Quy mô thị trường ứng dụng AI tạo sinh trong ngành tài chính, ngân hàng toàn cầu dự kiến đạt hơn 12 tỉ USD vào năm 2032, theo Precedence Research.
Tại Việt Nam, bộ giải pháp ViFi tích hợp AI tạo sinh ứng dụng trong mảng ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, do người Việt phát triển và làm chủ hoàn toàn công nghệ, vừa được ra mắt hôm 12-9 giúp doanh nghiệp phát triển kinh doanh theo hướng tích cực và hiện đại hơn, cũng như góp phần ngăn chặn các vụ lừa đảo.
Chủ doanh nghiệp Việt muốn dùng AI
"Nhiều doanh nghiệp tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tại Việt Nam đang đứng trước "cuộc đua" nhằm tối ưu hóa chi phí, quy trình, đảm bảo an toàn dữ liệu, đồng thời gia tăng trải nghiệm khách hàng, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường" - TS Đào Đức Minh, tổng giám đốc VinBigData, chia sẻ.
Ông Minh dẫn chứng tại Việt Nam có 91% chủ doanh nghiệp trong ba lĩnh vực trên quan tâm và mong muốn ứng dụng AI tạo sinh, cao hơn mức trung bình 83% của thế giới.
Dù vậy, việc số hóa mới dừng ở tác vụ đơn lẻ như chăm sóc khách hàng hay bán hàng, chưa thực sự toàn diện. Mặt khác, chi phí triển khai cũng là rào cản lớn, đòi hỏi khoản đầu tư khổng lồ về công nghệ, cơ sở hạ tầng và đào tạo con người.
Ở nước ta, trong khi nhiều công ty đã chi mạnh tiền để tạo ra các trợ lý ảo về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm... thì không ít bên khác vẫn "chưa sẵn sàng tất tay".
Vì vậy, TS Đào Đức Minh nhận định với việc lần đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện ViFi đã góp phần giúp các doanh nghiệp tăng năng suất công việc, thúc đẩy hiệu quả kinh doanh, tạo bước tiến lớn trên hành trình xây dựng nền kinh tế số.
Bộ giải pháp trên có thể hỗ trợ qua cả kênh văn bản và giọng nói, tích hợp công cụ xử lý hình ảnh thông minh khiến việc tương tác giữa trợ lý ảo và người dùng trở nên thuận tiện, dễ dàng.
Chẳng hạn trong lĩnh vực tài chính, trợ lý ảo đưa ra khuyến nghị cho khách hàng khi mua, bán chứng khoán dựa trên mong muốn từng cá nhân để đa dạng hóa danh mục, hạn chế rủi ro... Song song đó, trợ lý ảo ở mảng ngân hàng cũng giúp khởi tạo khoản vay, đánh giá điểm tín dụng...
Phát hiện, chặn lừa đảo trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính
Với quy trình truyền thống, thủ công, nhiều kẻ gian đã lách kẽ hở để lừa đảo. Tuy nhiên, AI đang góp phần phát hiện và ngăn chặn.
Lấy ví dụ trong mảng bảo hiểm, TS Nguyễn Quý Hà - giám đốc khối công nghệ phân tích hình ảnh VinBigData - cho biết thông qua ứng dụng có tích hợp AI tạo sinh, khách hàng được định danh điện tử, dùng giọng nói để xác nhận thông tin cá nhân và nội dung đã được đại lý tư vấn, kiểm tra lại các điểm lưu ý về sản phẩm bảo hiểm, quyền lợi cũng như trách nhiệm.
Như vậy, việc này góp phần tăng minh bạch, hạn chế đại lý bảo hiểm tư vấn mập mờ, đánh tráo khái niệm khiến khách hàng bị thiệt hại như các phản ảnh trong thời gian qua.
Trong trường hợp rủi ro khi có sự cố xảy ra, khách hàng chỉ cần tải các tài liệu như giấy khám bệnh, biên lai viện phí, bảng kê khai chi phí khám bệnh... lên ứng dụng trực tuyến. Công nghệ tự động bóc tách dữ liệu, xúc tiến quá trình giải quyết quyền lợi bồi thường nhanh chóng.
Hiện tại AI hỗ trợ ngành bảo hiểm nhiều khâu như: tư vấn cá nhân hóa, ký hợp đồng (ghi âm, xác thực sinh trắc học - giọng nói...), chăm sóc khách hàng (kiểm tra, xác nhận, ghi nhận thông tin), xử lý yêu cầu bồi thường (tiếp nhận, phân tích, xử lý hồ sơ).
Ông Satsawat Natakarnkitkul - trưởng nhóm giải pháp AI và dữ liệu thuộc Amazon Web Services ASEAN - chia sẻ: "AI tạo sinh đang là xu hướng bùng nổ trên toàn cầu".
Với xu hướng phát triển mạnh, AI giúp GDP toàn cầu tăng 7.000 tỉ USD. Hiện nhiều doanh nghiệp như Microsoft, Google... đầu tư mạnh vào công nghệ này. Ước tính đến năm 2026, 81% ngân hàng triển khai AI và máy học, giúp 200-300 tỉ đô được tối ưu.
AI còn giúp tăng độ an toàn trong các giao dịch trực tuyến. Điển hình như MasterCard - công ty công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực thanh toán - đang dùng AI để phòng chống gian lận, phát hiện các hành vi giả mạo, lừa đảo rút tiền của khách hàng.
Phát hiện và chặn lừa đảo tài chính trên nền tảng mạng "giống như mò kim đáy bể nhưng làm nhanh và trong thời gian ngắn", ông Satsawat cho hay.
Theo các chuyên gia, việc người Việt phát triển AI tạo sinh, trợ lý ảo phục vụ ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm không chỉ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số nền kinh tế mà còn đánh dấu chủ quyền. Chẳng hạn, sau khi được hỏi "Trường Sa - Hoàng Sa của nước nào?", trợ lý ảo do người Việt tạo ra sẽ trả lời là của Việt Nam.