Thông tin này được Tổng cục thuế cho biết sau rà soát, kiểm tra các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, lâm sản, cao su có rủi ro cao về thuế.
Theo đó, cơ quan thuế phát hiện nhiều trường hợp gian lận, chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Thủ đoạn, hành vi của các đối tượng gian lận hoàn thuế chủ yếu xảy ra tại khâu trung gian mua bán hàng hóa, do khâu thu mua trực tiếp từ người trồng chưa qua chế biến, hoặc sơ chế nên không chịu thuế VAT.
Tại khâu này các đầu nậu lập bảng kê giả mạo thu mua trực tiếp từ người trồng, chăn nuôi hoặc mua bán hóa đơn không hợp pháp để khấu trừ thuế, hợp thức cho hàng trôi nổi. Nhờ đó, các đối tượng không phải kê khai, nộp thuế VAT (5%). Một số vụ việc gian lận, chiếm đoạt tiền hoàn VAT được cơ quan thuế cùng lực lượng chức năng xử lý tại Phú Thọ, Ninh Bình và Vĩnh Phúc.
Cơ quan thuế cũng đề cập tới trường hợp một số đối tượng lập ra chuỗi các doanh nghiệp cho họ hàng, người thân hoặc thuê người đứng tên đại diện pháp luật, rồi mua bán lòng vòng và dùng hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hóa đầu vào. Cũng có trường hợp doanh nghiệp hoàn thuế sử dụng hóa đơn không hợp pháp, khi mua hóa đơn từ các đơn vị không có hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc thay đổi hoạt động tại nhiều địa phương.
Cũng theo cơ quan thuế, một số doanh nghiệp trung gian sau khi xuất hóa đơn cho công ty xuất khẩu thì dừng kinh doanh hoặc bỏ trốn. Việc kê khai doanh thu và thuế giữa các công ty trung gian không khớp, khi bên bán khai doanh thu nhỏ nhưng người mua lại kê khai thuế đầu vào khấu trừ lớn. Việc thanh toán qua ngân hàng tại các doanh nghiệp này cũng có dấu hiệu rủi ro, như giao dịch diễn ra trong một ngày và cùng người rút tiền.
Qua rà soát 120 doanh nghiệp trung gian, ngành thuế phát hiện 92% trong số này bỏ địa điểm kinh doanh, ngừng hoạt động, chờ giải thể, theo Tổng cục thuế. "Đây là vấn đề gây áp lực lên ngân sách khi chưa thu được thuế của các doanh nghiệp này, nhưng phải hoàn thuế cho đơn vị ở khâu sau", Tổng cục thuế nêu.
Tuy nhiên, việc chậm hoàn thuế cho doanh nghiệp khiến họ gặp không ít khó khăn. Báo cáo giám sát chuyên đề về hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, từ cuối năm ngoái đến nay, các hiệp hội liên tục kêu cứu vì những bất hợp lý trong thực thi hoàn thuế này. Nhiều doanh nghiệp gỗ, giấy, cao su cho biết việc bị "giam" cả nghìn tỷ đồng tiền hoàn thuế VAT trong thời gian dài khiến họ bị kiệt quệ, nguy cơ phá sản.
Lý giải chậm xử lý hoàn thuế, cơ quan thuế nói cũng gặp nhiều khó trong xử lý hồ sơ do xác định số tiền đủ điều kiện hoàn thuế phải dựa trên kết quả xác minh mua bán hàng hóa có thật hay không. Ví dụ với trường hợp hồ sơ đề nghị hoàn thuế tinh bột sắn, ngành thuế phải xác minh ở nước ngoài. Cơ quan thuế các nước phản hồi doanh nghiệp nhập khẩu không tồn tại hoặc không thừa nhận có giao dịch với đối tác Việt Nam. Do đó, không thể hoàn thuế cho doanh nghiệp do hợp đồng xuất khẩu vô hiệu.
Theo số liệu thống kê của ngành thuế, nửa đầu năm 2023, số hồ sơ giải quyết hoàn thuế trong lĩnh vực gỗ, sản phẩm gỗ đạt 85%, giảm 5% so với trước; cao su giảm 36-38%. Còn 48 hồ sơ thuế chưa được hoàn, chiếm 34% tổng hồ sơ doanh nghiệp đề nghị hoàn thuế.
Để tăng quản lý, chống gian lận thuế, Tổng cục thuế cho biết yêu cầu Cục thuế địa phương tăng cường kiểm soát, phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ tính hợp pháp hồ sơ có rủi ro hoàn thuế. Cơ quan này cũng rà soát các quy định về thủ tục hoàn thuế, tránh tạo kẽ hở lợi dụng chính sách trục lợi, gian lận tiền thuế.