Cộng đồng doanh nghiệp (DN) ven biển Đà Nẵng vừa kiến nghị lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố phản hồi đơn kêu cứu về tình trạng giá thuê đất quá cao. Doanh thu hằng năm gần như chỉ đủ đóng tiền thuê đất khiến DN kiệt quệ, nhiều công ty rơi vào tình trạng nợ thuế hàng chục tỉ đồng.
Đứng ngồi không yên
Trước đó, từ cuối năm 2022, cộng đồng DN ven biển cùng viết đơn kêu cứu khẩn cấp gửi lãnh đạo TP Đà Nẵng, phản ánh về giá thuê đất tăng quá cao trong giai đoạn ảnh hưởng dịch COVID-19. Các DN này hầu hết kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, đại diện khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng ở khu vực ven biển thuộc địa bàn 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.
Giá thuê đất quá cao trong khi doanh thu sụt giảm khiến các doanh nghiệp kinh doanh khu vực ven biển Đà Nẵng điêu đứng
Liên quan đơn kêu cứu của các DN, tháng 2-2023, UBND TP Đà Nẵng đã gửi công văn đến Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất xác định đơn giá thuê đất dự án theo mục đích sử dụng đối với từng hạng mục. Theo đó, phần đất xây dựng công trình đề xuất tính bằng giá đất thương mại - dịch vụ; đất giao thông, bãi giữ xe tính tương đương 35% đất phi nông nghiệp; đất cây xanh, công viên, mặt nước, bãi cát bằng giá đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các DN vẫn chưa nhận được phản hồi, trong khi tiền thuê đất vẫn ở mức cao cộng với doanh thu thấp khiến họ đứng ngồi không yên.
Ông Nguyễn Mạnh Trung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt Non Nước - chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng Melia Đà Nẵng (đường Trường Sa, quận Ngũ Hành Sơn), cho hay năm 2021, doanh thu của khu nghỉ dưỡng là 1 tỉ đồng trong khi tiền thuê đất phải nộp lên đến 7 tỉ đồng. Năm 2022, Melia Đà Nẵng đóng cửa 6 tháng, nửa năm còn lại tổng doanh thu 36 tỉ đồng, song tiền thuê đất đã 27 tỉ đồng. "Số tiền còn lại không đủ trang trải chi phí, trả lương nhân viên, tôi phải bán nhà, bán tài sản để gồng gánh" - ông Trung rầu rĩ.
Theo đại diện các DN, giai đoạn 2012 - 2026 có 3 chu kỳ thuê đất và giá thuê cứ tăng dựng đứng. Chẳng hạn, một khu nghỉ dưỡng ở ven biển Ngũ Hành Sơn trong chu kỳ 2012 - 2016 thuê đất với giá 4,7 tỉ đồng, 2017 - 2021 tăng lên 35 tỉ đồng và giai đoạn 2022 - 2026 lên đến 121 tỉ đồng.
Ông Lê Minh Kha, Phó Tổng Giám đốc Công ty Khách sạn và Du lịch Thiên Thai, đề xuất tiền thuê đất trong niên hạn có thể điều chỉnh tăng 10%-25% chứ không nên tăng 300%-400% như hiện nay. Ông Kha cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) cần tính đến yếu tố này để tạo thuận lợi cho DN.
Tìm cách tháo gỡ
Theo ông Nguyễn Mạnh Trung, nếu tình cảnh này kéo dài, có thể DN sẽ phải bỏ đất, bỏ tài sản để ra đi vì không thể gồng gánh nổi. "Lúc đó, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người lao động sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp. Điều đó DN không hề mong muốn nhưng trong tình cảnh quá khó khăn này, chúng tôi cũng phải nghĩ đến" - ông băn khoăn.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt Non Nước cho hay cộng đồng DN du lịch ven biển Đà Nẵng rất cần các cơ quan chức năng hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn và tiếp tục kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Đại diện các DN cũng bày tỏ mong muốn được áp dụng đơn giá thuê đất như UBND TP Đà Nẵng đã đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cho biết với đơn kêu cứu của cộng đồng DN ven biển, UBND thành phố đang nghiên cứu và HĐND đang xem xét để đôn đốc giải quyết. "Đây là chuyện chẳng ai muốn vì giá thuê đất tăng lên và đó là giá chung. Việc xác định giá thuê đất là cả một quy trình. Chúng tôi cũng muốn hạ giá xuống để tháo gỡ khó khăn cho DN nhưng đây là quy định chung, pháp luật chưa cho phép" - ông giải thích.
Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, UBND TP Đà Nẵng đang tìm cách tháo gỡ nhưng phải phụ thuộc vào giá thuê đất. "Thành phố không thể tự tiện hạ giá xuống. Các DN đã kiến nghị từ lâu, thành phố đang xem xét mọi góc cạnh và tính toán giải pháp, chứ không phải chúng tôi không nắm được việc của DN. Đà Nẵng rất muốn chia sẻ với các DN" - ông Triết khẳng định.
Ba kiến nghị
Trong đơn gửi chính quyền TP Đà Nẵng, đại diện cộng đồng DN ven biển nêu 3 kiến nghị. Một là, cho phép DN tiếp tục thuê đất như khung giá trước năm 2020. Hai là, HĐND - UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ không điều chỉnh tăng giá thuê đất trong giai đoạn ảnh hưởng dịch COVID-19 (năm 2020-2023). Ba là, tài khoản của DN không bị phong tỏa, tài sản không bị cưỡng chế vì nợ tiền thuê đất do ảnh hưởng của việc tăng giá đất 300%-400%.
Đến nay, khoảng 300 DN, khu du lịch ven biển Đà Nẵng đã bị phong tỏa tài khoản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh, hoàn thành dự án.