Nhằm lập lại trật tự về phân bố phát triển công nghiệp trên địa bàn, tập trung các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp có điều kiện mở rộng quy mô, ổn định và phát triển sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường, đồng bộ hạ tầng công nghiệp, góp phần chỉnh trang và phát triển đô thị.
Đây là mục đích, yêu cầu của Kế hoạch xây dựng đề án đề xuất lộ trình di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn vừa được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành.
Theo đó, từ nay đến năm 2030, tiến hành xem xét, đề xuất di dời các dự án sản xuất công nghiệp chưa thực hiện hồ sơ pháp lý hoạt động sản xuất công nghiệp tại vị trí đang hoạt động.
Đặc biệt ưu tiên thực hiện di dời sớm các dự án có vị trí sản xuất trong khu dân cư đông đúc, gây tiếng ồn, an ninh trật tự, có tác động ảnh hưởng không tốt đến môi trường sống xung quanh, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Các cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc danh mục các ngành nghề ô nhiễm môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Sau năm 2030, sẽ di dời các dự án sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã thực hiện đầy đủ hồ sơ pháp lý hoạt động sản xuất kinh doanh tại vị trí hoạt động sản xuất công nghiệp nhưng nằm trong khu dân cư, không còn phù hợp quy hoạch trong giai đoạn tới và đã hết thời hạn hoạt động theo giấy phép được cơ quan có thẩm quyền cấp, sẽ xem xét lộ trình di dời theo thời hạn hoạt động theo giấy phép được cơ quan có thẩm quyền cấp.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai yêu cầu thời gian trình phê duyệt phương án di dời cấp huyện chậm nhất tháng 12/2024; xây dựng phương án di dời cấp tỉnh trong năm 2025.
Để thực hiện đề án theo lộ trình, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo xây dựng Đề án đề xuất lộ trình di dời doanh nghiệp sản xuất vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn cấp huyện; Sở Công thương xây dựng Đề án, đề xuất lộ trình di dời doanh nghiệp sản xuất vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; các sở, ban ngành, địa phương liên quan phối hợp thực hiện Đề án.
Đối với Ban Quản lý các khu công nghiệp, rà soát diện tích đất quy hoạch khu công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đáp ứng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; trong đó, có quy định “dành tối thiểu 5 ha đất công nghiệp hoặc tối thiểu 3% tổng diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp để doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư.”
Tỉnh Đồng Nai hiện có 33 khu công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích hơn 10.500ha. Có 32 khu công nghiệp đang hoạt động, đã cho hơn 2.090 doanh nghiệp thuê hơn 6.000ha đất để sản xuất, kinh doanh.
Trên địa bàn hiện có gần 1.600 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với số vốn đầu tư trên 34 tỷ USD. Có 44 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Đồng Nai; trong đó, đứng đầu về số vốn là Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản.
Ngoài kế hoạch di dời các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp vào trong các khu công nghiệp, hiện nay tỉnh Đồng Nai còn đang thực hiện Đề án chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1, di dời các doanh nghiệp trong khu công nghiệp này đến địa điểm khác.
Ngày 5/2/2024, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 324/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu đô thị-thương mại-dịch vụ và cải thiện môi trường. Thời hạn cuối để di dời các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Biên Hòa 1 là tháng 12/2025.