Tài chính

Đội ngũ phục vụ khách VIP ngân hàng được hưởng lương thưởng ra sao?

Đội ngũ phục vụ khách VIP ngân hàng được hưởng lương thưởng ra sao? - Ảnh 1.

Cùng với sự tăng lên trong tích lũy của xã hội và thu nhập đầu người, các ngân hàng giờ đây đã mở rộng phục vụ thêm tập khách hàng ưu tiên (Priority) và thượng khách (Private), gọi chung là khách VIP.

Không chỉ nhiều ưu đãi hơn, chất lượng dịch vụ hạng ưu tiên cũng có sự khác biệt đáng kể so với hạng chuẩn, đặc biệt một số ngân hàng còn có riêng đội ngũ nhân sự phục vụ cho tập khách hàng này.

Được biết, các nhân sự để phục vụ khách VIP thường được yêu cầu rất khắt khe. Trong đó, ngoại hình là một trong những yếu tố được đòi hỏi đầu tiên. Đồng thời, ứng viên phải có kinh nghiệm ít nhất từ 1-3 năm trong hoạt động ngân hàng bán lẻ hoặc bán các sản phẩm cao cấp….

Như tại VIB chuyên viên chăm sóc khách hàng ưu tiên được yêu cầu có ngoại hình ưa nhìn, tự tin, có kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thương lượng và kỹ năng giải quyết vấn đề. Đồng thời, ứng viên cũng được yêu cầu có kinh nghiệm 1- 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ hoặc bảo hiểm.

Về quyền lợi, các nhân sự này được hưởng lương cơ bản cao hơn hẳn so với chuyên viên chăm sóc khách hàng thông thường, lương kinh doanh không giới hạn; được đào tạo nghiệp vụ, kiến thức tài chính ngân hàng, tham gia bảo hiểm đầy đủ theo quy định; tiếp cận với mạng lưới rộng, cơ hội thăng tiến cao, lộ trình thăng tiến rõ ràng.

Hoặc như tại NCB, các nhân sự ứng tuyển cho vị trí chuyên viên chăm sóc khách hàng ưu tiên được yêu cầu có độ tuổi từ 22 – 35; chiều cao tối thiểu với nữ là 1m60 và 1m68 đối với năm; ngoại hình sáng, ưa nhìn, tác phong chuyên nghiệp. Đồng thời, ứng viên phải có tối thiểu 01 năm kinh nghiệm vị trí chuyên viên khách hàng ưu tiên hoặc tối thiểu 03 năm kinh nghiệm tại các vị trí tín dụng, giao dịch viên, chuyên viên tư vấn tài chính.

Một số ngân hàng có cả chương trình tuyển dụng riêng hoặc sàng lọc và đào tạo ngay từ khi còn ở giảng đường để làm công việc chăm sóc khách hàng ưu tiên.

Để trúng tuyển, các ứng viên phải trải qua hàng loạt chương trình đào tạo, nhiều vòng thi về cả kiến thức lẫn nghiệp vụ để có thể công tác ở các vị trí này. Các nhà băng cũng sẵn sàng đưa ra các chế độ đãi ngộ cho các tài năng, ngay cả khi chỉ vừa trong chương trình đào tạo.

Như tại VPBank có chương trình “VPBank Power To Prosper” để tuyển dụng ứng viên tư vấn tài chính cá nhân hoặc chuyên viên quan hệ khách hàng ưu tiên.

Hoặc ở MSB sẵn sàng nhận thực tập sinh Quan hệ Khách hàng Ưu tiên có lương.  Theo đó, ngân hàng sẽ tiếp nhận và đào tạo miễn phí các ứng viên có thể là sinh viên năm cuối hoặc mới tốt nghiệp tại các trường cao đẳng, đại học về kinh tế. Các nhân sự sẽ được đào tạo 1 kèm 1 và được hưởng mức lương 7 triệu đồng/tuần ngay từ trong quá trình đào tạo. Khi trở thành nhân viên chính thức, các nhân sự sẽ được hưởng mức lương cứng 8 triệu đồng/tháng; cơ hội được nhận thưởng hiệu suất kinh doanh lên đến 6,5 tháng lương; lương tháng 13; bảo hiểm, cùng nhiều đãi ngộ khác.

Với Techcombank, nhà băng này có chương trình Quản trị viên tập sự Quản Lý Quan Hệ Khách Hàng Ưu Tiên (PRM Trainee Program) dành riêng để tuyển dụng và đào tạo các tài năng trẻ. Tại đây, các sinh viên năm 4, hoặc đã tốt nghiệp, hay người đi làm có dưới 2 năm kinh nghiệm, có ngoại hình ưa nhìn (nam cao trên 1m68, nữ trên 1m58), năng động, từng có kinh nghiệm ở các câu lạc bộ đội nhóm đều có thể ứng tuyển.

Sau khi trúng tuyển, các thí sinh này sẽ trải qua lộ trình 15 tháng đào tạo để có thể phục vụ các khách hàng VIP. Đi kèm với chương trình đào tạo là các chế độ đãi ngộ hấp dẫn, như lương khởi điểm 18 triệu ngay từ tháng đào tạo đầu tiên, bảo hiểm sức khỏe định kỳ,...

Nhìn chung, các ngân hàng đang rất chú trọng đến việc đào tạo đội ngũ nhân sự phục vụ khách hàng ưu tiên. Đồng thời, các nhà băng cũng sẵn sàng đưa ra những đãi ngộ hấp dẫn dành cho ứng viên dù chỉ mới ở giai đoạn đào tạo.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm