Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) xác lập Philippe Mark là "Đơn vị thực hiện mặt số đồng hồ tạo hình bản đồ Việt Nam bằng kỹ thuật tráng men Cloisonné, với các chi tiết có diện tích nhỏ nhất", hồi đầu tháng 1. Cụ thể, đường kính mặt số tráng men trung tâm là 19 mm, dày 1,1 mm. Nghệ nhân dùng dây vàng dát mỏng như sợi tóc (từ 0,03 đến 0,07 mm) để uốn thành hình chữ S, quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa trên hai mẫu VietNam Limited Edition Worldtimer (vàng hồng 18K PM2705R-001 và thép không gỉ PM2705S-001).
Ông Philippe Le - Chủ tịch Philippe Mark - cho biết phấn khởi khi "đứa con tinh thần" đoạt thành tích "khủng", nhất là khi doanh nghiệp mới thành lập hai năm và dòng VietNam Limited Edition Worldtimer là sản phẩm đầu tay, mỗi phiên bản chỉ sản xuất giới hạn 100 chiếc.
"Toàn bộ quy trình chế tác hai phiên bản trên tương tự các hãng nổi tiếng toàn cầu, sản xuất và lắp đặt tại Thụy Sĩ, dưới sự kiểm soát chất lượng khắt khe của Schwarz Etienne - đơn vị 120 năm tuổi", ông Philippe Le lý giải.
Mặt số đồng hồ tráng men Cloisonné được thực hiện theo kỹ thuật cổ xưa qua chín bước: chế tạo phôi mặt số, uốn cong dây vàng, sàn rửa men thủy tinh, vào men và nung, chà nhám thô, nung lại, đánh bóng hoàn thiện, cuối cùng là kiểm tra bọt khí trong men trên kính hiển vi.
Nghệ nhân chọn vàng 18 K vì tương thích với men, có thể phá hủy sự hình thành oxit ảnh hưởng đến lớp men kế tiếp, đồng thời ít biến dạng hay đổi màu khi nung ở nhiệt độ cao. Tương tự, các sợi chỉ Cloisonné cũng được chế tác từ vàng, có độ mỏng từ 0,03 đến 0,07 mm, tùy yêu cầu thể hiện ở từng vị trí và sắp xếp dọc theo đường nét phác họa trên bản thảo, sao cho những đoạn uốn cong thành góc vuông, dây không bị vồng lên.
Để tạo hình dây, nghệ nhân dùng kìm nhỏ sắc bén, hai cây nhíp mỏ cong và bộ gá tùy chỉnh. Mọi thao tác được thực hiện dưới kính hiển vi soi nổi có độ phóng đại lên đến 45X. Công đoạn này đòi hỏi nghệ nhân phải có đôi tay, mắt thẩm mỹ và nhãn quan điêu luyện. Lý do những sợi chỉ này khiến các chi tiết trở nên sắc nét hơn, tạo độ sâu ấn tượng cho bức tranh tổng thể. Cụ thể, các hòn đảo thuộc hai quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa được chế tác từ sợi chỉ mỏng 0,03 mm. Thực tế trên mặt số đồng hồ, những chấm nhỏ ấy chỉ lớn bằng mũi kim may áo.
Tiếp đó là khâu sàng rửa men thủy tinh nhằm loại bỏ các hạt mịn có thể gây ra vẩn đục. Khi đạt đến độ trong vắt, men sẽ được bảo quản trong hộp kín, đặt ở nơi khô ráo và chuẩn bị tráng men.
Công đoạn đưa men lên phôi mặt số đóng vai trò tiên quyết, cần tập trung cao độ. Theo đó, nghệ nhân phải kiểm soát tay từng động tác nhỏ, di chuyển đầu cọ đến mọi chi tiết, ngóc ngách. Khó nhất là thao tác đưa từng hạt men siêu nhỏ vào các đảo Phú Quốc, Côn Đảo, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa...
"Việc kiểm soát lỗ rỗng cũng khá thách thức, bởi chỉ cần một lỗi nhỏ sẽ để lại bóng khí trong men sau khi nung. Chúng tôi cũng cân nhắc kỹ lưỡng về màu men, quyết định chọn gam đỏ làm nổi bật bản đồ Việt Nam cùng hai quần đảo quan trọng", ông Philippe Le nhấn mạnh.
Nhiệt độ nung men dao động khoảng 700-900 độ C, tổng số lần nung các lớp men từ 12 đến 15 lần. Ba công đoạn cuối cùng gồm chà nhám thô tỉ mỉ, đánh bóng và kiểm tra bóng khí trong men bằng kính hiển vi, chỉ một sơ suất nhỏ sẽ khiến men bị nứt, thậm chí tỷ lệ mặt men loại bỏ đến hơn 80%. Vì sự phức tạp và kỳ công, nghệ nhân phải trải qua 80-90 giờ chế tác một mặt số đồng hồ Cloisonné.
Với độ dày tổng thể 11,29 mm, Philippe Mark chia bộ vỏ ra thành ba khớp, trong đó phần thân giữa thụt vào trong so với vành trên dưới, giúp độ dày có phần nhẹ đi. Kèm với đó là họa tiết hoa văn kim cương chạy quanh tạo sự tinh tế cho toàn bộ phần bên ngoài. Điểm nhấn là hai mặt kính sapphire trên và dưới, để lộ bộ chuyển động PM304 chế tác thủ công.
Thay vì in tên thương hiệu trên mặt số, hãng quyết định đưa ra ngoài bộ vỏ nhằm tôn vinh vẻ đẹp bức tranh Cloisonné. Đồng hồ hiển thị múi giờ ở 36 thành phố lớn trên toàn cầu và điểm khác biệt là lồng ghép múi giờ Hà Nội (thay cho giờ Bangkok thường xuất hiện trước đó). Sản phẩm phù hợp với người đam mê du lịch, khám phá và doanh nhân thường xuyên di chuyển, công tác.
(ảnh: Philippe Mark)