Trước ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường chứng khoán thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chao đảo khi bước vào phiên giao dịch mới. Tuy nhiên, nhờ quán tính hồi phục từ 2 phiên trước, thị trường đã dần ổn định và lấy lại thăng bằng.
Kết phiên, VN-Index tăng nhẹ 0,88 điểm, tương đương 0,07% và đóng cửa tại 1.241,64 điểm. Thanh khoản vẫn ở mức thấp, với 459,9 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trên sàn HOSE.
Diễn biến của nhóm VN30 cũng dần ổn định và lấy lại thăng bằng nhưng kết phiên vẫn còn giảm nhẹ 0,22%. Số lượng cổ phiếu giảm giá khá áp đảo với 18 mã, trong khi chỉ có 8 mã tăng giá. Nổi bật trong phiên là MSN tăng kịch trần, kế đến là HDB (+1,3%), POW (+1,2%), SAB (+0,9%), GAS (+0,8%) … Ở chiều giảm giá có TPB (-3,3%), PDR (-3,2%), PLX (-2,2%), CTG (-1,9%), VNM (-1,8%) …
Trước diễn biến không còn suôn sẻ như 2 phiên trước, thị trường có sự phân hóa khá lớn, với số lượng cổ phiếu giảm giá chiếm quá nửa trên cả 3 sàn giao dịch. Nhóm dầu khí tiếp tục có diễn biến tích cực, tiếp đến là nhóm chứng khoán, hàng tiêu dùng... Họ ngân hàng đã đánh mất vị thế hỗ trợ thị trường và điều chỉnh nhẹ, bên cạnh đó các ngành công nghệ, bảo hiểm, dịch vụ tiêu dùng cũng có diễn biến kém sắc.
Tự doanh duy trì bán ròng hơn 250 tỷ đồng, tâm điểm xả nhóm ngân hàng
Trong phiên thứ Năm (19/5), bộ phân tự doanh của các công ty chứng khoán bán ròng 251,7 tỷ đồng tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 348,2 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tự doanh mua ròng 4/18 ngành, trong đó nhóm mua ròng mạnh nhất là hàng & dịch vụ công nghiệp, bảo hiểm. Top mua ròng khớp lệnh của tự doanh phiên ngày hôm qua gồm VIB, PVT, STB, BCG, BMI, GMD, REE, PET, EIB, VND.
Ở chiều ngược lại, nhóm ngân hàng dẫn đầu chiều bán ròng. Top10 mã bị bán ròng mạnh nhất gồm VIC, VHM, MSN, GAS, HPG, VNM, NVL, ACB, VJC, VCB.
Tổ chức nội duy trì bán ròng phiên thứ 3 liên tiếp
Giao dịch cùng chiều khối tự doanh, NĐT tổ chức trong nước bán ròng phiên thứ 3 liên tiếp với giá trị 90,8 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 43,6 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức nội bán ròng 6/18 ngành với giá trị lớn nhất là nhóm bất động sản. Top10 mã bị bán ròng mạnh nhất có VJC, DIG, MSN, VIC, VNM, SHB, VHM, HPG, ACB, SSB.
Trong khi đó, dòng tiền của NĐT tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu bán lẻ. Danh mục Top10 mua ròng của khối này gồm MWG, FPT, MBB, VPB, GAS, DGC, TCB, PNJ, HCM, SBT.
NĐT cá nhân là bên mua ròng duy nhất
Trong phiên VN-Index nỗ lực giữ thăng bằng, NĐT cá nhân là bên duy nhất xuống tiền nâng đỡ thị trường với việc mua ròng 467,8 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng khớp lệnh là 425,8 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, cá nhân trong nước mua ròng 10/18 ngành, trong đó họ tập trung gom cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại các mã: HPG, VIC, SSI, VJC, TPB, CTG, VHM, DIG, ACB, SHB
Phía bán ròng khớp lệnh, NĐT cá nhân bán ròng 8/18 ngành còn lại với áp lực rút vốn chủ yếu là nhóm ngành hóa chất, hàng & dịch vụ công nghiệp. Top bán ròng có DCM, DPM, MWG, KBC, GEX, FPT, DGC, MSN, MBB.
Khối ngoại đảo chiều bán ròng phiên đáo hạn phái sinh
Về phía NĐT nước ngoài, họ quay đầu bán ròng 89 tỷ đồng trên toàn thị trường, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ rút ròng 121,2 tỷ đồng.
Mua ròng khớp lệnh chính của khối ngoại là nhóm thực phẩm và đồ uống, hóa chất. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: MSN, DCM, DPM, VNM, KBC, HDB, GEX, VHM, GAS, DXG.
Tại phía bán ròng khớp lệnh, NĐT ngoại chủ yếu rút vốn khỏi nhóm tài nguyên cơ bản. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: HPG, SSI, VIC, CTG, TPB, VJC, GVR, NKG, DGW.