Theo các thống kê của Tổng cụ Hải Quan Việt Nam, với tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc đạt gần 172 tỷ USD trong 2023, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt 110,64 tỷ USD.
Cũng trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Mỹ đạt gần 111 tỷ USD, là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đạt 97 tỷ USD, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Mỹ trong năm 2023 đạt 13,82 tỷ USD. Đây là năm thứ 3 liên tiếp thương mại Việt Nam – Mỹ đạt kim ngạch từ 100 tỷ USD trở lên.
Trong năm 2023, thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đạt 14,36 tỷ USD. Cụ thể, xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ đạt 8,5 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ Ấn Độ đạt 5,86 tỷ USD. Việt Nam xuất qua Ấn chủ yếu là mảng máy tính, điện tử và linh kiện 1,94 USD và điện thoại – linh kiện điện thoại 1,03 tỷ USD.
Với quy mô dân số 1,4 tỷ dân và là nền kinh tế lớn thứ 3 tính theo sức mua; mức chi tiêu dự kiến sẽ tăng từ 1.500 tỷ USD hiện nay lên gần 6 nghìn tỷ USD vào năm 2030; rõ ràng những con số giao thương Việt Nam – Ấn Độ chưa tương xứng với tiềm năng nếu so với thị trường Mỹ hoặc Trung Quốc.
ẤN ĐỘ - THỊ TRƯỜNG 1,4 TỶ DÂN VỚI RẤT NHIỀU CƠ HỘI
"Ấn Độ có dân số trẻ với trên 60% dân số dưới 35 tuổi, trong đó có 487 triệu người trong độ tuổi từ 15 – 34. Năm 2020, Ấn Độ có 432 triệu dân số thuộc tầng lớp trung lưu và con số này được dự đoán sẽ tăng lên 715 triệu vào năm 2030. Tầng lớp trung lưu được xác định có mức thu nhập 6.000 – 36.000 USD mỗi năm.
Các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia dụng chiếm 50% doanh thu của các mặt hàng tiêu dùng nhanh tại thị trường này. Việc dễ dàng tiếp cận, thay đổi lối sống và nhận thức ngày càng tăng là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực này. Một startup chỉ cần làm tốt thị trường trong nước là có thể trở thành 'Kỳ lân' – hiện Ấn Độ có 68 'Kỳ lân', đứng thứ 3 thế giới sau Mỹ - Trung Quốc.
Bên cạnh đó, sự phát triển của các mặt hàng tiêu dùng nhanh còn được hỗ trợ bởi sự kết nối kỹ thuật số ngày càng tăng, đã thúc đẩy doanh số bán hàng thông qua các kênh TMĐT. Ấn Độ sẵn sàng trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ hai thế giới vào năm 2034", ông Chia Zhi Wei khái quát trong một sự kiện hỗ trợ DN do BSA tổ chức.
Ông Chia Zhi Wei đã có 5 năm làm việc ở cơ quan Xúc tiến thương mại và công nghiệp nhà nước Singapore và 2 năm làm việc tại Nam Ấn trong vai trò người tư vấn - hỗ trợ xuất khẩu cho các doanh nghiệp Singapore vào Ấn Độ.
"Ấn Độ là thị trường cực lớn, nhiều doanh nghiệp chỉ cần có 1-2 hợp đồng với DN Ấn Độ thì có thể xuất được lượng hàng rất lớn. Thực tế, nhiều DN Việt chỉ cần xuất vào Ấn Độ thôi cũng không sản xuất kịp", bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp những nhà nhập khẩu Ấn Độ – IICCI, khẳng định.
Ngoài tiềm năng cực lớn, thì thị trường Ấn Độ cũng có nhiều nét tương đồng với thị trường Việt Nam về nhu cầu giá, danh mục sản phẩm cũng như chất lượng sản phẩm. Thị trường ở nhiều khu vực của Ấn Độ cũng trong giai đoạn sơ khai, chưa đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn khắt khe như thị trường Nhật Bản, Mỹ hoặc châu Âu hoặc thậm chí cả Trung Quốc.
"Các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe – sắc đẹp, điện tử tiêu dùng, thời trang – may mặc, tạp hóa online, chăm sóc cá nhân… sẽ có rất nhiều cơ hội tăng trưởng lớn ở thị trường Ấn Độ ở hiện tại và tương lai. Thế mạnh của nền kinh tế Ấn Độ chính là dược phẩm, hóa chất – hóa dầu, công nghệ…", ông Chia Zhi Wei chia sẻ thêm.
HẤP DẪN NHƯNG KHÔNG DỄ CHINH PHỤC!
Ở chiều ngược lại, sự khác biệt giữa thị trường Ấn Độ với Việt Nam và các thị trường khác là rất lớn; nếu chúng ta mang những hiểu biết quốc nội hoặc quốc tế áp dụng vào thị trường Ấn Độ thì sẽ không hiệu quả.
Trong khi Việt Nam chỉ có 3 miền, thì Ấn Độ có tới 28 bang và 8 vùng lãnh thổ. Mỗi bang và mỗi vùng lãnh thổ của Ấn Độ có lịch sử, tôn giáo, văn hóa, trang phục, ngôn ngữ… riêng. Có vài khu vực chỉ ăn chay, vài nơi cấm ăn thịt bò, vài nơi khác lại rất yêu món cà ri heo hoặc đam mê hải sản… Ấn Độ cũng là đất nước mà sự chênh lệch giai cấp và khoảng cách giàu nghèo rất lớn.
Mặc dù tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp chính ở Ấn Độ, nhưng mỗi khu vực khác nhau cũng có ngôn ngữ riêng của mình và vô cùng khác biệt. Ví dụ tiếng Tamil thuộc ngữ hệ Dravidian trong khi tiếng Hindu thuộc ngữ hệ Ấn – Âu.
Cũng theo ông Chia Zhi Wei, có 4 lưu ý về văn hóa kinh doanh mà các DN Việt cần lưu ý khi muốn giao thương với người Ấn Độ.
Thứ nhất, chuẩn mực giao tiếp khi kinh doanh: Người Ấn Độ thích giao tiếp theo phong cách không trực tiếp, quan tâm đến khía cạnh cá nhân và nói chuyện nhỏ nhẹ. Người Ấn Độ cũng thường có biểu cảm khuôn mặt và cơ thể phong phú, nhiều khi những cử chỉ còn thể hiện rõ ý định của họ hơn lời nói.
Một điểm đặc biệt nữa là người Ấn Độ rất thích mặc cả. Có thể xem "mặc cả" là một phần không thể thiếu trong văn hóa Ấn Độ. "Các chủ đề liên quan đến gia đình thường có thể xuất hiện bất chợt trong các cuộc họp, vì người Ấn cho rằng những chủ đề như vậy có thể giúp xây dựng lòng tin", ông Chia Zhi Wei nhấn mạnh.
Thứ hai là thủ tục và nghi thức họp kinh doanh: Việc lập kế hoạch cho các cuộc họp ở Ấn Độ đôi khi khá đơn giản, việc các cuộc họp bắt đầu và kết thúc muộn là điều bình thường. Cái bắt tay hay Namaste (cử chỉ lòng bàn tay chạm vào lòng bàn tay) thường được sử dụng như lời chào trong lĩnh vực kinh doanh. Hãy chào hỏi người Ấn Độ bằng chức danh trang trọng của họ - ví dụ như chức danh trên danh thiếp.
Hệ thống phân cấp rất quan trọng, đặc biệt là khi tương tác với Khu vực công. Vậy nên, các quyết định kinh doanh thường được quyết định bởi các cấp trên cùng. "Hãy thật sự nhạy cảm về văn hóa khi làm ăn với người Ấn Độ, như tránh tặng đồ từ da vì bò là vật linh thiêng đối với người theo đạo Hindu – tôn giáo lớn nhất ở Ấn", chuyên gia đến từ Singapore làm rõ hơn.
Thứ ba là tầm quan trọng của mạng lưới kinh doanh và các mối quan hệ: Mạng lưới quan hệ là hết sức quan trọng, đặc biệt khi bạn kinh doanh liên quan đến Khu vực công. Bên cạnh đó, các mối quan hệ cá nhân đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa kinh doanh của người Ấn Độ.
Ví dụ: sự giới thiệu của bên thứ ba có thể đóng một vai trò quan trọng vì người Ấn Độ thích làm việc với những người mà họ đã biết và tin tưởng. Mạng lưới đó có thể bao gồm cả người thân và bạn bè với họ vì nó giúp tăng cường sự tin tưởng.
Thứ tư, về nhân sự: Theo luật của Ấn Độ, thời gian làm việc của một nhân viên không được vượt quá 9 giờ một ngày và 48 giờ một tuần. Cơ cấu tiền lương của Ấn Độ bao gồm lương cơ bản, phụ cấp, đóng góp an sinh xã hội và các khoản hoàn trả.
Mức lương tối thiểu và cơ cấu tiền lương của Ấn Độ có thể khác nhau tùy theo tiểu bang, khu vực hoặc dựa trên mức độ phát triển của khu vực, ngành, nghề nghiệp và trình độ kỹ năng. Ví dụ: mức lương tối thiểu hàng tháng ở Delhi (tính đến ngày 23/10/2024) có thể dao động từ 210,2 USD đối với người lao động phổ thông đến 277,3 USD đối với sinh viên tốt nghiệp trở lên.
"Người Ấn Độ rất sùng đạo, khi đến làm việc bang nào phải tìm hiểu kỹ về văn hóa của họ. Không chỉ ngôn ngữ nói mà còn ngôn ngữ hình thể cũng rất khác biệt, nhiều khu vực ở Ấn Độ, lắc đầu lại chính là đồng ý. Hơn nữa, bạn phải bỏ nhiều tâm sức để xây dựng các mối quan hệ, khi họ đã tin là tin 100%, khi đã không tin thì không có gì cả - tức là hoàn toàn không thể làm việc được nữa.
Kinh doanh ở Ấn Độ thường đòi hỏi kiên nhẫn và linh hoạt. Quá trình ra quyết định có thể kéo dài và có thể xảy ra những thay đổi hoặc chậm trễ không mong đợi. Quan trọng là phải thích nghi và sẵn lòng chấp nhận những tình huống này.
Một điểm nữa là cấu trúc phân cấp xã hội ở Ấn rất chặt chẽ. Ở Việt Nam, người giúp việc có thể ăn cơm với chủ nhưng ở Ấn Độ thì tuyệt đối không. Nếu sang Ấn Độ mà bạn nói chuyện thân thiện với người giúp việc thì họ sẽ nhìn bạn với 'ánh mắt rất khác'. Đây là điều mà các doanh nhân Việt Nam khi sang Ấn Độ cần phải hết sức chú ý", bà Thu Hiền bổ sung.
Chỉ cần các DN Việt quan tâm hơn đến thị trường Ấn Độ và kiên nhẫn hơn, thì mục tiêu kim ngạch xuất khẩu giữa cả hai nước lên 20 tỷ USD trong năm 2027 là trong tầm tay.