CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) cho biết trong tháng 11/2023, doanh thu tiêu thụ đạt 556 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, là tháng thứ năm liên tiếp ghi nhận tăng trưởng dương so với tháng 11/2022. Tuy nhiên kết quả này lại là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2023.
Lũy kế 11 tháng đầu năm, doanh thu tiêu thụ của TNG đạt 6.563 tỷ đồng, tương đương tăng gần 4% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 97% mục tiêu doanh thu cả năm.
Thực tế, đơn hàng sụt giảm mạnh, công nhân giảm giờ làm, nhà máy giảm thiểu công suất, thậm chí đóng cửa là chuyện đang diễn ra với ngành dệt may Việt Nam nói chung.
Tại họp báo Hội nghị tổng kết năm 2023 của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho biết kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2023 ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9% so với năm 2022.
Nguyên nhân là sức mua của thị trường lớn sụt giảm đáng kể do kinh tế thế giới trong năm nay phục hồi chậm, lạm phát gia tăng, thị trường tài chính toàn cầu mất ổn định. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị vẫn tồn tại, làm phân mảnh thương mại, ảnh hưởng đến xuất khẩu mặt hàng chủ lực của Việt Nam.
Theo ông Vũ Đức Giang, điểm sáng của ngành dệt may trong năm khó khăn như 2023 là đa dạng thị trường, khách hàng và sản phẩm. Việt Nam đã xuất khẩu 36 mặt hàng dệt may sang các thị trường, trong đó có mặt hàng mới và tiềm năng là áo đạo Hồi.
Trong quý IV, tín hiệu tích cực là thị trường bắt đầu nóng dần lên, các doanh nghiệp đã có đơn hàng trở lại.
“Dựa vào bối cảnh trong nước, quốc tế, Vitas xây dựng mục tiêu xuất khẩu dệt may năm 2024 đạt 44 tỷ USD. Tồn kho hàng dệt may toàn cầu hiện nay vẫn ở mức khá cao, chúng tôi kỳ vọng dịp lễ Noel và Tết Dương lịch sẽ giải phóng bớt, tạo động lực cho ngành trong năm tới”, ông Vũ Đức Giang nói.
Dù vậy, Chủ tịch Vitas nhìn nhận rằng thách thức với ngành dệt may chưa dừng lại khi kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo còn nhiều biến động. Ngoài ra là các quy định mới liên quan đến môi trường và quyền con người, chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may...
Song, ngành dệt may vẫn có những lợi thế nhất định so với đối thủ khi Việt Nam đã và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Anh…
Ngoài ra, Vitas kỳ vọng chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 có thể thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sợi – dệt – nhuộm, tạo cơ hội cho ngành tận dụng ưu đãi từ các hiệp định.