Nhiều nông sản Việt Nam như gạo đang được các doanh nghiệp thúc đẩy để tăng xuất khẩu - Ảnh: C.Q.
Theo các chuyên gia, nếu bám sát thị trường và thị hiếu tiêu dùng ở châu Âu, Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu gạo và các loại nông sản, lương thực sang khu vực mỗi năm nhập khoảng 160 tỉ USD lương thực.
Nỗ lực bù đắp khoảng trống Nga để lại
Phúc Sinh Group, đơn vị xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam, cho hay khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra, doanh nghiệp này đang có một số lô hàng cà phê, hồ tiêu trên đường đến Nga. Liên lạc với đối tác, họ nói không có khả năng thanh toán.
"Ngay lúc đó chúng tôi buộc dừng lại các container hàng và quyết định bán luôn cho các khách hàng tại cảng mà Phúc Sinh dừng lại như tại Singapore, Hà Lan, Đức, Thụy Sĩ...", ông Phan Minh Thông, tổng giám đốc Phúc Sinh Group, kể.
Mỗi năm doanh nghiệp này xuất khẩu khoảng 30 triệu USD sang Nga và Ukraine, chiếm gần 10% doanh số. Theo đại diện doanh nghiệp, quyết định xử lý các container chuyển cho bạn hàng trên đường tàu đi qua được đưa ra nhanh chóng là nhờ sự đa dạng bạn hàng quốc tế.
Ông Thông cũng cho hay đang đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường Pháp, Đức, Thụy Sĩ để bù cho khoảng trống của thị trường Nga trong thời gian tới.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Toản - cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) - cho hay ngành nông nghiệp đang chỉ đạo các địa phương phải giữ được nguồn cung nguyên liệu thủy sản cho chế biến, xuất khẩu trong bất cứ hoàn cảnh nào.
"Chúng ta lợi thế là có sản lượng khai thác và nuôi trồng rất lớn. Khi các thị trường thiếu hụt nguồn cung thì chúng ta hoàn toàn chủ động hàng hóa để xuất khẩu, nhất là thị trường EU, Hoa Kỳ và Nga".
Bộ Công thương đã chỉ đạo các thương vụ, các hiệp hội đánh giá kỹ lưỡng các dòng hàng được hưởng ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu (gồm: Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan) để tạo thêm thúc đẩy thương mại 2 chiều.
Ông Toản cho rằng đây là thời điểm các doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) khi dòng thuế quan ưu đãi đang rất tốt, nhân cơ hội này chúng ta đẩy mạnh tất cả các mặt hàng vào các thị trường.
Đặc biệt, theo ông Toản, các doanh nghiệp thủy sản cần tuân thủ tốt những điều kiện về quản lý chất lượng, tranh thủ chiếm lĩnh thị trường, nhất là sản phẩm cá Minh Thái (Nga). "Có dư địa tốt để chúng ta đẩy mạnh sản phẩm cá tra Việt Nam vào thị trường EU thay thế lượng cá Minh Thái đang thiếu hụt từ Nga", ông Toản nói.
"Cơ hội" sau cuộc chiến Nga - Ukraine
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Hữu Thêm - phó tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM - cho biết hiện Mỹ và châu Âu chiếm hơn 80% thị phần đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam nhưng dư địa vẫn còn lớn. Do đó, nếu 2 thị trường này hạn chế, thậm chí ngưng nhập đồ gỗ của Nga là một lợi thế cho Việt Nam.
Không ủng hộ cuộc chiến nhưng nó đã là một thực tế đang diễn ra nên theo ông Thêm, cần sớm có giải pháp để tận dụng cơ hội từ những ảnh hưởng của cuộc chiến.
Nhờ nhiều quốc gia không nhập gỗ từ Nga nên Việt Nam có thể tính khả năng tăng lượng nhập gỗ từ quốc gia này với mức giá tốt, đặc biệt Nga có nguồn cung gỗ thông khá lớn.
Tương tự, ông Đỗ Hà Nam - phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - cho rằng tận dụng việc các nước tẩy chay hàng Nga, Việt Nam có thể nhập khẩu các sản phẩm từ Nga như phân bón, bột mì, sản phẩm từ dầu mỏ... với mức giá tốt hơn nếu có giải pháp thương mại hiệu quả, có tính đến những tác động của lệnh trừng phạt.
Phải nâng chất lượng
Nếu thị trường châu Âu, Mỹ tẩy chay sản phẩm Nga và các nước bị cáo buộc hỗ trợ Nga hoặc thân Nga, theo ông Đặng Phúc Nguyên - tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, doanh nghiệp Việt có thể tăng gấp đôi giá trị xuất khẩu vào châu Âu, Mỹ nếu tận dụng hiệu quả, đặc biệt những mặt hàng thế mạnh như xoài, chanh dây hay rau ăn lá, rau gia vị mà châu Âu đang rất cần.
Dù cơ hội thế nào, theo ông Nguyên, Việt Nam phải sớm cải thiện chất lượng sản phẩm. "Hầu hết thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ đều đòi hỏi chất lượng GlobalGAP hoặc tương đương, trong khi tỉ lệ sản phẩm rau quả Việt đạt tiêu chuẩn này đang khá khiêm tốn", ông Nguyên cho hay.
Đồng quan điểm đó, ông Nguyễn Đình Tùng - tổng giám đốc Công ty Vina T&T (TP.HCM) - cho biết hiện nay đơn vị xuất nhiều mặt hàng đi châu Âu và Mỹ như thanh long, xoài... Tuy nhiên, dù giá mua cao nhưng gom đủ hàng theo tiêu chuẩn của người mua là không dễ.
Ông Đỗ Hà Nam nhấn mạnh bên cạnh cải thiện chất lượng hàng hóa, khâu vận tải cũng phải giải quyết khi giá cước Việt Nam sang châu Âu đang ở mức 13.000 - 16.000 USD, và Mỹ khoảng 20.000 USD/container tùy khu vực, cao gấp 7 - 9 lần so với lúc ổn định.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng mức giá trên khó cho doanh nghiệp nâng sức cạnh tranh, đặc biệt với Trung Quốc - nước có vận tải đường biển, hàng không và đường sắt xuyên lục địa rất phát triển.
Tăng xuất sản phẩm thế mạnh để né đối thủ
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, ngoài Đông Nam Á, các nước Nam Mỹ như Chile, Mexico... cũng đang xuất khẩu lượng lớn xoài, chuối, táo...
Do đó, trường hợp khó xuất vào thị trường như Nga và Ukraine do chiến tranh, các nước Nam Mỹ sẽ tăng mạnh xuất khẩu vào thị trường còn lại, trong đó có Mỹ và châu Âu với giá rất cạnh tranh nhờ vị trí địa lý gần.
Do đó, để tránh thiệt hại nếu khủng hoảng thừa, Việt Nam cần chú trọng xuất khẩu sản phẩm rau trái thế mạnh như sầu riêng, vải, chanh dây, rau ăn lá, gia vị...
Tính toán tăng thị phần gạo, rau trái
TS Trần Quốc Hùng - giám đốc điều hành Viện Tài chính quốc tế IIF (Mỹ) - nhấn mạnh chiến tranh đẩy giá các loại lúa mì, ngũ cốc, nông sản khác tăng cao. Người dân có thể tìm những sản phẩm tương đồng thay thế nên các doanh nghiệp cố gắng hiểu thị trường, hiểu người tiêu dùng thì sẽ tìm được cơ hội.
Chẳng hạn với mặt hàng gạo, thời điểm này cũng là điều kiện tốt để Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu gạo và đa dạng nông sản, lương thực sang thị trường EU bằng cách tận dụng hết hạn ngạch xuất lúa gạo 80.000 tấn/năm với suất thuế quan 0% theo EVFTA. Cùng với đó, Việt Nam nên phát triển các loại gạo thơm cấp cao, nhiều giá trị đang được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng.
Ông Đỗ Hà Nam cho rằng doanh nghiệp Việt cũng có thể tăng lượng rau trái xuất vào Nga bằng những con đường khác khi nguồn cung cho quốc gia này đang bị hạn chế.
Nhiều nông sản có tin mừng
Theo Tổ chức Nông lương của Liên Hiệp Quốc (FAO), chỉ số giá lương thực toàn cầu tháng 3 là 159,3 điểm, tăng so với 141,4 điểm của tháng 2 - tương đương mức tăng 12,6%, đây được xem là mức tăng kỷ lục. Nguyên nhân chính được cho là do xung đột giữa Nga - Ukraine.
Thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo Việt Nam luôn duy trì mức giá cao nhất thị trường gạo thế giới với mức 415 - 420 USD/tấn (gạo Thái Lan cùng phẩm cấp 410 - 408 USD/tấn), cao hơn khoảng 12 - 15 USD/tấn so với đầu năm và khoảng 10 USD/tấn so với đầu tháng 3.
Quý 1-2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam cũng đạt xấp xỉ 1,22 tỉ USD, tăng 50,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 đạt gần 322 triệu USD, tăng 47,9% so với tháng 2.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 11-4, ông Đỗ Hà Nam cho rằng do ảnh hưởng cuộc chiến Nga - Ukraine và giá thành sản xuất nông nghiệp tăng nên giá bán lương thực toàn cầu khả năng sẽ duy trì ở mức cao. Các doanh nghiệp cần nắm xu hướng này khi tham gia các cuộc đàm phán, ký hợp đồng.
"Nhiều quốc gia tranh thủ tăng mua thực phẩm để yên tâm. Do đó, đây là thời cơ vàng cho nhiều mặt hàng nông nghiệp Việt Nam, với loại cây được thu hoạch quanh năm, các doanh nghiệp nên cân nhắc tăng xuất khẩu thay vì chú trọng nhiều vào dự trữ", ông Nam nói.