CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 12/2022 với doanh thu xuất khẩu giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 661 tỷ đồng.
Trong đó, mảng cá tra sụt giảm tới 44% còn 297 tỷ, là tháng thứ hai liên tiếp ghi nhận doanh thu tăng trưởng âm. Các mảng sản phẩm phụ, bánh phồng tôm, bánh gạo bún cũng như các sản phẩm giá trị gia tăng đồng loạt báo doanh thu đi xuống so với tháng 12/2021. Bù lại, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sản phẩm hỗn hợp khác ghi nhận tăng trưởng 31% và 18%.
Xét theo thị trường xuất khẩu, hai thị trường chính là Mỹ và Trung Quốc cùng báo doanh thu giảm 63% và 73%. Thị trường trong nước cũng ghi nhận sự giảm sút doanh thu 16%. Riêng thị trường châu Âu và các nước khác có cải thiện so với cùng kỳ.
Nếu so với các tháng từ đầu năm đến nay, tháng 12 là tháng có doanh thu xuất khẩu thấp nhất, là tháng thứ ba có doanh thu giảm sút liên tiếp.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt trên 10 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu cá tra đạt 2,4 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Hai thị trường chi phối xu hướng xuất khẩu cá tra là Trung Quốc chiếm 30%, Mỹ chiếm 23%. Vĩnh Hoàn là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về xuất khẩu cá tra.
Trước đó, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của VASEP nhận định, giai đoạn nửa cuối năm tăng trưởng xuất khẩu thủy sản đã chậm lại, nhu cầu thị trường tụt dốc, thể hiện rõ rệt nhất ở kết quả xuất khẩu trong quý IV/2022.
"Dự báo tháng 12, xuất khẩu thuỷ sản sẽ giảm sâu hơn nữa và đà sụt giảm kéo dài sang năm 2023. Lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường nhập khẩu, khiến nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý I/2023 gần như đình trệ", bà Lê Hằng nhận định.
Nhiều doanh nghiệp thuỷ sản cho biết đơn hàng sụt giảm mạnh không chỉ đối với các mặt hàng giá cao như tôm sú, tôm chân trắng cỡ lớn, hải sản cao cấp như mực, bạch tuộc, cá ngừ…, mà cả các sản phẩm có giá vừa phải như tôm cỡ nhỏ, cá tra, cá biển nhỏ, chả cá, surimi…cũng đều bị giảm đáng kể nhu cầu cho quý tới.
Theo báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh lạm phát và tồn kho cá thịt trắng cao sau khi nhập khẩu ồ ạt, xuất khẩu sang Mỹ của Vĩnh Hoàn giảm đáng kể từ quý II/2022. Còn thị trường Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.
Các chuyên gia dự báo tốc độ tăng trưởng của Vĩnh Hoàn nói riêng và toàn ngành nói chung sẽ tiếp tục chậm lại cho đến ít nhất là nửa đầu năm 2023.
Các chuyên gia cho rằng, lợi nhuận năm 2023 của Vĩnh Hoàn nhiều khả năng sẽ tăng trưởng âm, nhưng vẫn cao hơn mức trước 2022. Thứ nhất, giá bán và sản lượng sẽ khó giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát vì nhu cầu tiêu dùng thực phẩm giá rẻ như cá tra vẫn ở mức cao.
Thứ hai, mảng collagen và gelatin (C&G) có thể làm giảm bớt mức độ sụt giảm lợi nhuận trong những năm khó khăn của mảng cá tra. Cuối cùng, thị trường không còn tình trạng dư cung nguyên vật liệu như giai đoạn 2018 - 2019 giúp giá nguyên vật liệu và giá bán không giảm đột biến.
Ở diễn biến khác, theo phân tích, thị trường Mỹ vẫn chưa thể hồi phục trong năm 2023 do lạm phát dai dẳng. Vĩnh Hoàn có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc có tiềm năng phục hồi hơn, nhưng vẫn khó bù đắp sụt giảm ở thị trường chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất và có giá bán cao nhất của Vĩnh Hoàn.