Sau 6 tuần liên tiếp giảm điểm, VN-Index đã có tuần tăng điểm đầu tiên trong tuần 16 - 20/5. Chỉ số đã tăng 4,9% trong tuần tương ứng mức tăng 57,94 điểm và chốt tuần tại 1.240,71. Đáng chú ý phiên ngày 17/5, VN-Index đã có phiên tăng mạnh nhất trong 2 năm trở lại đây với mức tăng 56,42 điểm, tương đương 4,81%.
Đà hồi phục của tuần gặp nhiều thử thách khi phiên ngày 19/5 chứng khoán thế giới đã đồng loạt giảm mạnh, tuy nhiên thị trường Việt Nam đã có phiên ngược dòng diễn biến trên để duy trì nhịp hồi phục.
Theo quan sát, MSN là cổ phiếu ảnh hưởng tích cực đến VN-Index, với mức tăng 11,2% trong tuần, cổ phiếu này đã giúp chỉ số chính sàn HOSE có thêm 3,9 điểm. Nhóm ngân hàng chiếm giữ 4 vị trí tiếp theo của Top5 với các mã BID (3,5 điểm), MBB (2,8 điểm), VCB (2,8 điểm) và CTG (+,8 điểm). Trong Top 10, nhóm nhà băng đóng góp thêm 2 đại diện nữa là VPB và TCB.
Khối ngoại trở lại bán ròng 186 tỷ đồng trong tuần, trong đó SSI là cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất, theo sau là HPG. Ở chiều ngược lại cá nhân trong nước trở lại là bên nâng đỡ thị trường với giao dịch mua ròng 1.727 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 1.732 tỷ đồng. Hoạt động giải ngân của nhà đầu tư cá nhân tập trung ở các bluechips, chủ yếu đối ứng với nhà đầu tư nước ngoài.
Cá nhân trong nước chưa ngừng chốt lời nhóm hóa chất, trong khi gom mạnh cổ phiếu địa ốc
Theo thống kê từ Fiintrade, hoạt động rút vốn của các cá nhân trong nước chiếm ưu thế với 10/18 ngành bị bán ròng. Trong đó, cổ phiếu hóa chất là nhóm bị xả ròng nhiều nhất với giá trị lên tới 311 tỷ đồng, dù vậy quy mô rút vốn đã giảm 47% so với tuần trước đó.
Có thể thấy, hoạt động chốt lời mạnh mẽ diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu hóa chất giao dịch tích cực trở lại sau chuỗi điều chỉnh kéo dài.
Bên cạnh đó, giao dịch bán ròng của nhà đầu tư cá nhân cũng được chứng kiến ở nhóm thực phẩm và đồ uống (169 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp với 151 tỷ đồng và bán lẻ (100 tỷ đồng). Tương tự, cổ phiếu của nhiều nhóm ngành cũng nằm trong danh mục bán ròng như công nghệ thông tun, hàng cá nhân & gia dụng, y tế, xây dựng & vật liệu, bảo hiểm,... với giá trị thấp hơn.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu bất động sản tiếp tục thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân với quy mô giải ngân lên tới 924 tỷ đồng. Trong tuần trước đó VN-Index giảm điểm kỷ lục, cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc cũng là ngành dòng tiền cá nhân tìm đến nhiều nhất.
Đáng nói, hoạt động rót tiền của cá nhân trong nước cũng quay lại một số nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng (453 tỷ đồng) dù nhóm này bị bán ròng mạnh nhất tuần trước đó, tài nguyên cơ bản (457 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (600 tỷ đồng).
Tâm điểm mua ròng SSI, HPG
Theo thống kê, danh mục Top10 mua ròng của cá nhân trong nước tuần qua tập trung vào các mã vốn hóa lớn trong rổ VN30.
Giao dịch tại chiều mua của nhà đầu tư cá nhân tuần qua nổi bật nhất là hoạt động giải ngân vào cổ phiếu SSI của Chứng khoán SSI. Mã này dẫn đầu với giá trị mua ròng lớn nhất lên tới 602,8 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân gần như đối ứng với các nhà đầu tư nước ngoài khi nhóm này cũng bán ròng 575,8 tỷ đồng cổ phiếu VHM.
Nối tiếp, các cá nhân gom ròng 518,8 tỷ đồng cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát khi mã này có nhịp tăng gần 5% trong tuần vừa qua. Đây cũng là bên mua ròng duy nhất cổ phiếu HPG trong tuần vừa qua.
Bên cạnh VHM, DIG, nhà đầu tư cá nhân cũng thực hiện gom ròng hàng loạt bluechips, điển hình là VIC (304 tỷ đồng), STB (246,5 tỷ đồng), VHM (234,5 tỷ đồng). Danh mục Top10 thu hút dòng vốn cá nhân trong nước còn có sự góp mặt của DIG (145,4 tỷ đồng), VCB (123,5 tỷ đồng), VJC (107,4 tỷ đồng), KDH (107,3 tỷ đồng) và TCB (77,2 tỷ đồng).
Trở lại chiều bán ròng, dòng tiền cá nhân nội đồng loạt rút khỏi nhiều cổ phiếu midcap. Trong đó, DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP là mã bị rút ròng nhiều nhất với 232,5 tỷ đồng. Trái ngược với các cá nhân nội, mã này lại thu hút lượng lớn dòng tiền từ khối ngoại trong tuần VN-Index hồi phục.
Một đại diện khác của nhóm hóa chất là DCM cũng nằm trong danh mục bán ròng với giá trị 107,3 tỷ đồng. Theo sau, cổ phiếu VHC của Vĩnh Hoàn cũng bị rút ròng trên trăm tỷ đồng bất chấp nỗ lực gom mua của tổ chức nội và NĐT nước ngoài.
Một số cổ phiếu cũng ghi nhận giao dịch cùng chiều như FPT (85,3 tỷ đồng), HSG (84,5 tỷ đồng), CTG (81,1 tỷ đồng), MWG (68,4 tỷ đồng), HDG (41,7 tỷ đồng) và PNJ (40,4 tỷ đồng).