khối tự doanh công ty chứng khoán đảo chiều bán ròng 359,7 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ rút ròng 314,9 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tự doanh mua ròng 2/18 ngành bao gồm xây dựng và vật liệu, dịch vụ tài chính. Top mua ròng khớp lệnh của tự doanh phiên ngày hôm qua gồm FUEVFVND, TCD, BID, DPM, BCM, VSC, GAS, SHB, VND, SAB.
Bên phía bán ra, tự doanh chủ yếu bán ròng cổ phiếu nhóm ngân hàng. Top các mã bị bán ròng gồm POW, NVL, HPG, DXG, STB, MWG, HSG, TCB, PVT, VHM.
Tổ chức nội mua ròng gần 220 tỷ đồng
Giao dịch trái chiều với khối tự doanh, NĐT tổ chức trong nước mua ròng 217,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 57,8 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 8/18 ngành với giá trị lớn nhất là nhóm xây dựng và vật liệu. Top bán ròng có PLX, VIC, MSB, TCD, VPB, HDB, TCB, FPT, VSC, MWG.
Trong khi đó, dòng tiền của NĐT tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu của các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống. Top mua ròng có SSB, VRE, BID, MSN, DXG, PVT, DPM, ACB, HCM, HSG.
Cá nhân trong nước mua ròng hơn 170 tỷ đồng phiên VN-Index lấy lại xung lực tăng
Trong phiên VN-Index lấy lại những gì đã mất trong phiên trước đó, NĐT cá nhân chuyển hướng mua ròng 171 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng khớp lệnh là 417,9 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, cá nhân trong nước mua ròng 15/18 ngành, chủ yếu là ngành ngân hàng. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại các mã: VIC, CTG, HPG, STB, VHM, NVL, VPB, TCB, MWG, HDB.
Phía bán ròng khớp lệnh, NĐT cá nhân bán ròng 3/18 ngành chủ yếu là nhóm thực phẩm và đồ uống, y tế. Top bán ròng có: VNM, MSN, SSB, GMD, DXG, SHB, BCM, HCM, GAS.
Khối ngoại thu hẹp quy mô rút vốn, tập trung bán ròng nhóm ngân hàng
Về phía NĐT nước ngoài, họ thu hẹp quy mô bán ròng còn 74 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 45,2 tỷ đồng.
Mua ròng khớp lệnh chính của NĐT ngoại là nhóm thực phẩm và đồ uống, xây dựng và vật liệu. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: VNM, DXG, MSN, GMD, POW, SSI, SHB, VCI, HSG, GAS.
Tại phía bán ròng khớp lệnh, NĐT ngoại chủ yếu rút vốn khỏi nhóm ngân hàng. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã CTG, VIC, DPM, VHM, FUEVFVND, DGC, VRE, HPG, STB.