Chia sẻ về diễn biến của thị trường trong nước, trong chương trình “Khớp lệnh” của VTV Digital, ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc DV đầu tư & Quản lý tài sản, Công ty Chứng khoán Tân Việt, nhận định dòng tiền vẫn đang chờ đợi những thông tin mới để có thể tham gia vào thị trường và áp lực chốt lời ở thời điểm hiện tại cũng không quá lớn.
Giai đoạn này đã bớt khó khăn hơn 3 tháng trước khi mà biến động về giá dầu, xung đội Nga – Ukraine, lạm phát, lãi suất của Fed đều diễn ra vô cùng quyết liệt. Nhiều cổ phiếu trụ vẫn đang tương đối vững như Masan, Sabeco hay Vinamilk, tạo ra điểm đỡ cho thị trường rất tốt. Với nhóm midcap, đa số cổ phiếu gặp áp lực chốt lời sau giai đoạn hồi phục khá nóng.
Bản thân những cổ phiếu cũng phải tìm điểm cân bằng vì vậy cần thời gian để "thay máu", từ đó các nhà đầu tư bắt đáy có thể chốt lời. Thị trường nhiều khả năng sẽ xuất hiện giai đoạn tích luỹ và củng cố trước khi trở nên tích cực hơn.
Ngoài ra, lực cầu luôn luôn sẵn sàng vào bắt ở những nhóm cổ phiếu có triển vọng trong quý III, quý IV, từ đấy giữ cho thị trường một nhịp khá tốt, kể giảm cũng không giảm sâu. Về dấu hiệu của sự phân phối, trước hết, ta cần xác định xem thị trường đang ở trong sóng tăng lớn hay sóng hồi phục.
Nếu là sóng tăng lớn như đợt tháng 3 vừa qua thì thị trường là một cú phân phối kéo dài. Tuy nhiên, theo ông Du, giai đoạn hiện tại chỉ đơn thuần là nhịp hồi phục trong một sóng giảm cho nên gọi là phân phối hay chốt lời đều được.
Việc các cổ phiếu tăng cùng nhau đã đi qua rồi bởi cổ phiếu đi lên tiếp phải có nội lực và câu chuyện riêng vì vậy ta nên chấp nhận tạm thoát một số cổ phiếu để chờ đợi cơ hội khác hoặc đợi mặt bằng giá tốt hơn.
Vừa qua, nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới đã đồng loạt giảm điểm. Sự sụt giảm diễn ra trong bối cảnh nỗi lo về việc những ngân hàng trung ương lớn mạnh tay nâng lãi suất. Đây là yếu tố chính chi phối tâm lý của thị trường.
Tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã công bố kịch bản tăng trưởng quý III, quý IV cũng như những tháng còn lại của năm nay. Theo kịch bản tăng trưởng dự kiến cả năm, chỉ số sản xuất công nghiệp sẽ đạt con số 9,5%, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cũng dự kiến cả năm là 9,5% còn cán cân thương mại dự kiến có thể xuất siêu cả năm khoảng 1 tỷ USD.
Nhu cầu về hàng hoá tại các nước Châu Âu, Mỹ đều cắt giảm khiến một số ngành như dệt may, thuỷ sản hay gỗ đã bắt đầu phải đối mặt với nhiều khó khăn. Người dân Châu Âu và Mỹ rất kỷ luật về tài chính cá nhân. Khi biến cố vĩ mô thuận lợi thì họ sẽ chi tiêu lỏng tay, tiêu dùng, mua sắm rồi dùng thẻ tín dụng. Tuy nhiên, khi những khó khăn ập đến thì họ sẽ cắt giảm chi tiêu ngay lập tức, không giống như người dân Châu Á.
Theo báo cáo của công ty chứng khoán Rồng Việt, dòng tiền sẽ có nhiều động lực để cải thiện hơn trong thời gian tới. Tỷ lệ sử dụng margin trên vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán hiện chỉ ở mức 80%, giảm mạnh từ đỉnh 120% ở quý I, đồng thời đang ở mức thấp so với mức trung bình trên 90% trong giai đoạn 5 năm trở lại đây.
Ngoài ra, lượng tiền mặt của nhà đầu tư hiện vẫn ở ngưỡng khá cao, khoảng 70.000 tỷ đồng, giảm 14% so với cuối quý I và cao gấp 3,8 lần so với mức thanh khoản trung bình là 19 nghìn tỷ đồng toàn thị trường. Thông tin giao dịch T+2 dự kiến sẽ áp dụng từ tuần sau được dự báo cũng sẽ có những tác động tích cực lên dòng tiền.
Định giá thị trường vẫn tương đối hấp dẫn trong giai đoạn hiện tại vì vậy nhiều chuyên gia kỳ vọng giá trị khớp lệnh bình quân trên HOSE có thể đạt từ 17.000 đến 19.000 tỷ đồng một phiên vào những tháng cuối năm.