Ngày mai (5/5), TAND cấp cao tại TPHCM sẽ mở phiên phúc thẩm, xét xử theo kháng cáo của bị cáo, bị hại trong vụ án xảy ra tại Cty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận – IPC và Cty CP phát triển Nam Sài Gòn – SADECO. Đây là vụ án liên quan đến việc phát hành giá rẻ 9 triệu cổ phiếu cho Cty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Nguyễn Kim) .
Trước đó vào tháng 1/2022, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Tất Thành Cang (cựu phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM) 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; Tề Trí Dũng (cựu Tổng giám đốc Cty IPC) 20 năm tù về 2 tội “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Các bị cáo còn lại trong vụ án bị tuyên phạt từ 3 năm 6 tháng tù đến 16 năm tù về một trong các tội hoặc cả hai tội danh trên.
Phiên tòa sơ thẩm hồi đầu năm nay. Ảnh: Tân Châu.
Sau án sơ thẩm, có 10 trên tổng số 20 bị cáo có đơn kháng cáo. Trong đó, ông Tất Thành Cang kháng cáo không đồng tình với cáo buộc vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, khi chấp thuận cho SADECO bán rẻ 9 triệu cổ phần và cho rằng hậu quả của vụ án là do việc làm, báo cáo không trung thực, gian dối của đại diện vốn Văn phòng Thành ủy TPHCM tại SADECO...
Các bị cáo Tề Trí Dũng (cựu Tổng Giám đốc IPC), Phạm Văn Thông (cựu Phó Chánh văn phòng Thành ủy), Huỳnh Phước Long (cựu Trưởng phòng Quản lý đầu tư kinh doanh vốn của Văn phòng Thành ủy), Trần Công Thiện (cựu Tổng giám đốc Cty MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận), Trần Đăng Linh (cựu phó Tổng giám đốc IPC), Vũ Xuân Đức (cựu phó Tổng giám đốc IPC), Đỗ Công Hiệp (cựu Kế toán trưởng SADECO) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Cựu Trưởng ban kiểm soát SADECO - bị cáo Nguyễn Văn Minh kháng cáo xin xem xét lại tội danh và mức án. Bị cáo Nguyễn Trường Bảo Khánh (cựu thành viên HĐTV IPC) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo.
SADECO (bị hại) kháng cáo đề nghị buộc các bị cáo Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc (cựu Tổng giám đốc SADECO) và các đồng phạm bồi thường 2,8 tỉ đồng, hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 13 của SADECO (đăng ký tăng vốn điều lệ từ 170 lên 260 tỉ đồng). Đề nghị Sở KH&ĐT TPHCM thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho SADECO với số vốn điều lệ đăng ký là 170 tỷ đồng.
Theo nội dung bản án sơ thẩm, SADECO là công ty con của Cty IPC, với tỷ lệ góp vốn của IPC là 74,8%. Ngày 26/3/2015, IPC bán đấu giá vốn góp tại SADECO. Cty Eximland là nhà đầu tư mua trúng đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phần (chiếm 30,8% vốn điều lệ của SADECO), với giá 26.100 đồng/cổ phần.
Tháng 9/2016, Nguyễn Kim mua lại toàn bộ cổ phần của Eximland tại SADECO với giá 55.000 đồng/cổ phần. Vốn điều lệ của SADECO tại thời điểm tháng 10/2016 là 170 tỷ đồng (tương ứng với 17 triệu cổ phần), trong đó vốn của IPC chiếm 44%, vốn của Thành ủy chiếm 16,7%, nhóm Nguyễn Kim chiếm 30,8% và các cổ đông khác chiếm 8,5%.
Các cá nhân liên quan tại Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, IPC và SADECO đồng ý bán 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần không thông qua thẩm định giá và đấu giá, gây thất thoát 669 tỷ đồng cho nhóm cổ đông Nhà nước.