Nhiều cổ phiếu trên sàn chứng khoán đang rơi về định giá rẻ - Ảnh: BÔNG MAI
Mặc dù thị trường chứng khoán khép lại phiên cuối tuần trong sắc đỏ, nhưng luỹ kế một tuần nay chỉ số VN-Index đã tăng 15,51 điểm (+1,32%) vươn lên mốc 1.194,76 điểm, chỉ số HNX-Index cũng tăng 4,23 điểm (+2,38%) lên 288,83 điểm. Như vậy, dù mức tăng không nhiều, nhưng các chỉ số chính vẫn ghi nhận hai tuần tăng liên tiếp.
Nhìn vào diễn biến giao dịch trong tuần, có thể thấy cổ phiếu nhiều nhóm ngành luân phiên hồi phục. Riêng nhóm nhóm tiện ích cộng đồng và dầu khí đứng top đầu tăng trưởng, nổi bật là các mã: PVG (Kinh doanh LPG Việt Nam, +5%), CNG (CNG Việt Nam, +7%), GAS (PetroVietnam Gas, +11%), PGB (Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex, +23%)...
Tiếp đến nhóm cổ phiếu công nghiệp cũng tăng tốt, điển hình là VCG (Vinaconex, +6%), SJG (Tổng công ty Sông Đà, +13%), VGC (Viglacera, +15%)...
Sắc xanh lan toả trên nhiều cổ phiếu thuộc ngành hàng tiêu dùng, trong đó phải kể hai ông lớn MSN (Masan, +7%) và SAB (Sabeco, +8%).
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu giảm mạnh nhất, do sức ép cổ phiếu thép bị giảm từ 1-4% như: HSG (Hoa Sen), TVN (Thép Việt Nam), NKG (Thép Nam Kim), HPG (Hòa Phát)...
Điểm sáng trong tuần là nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trên sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE) với giá trị xấp xỉ 555 tỉ đồng, tập trung vào STB (Sacombank), FUESSVFL (Quỹ ETF Ssiam Vnfin Lead), VNM (Vinamlik). Đối lập, khối ngoại bán ròng mạnh nhất ở cổ phiếu HPG.
Tổng kết tuần giao dịch, bộ phận phân tích của Chứng khoán SHS nhận định, thị trường tăng điểm tốt trong tuần, trong ngắn hạn chỉ số VN-index đang tạm thời thoát khỏi xu hướng giảm giá kéo dài từ tháng 4 đến nay.
Tuy nhiên điểm chưa thuận lợi là khối lượng giao dịch lại giảm nhẹ so với tuần kế trước và vẫn thấp hơn mức trung bình 20 tuần gần nhất.
Phía SHS cho rằng diễn biến của chỉ số VN-Index hiện tại khá tương tự với bối cảnh của chỉ số này 4 năm trước (giữa tháng 7-2018 VN-index tạo đáy quanh ngưỡng 880 điểm, sau đó thị trường hồi phục, giằng co và đi ngang kéo dài hết năm 2018 và 2019).
Do đó dự báo tuần tới VN-Index có thể tiếp tục xu hướng hồi phục để dần chính phục ngưỡng tâm lý 1.200 điểm. Tuy nhiên trong trường hợp tiêu cực, áp lực bán lại tăng cao, có khả năng chỉ số này sẽ kiểm tra lại lực cầu quanh ngưỡng hỗ trợ 1.140 điểm.
Chuyên gia của SHS cũng cho biết, định giá thị trường cổ phiếu hiện tại vẫn đang ở mức thấp so với trung bình nhiều năm, P/E (thị giá trên lợi nhuận của một cổ phiếu) đang ở mức 13, trong bối cảnh tăng trưởng nền kinh tế vẫn được duy trì.
Nhiều điểm sáng của nền kinh tế cũng được thể hiện, như tốc độ tăng trưởng GDP quý 2-2022 tăng 7,72% - cao nhất trong thập kỷ qua và GDP quý kế tiếp có thể trên 9%.
Vì vậy, với góc nhìn dài hạn, nhà đầu tư có thể xem xét chọn lọc giải ngân, tích lũy đối với những cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng khi giá đang giảm về vùng hấp dẫn.
Bộ phận phân tích của Chứng khoán Rồng Việt cho biết, nhịp cầu đưa thị trường tăng điểm trong tuần qua có dấu hiệu đuối sức, khi chưa thể giúp VN-Index vượt qua ngưỡng cản tâm lý 1.200 điểm và có diễn biến lùi bước trong phiên giao dịch cuối tuần. Cộng thêm thanh khoản giảm dần cũng cho thấy sự thận trọng của dòng tiền.
Với tín hiệu đuối sức trong ba phiên vừa qua, trong tuần tới, VN-Index có khả năng sẽ kiểm tra lại tín hiệu vượt cản 1.180-1.190 điểm, trước khi quay trở lại xu hướng hồi phục.
"Nhà đầu tư tạm thời nên chậm lại, tránh rơi vào trạng thái quá mua và vẫn có thể tận dụng nhịp giảm để tiếp tục mua tích lũy các cổ phiếu mạnh lùi về vùng hỗ trợ cứng", phía Rồng Việt khuyến nghị.
Trong khi đó, phía trung tâm phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng nhà đầu tư ngắn hạn tạm thời đứng ngoài quan sát diễn biến thị trường trong bối cảnh VN-Index chạm ngưỡng kháng cự 1.200 điểm.
Nhà đầu tư dài hạn cần kiên nhẫn chờ đợi cơ hội giải ngân mới, có thể tận dụng các nhịp rung lắc mạnh trong phiên để giải ngân mua các cổ phiếu mục tiêu ở những vùng giá tốt hơn.