Tài chính

Đơn vị vừa nhận chuyển giao ngân hàng 0 đồng, yếu kém nói gì?

Ngày 17/1, Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng ( VPBank ) và Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank) cho Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank).

Ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT VPBank - cho biết, việc VPBank được phê duyệt nhận chuyển giao bắt buộc thể hiện sự tin tưởng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đối với uy tín, năng lực, kinh nghiệm của VPBank.

Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và có rất nhiều thách thức, VPBank sẽ tập trung nguồn lực, nhân sự của cả hệ thống với nỗ lực và quyết tâm cao nhất để thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong hoạt động tái cơ cấu, giúp ổn định thị trường tài chính, tiền tệ và tăng cường lòng tin của nhà đầu tư và công chúng với hệ thống ngân hàng.

Đơn vị vừa nhận chuyển giao ngân hàng 0 đồng, yếu kém nói gì?- Ảnh 1.

VPBank sẽ góp vốn vào ngân hàng GPBank nhưng không vượt quá 20% vốn điều lệ.

"Chúng tôi tin rằng, với sự quyết tâm, nỗ lực và đoàn kết của toàn bộ cán bộ ngân hàng được chuyển giao và VPBank cùng sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, của Ngân hàng Nhà nước... VPBank sẽ thực hiện thành công nhiệm vụ được giao", Chủ tịch VPBank nói.

Chuyển giao bắt buộc là một trong những cách để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng buộc phải kiểm soát đặc biệt, được quy định tại Luật các Tổ chức tín dụng.

Việc chuyển giao bắt buộc GPBank cho VPBank được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và phê duyệt của cấp có thẩm quyền với mục tiêu từng bước khôi phục hoạt động bình thường, khắc phục các yếu kém, đưa GPBank dần trở thành ngân hàng có tài chính lành mạnh.

Đối với VPBank, ngân hàng sẽ có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng, mạng lưới; duy trì GPBank như một ngân hàng con hoặc bán, chuyển nhượng GPBank cho nhà đầu tư mới sau khi kết thúc phương án chuyển giao bắt buộc.

Sau chuyển giao bắt buộc, GPBank tiếp tục hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do VPBank sở hữu 100% vốn điều lệ, hoạt động kinh doanh theo quy định. Mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền; quyền, nghĩa vụ của khách hàng tại GPBank tiếp tục được đảm bảo theo đúng thỏa thuận và quy định pháp luật. GPBank là pháp nhân độc lập và không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính vào báo cáo tài chính hợp nhất của VPBank.

VPBank thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với GPBank theo quy định. Để hỗ trợ GPBank, VPBank sẽ góp vốn vào GPBank trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc để GPBank có thêm nguồn lực tài chính, phát triển kinh doanh, cải thiện kết quả hoạt động, tổng mức vốn góp không vượt quá 20% vốn điều lệ của VPBank.

Về phía HDBank, ngân hàng này đánh giá việc tiếp nhận ngân hàng Dong A Bank là giải pháp trong Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, góp phần khắc phục tồn tại và lành mạnh hoá hoạt động ngân hàng theo chủ trương của Đảng và Chính phủ.

Đơn vị vừa nhận chuyển giao ngân hàng 0 đồng, yếu kém nói gì?- Ảnh 2.

Ngân hàng HDBank nhận chuyển giao Dong A Bank.

Sau chuyển giao bắt buộc, Dong A Bank hoạt động dưới hình thức ngân hàng TNHH một thành viên do HDBank sở hữu, đảm bảo mọi quyền lợi của người gửi tiền và khách hàng. Dong A Bank vẫn là pháp nhân độc lập, không hợp nhất báo cáo tài chính vào HDBank. Dong A Bank được quản lý và hỗ trợ từ HDBank để dần phục hồi hoạt động và cải thiện tình hình tài chính.

Việc tiếp nhận DongA Bank tạo cơ hội cho HDBank mở rộng quy mô hoạt động, tăng trưởng tín dụng, phát triển các mô hình kinh doanh mới. Dong A Bank và HDBank sẽ được áp dụng các cơ chế chính sách hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo quá trình chuyển giao bắt buộc hiệu quả.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm