Doanh nghiệp

Doanh nhân Nhật bán sỉ rau củ ở Việt Nam nhận vốn 15 triệu USD

Hôm 9/12, Kamereo - startup cung cấp thực phẩm B2B (bán sỉ giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp), có trụ sở tại TP HCM - công bố huy động thành công 7,8 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B từ Sumitomo Corporation, Inspire, SMBC Venture Capital, Mitsubishi UFJ Capital, Reazon Holdings cùng một số nhà đầu tư cá nhân.

Như vậy đến nay, công ty này đã huy động tổng cộng hơn 15 triệu USD. Họ định dùng nguồn vốn mới mở rộng hoạt động kinh doanh, danh mục sản phẩm, triển khai nhập khẩu và ra mắt các dịch vụ mới như mô hình sàn giao dịch (marketplace), phát triển thêm tính năng sản phẩm.

Kamereo đồng sáng lập bởi Taku Tanaka, người rời công ty chứng khoán Credit Suisse Nhật Bản năm 2015 đến Việt Nam làm Giám đốc vận hành Pizza 4P's, góp phần đưa thương hiệu từ cửa hàng nhỏ tại TP HCM thành chuỗi nhà hàng có tiếng.

Taku Tanaka, Đồng sáng lập kiêm CEO Kamereo. Ảnh công ty cung cấp

Taku Tanaka, Đồng sáng lập kiêm CEO Kamereo. Ảnh công ty cung cấp

Ông rời Pizza 4P's vào tháng 1/2017 và đồng sáng lập Kamereo vào tháng 6/2018 cùng Hiroshi Tokaku, ban đầu là dịch vụ nền tảng tìm kiếm nguồn cung ứng và mua hàng. Họ huy động được 500.000 USD đầu tiên vào 2019 và nhận thêm 4,6 triệu USD ở vòng series A vào mùa dịch 2021.

Đó là thời điểm họ tập trung hơn vào cung cấp sỉ nguyên liệu thực phẩm cho phân khúc HORECA (khách sạn, nhà hàng, quán cà phê). Thị trường này ước tính quy mô đến 100 tỷ USD, tăng trưởng trên 5% trong vòng 5 năm tới và còn thiếu công ty bán buôn lớn như Nhật Bản hay Mỹ.

"Với dân số vượt 100 triệu người vào 2023 và tăng trưởng kinh tế liên tục, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng, đặc biệt trong lĩnh vực mạng lưới phân phối thực phẩm, còn nhiều dư địa cải thiện hiệu quả", Taiki Goto, Phó tổng giám đốc Bộ phận đầu tư II, Mitsubishi UFJ Capital, nhận định.

Theo báo cáo thị trường Kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam của IPOS, ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống (F&B) đang tăng trưởng 11,47%, đạt tổng hơn 590.000 tỷ đồng. Đến hết 2023, số lượng cửa hàng tại Việt Nam đạt mốc 317.299, tăng 1,26% so với 2022. Trong gần 3.000 đơn vị được hỏi, 79,6% nói tình hình kinh doanh tốt lên và đủ nguồn lực để phát triển. Hơn một nửa muốn mở rộng quy mô.

Manabu Fujimoto, Giám đốc Inspire Investment, đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng chủ chốt ở Đông Nam Á, nơi giải pháp cung ứng tích hợp dọc của Kamereo cung cấp giá trị thiết thực, đáp ứng nhu cầu các bên.

Startup của Taku Tanaka phát triển nhãn hàng riêng từ năm ngoái và dự kiến dành một phần nguồn vốn vừa huy động để thúc đẩy mô hình này, cung cấp thêm rau củ cắt sẵn cho siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Họ mở rộng hoạt động ra Hà Nội tháng này và định đến miền Trung.

Ngoài ra, công ty triển khai thêm mô hình sàn giao dịch kết nối nhà cung cấp với bên mua. Họ đầu tư hệ thống kho bãi, đảm nhiệm bán hàng, vận chuyển và thu tiền. Dự án đầu tiên mảng này là hợp tác với Gyomu Japan, đơn vị vận hành Gyomu Super tại Việt Nam, đưa khoảng 450 sản phẩm lên nền tảng.

Motohiro Takeuchi, Phó tổng giám đốc Bộ phận đầu tư IV SMBC Venture Capital, đánh giá cao một startup tại Việt Nam được dẫn dắt bởi CEO người Nhật Bản với văn hóa "Kaizen" (cải tiến liên tục). "Điều này đã tạo ra chu kỳ tăng trưởng tốt và thu hút thêm khách hàng", ông nhận định.

Tổng cục Thống kê cho hay doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong 11 tháng đầu năm ước đạt 669.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ 2023. Các đô thị lớn hoặc có thế mạnh du lịch, công nghiệp tăng tốt như: Hà Nội (10,7%); TP HCM (9,4%), Khánh Hòa (17%), Hải Phòng (13,2%), Cần Thơ (12,6%) và Bình Dương (8,3%).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm