Kinh tế tuần hoàn đang có nhiều định nghĩa, nhưng về cơ bản đây là mô hình nâng cao khả năng sử dụng lại, tái chế và phục hồi vật liệu trong quá trình sản xuất, phân bố và tiêu thụ sản phẩm. Nó khác với kinh tế truyền thống theo dạng tuyến tính, tức sản phẩm sản xuất ra và được thải bỏ sau khi tiêu thụ.
Tại Việt Nam, xu hướng này từng xa lạ với đa số doanh nghiệp. Nó chủ yếu được các doanh nghiệp lớn, đa phần là tập đoàn đa quốc gia triển khai, nhờ tiềm lực về tài chính và công nghệ. Tuy nhiên, đã có một số tín hiệu triển vọng ở các công ty vừa và nhỏ, khả năng hiệu quả về kinh tế.
Fastlink, nhà cung ứng nguyên liệu thời trang nội địa, bắt đầu nghiên cứu về vật liệu bền vững từ 12 năm trước. Cách đây 6 năm, họ đề ra bộ tiêu chí bền vững cho công ty. Và trước dịch không lâu, họ đào sâu về kinh tế tuần hoàn.
Công ty hiện có một bộ sưu tập các loại vải làm từ bã cà phê, sợi sen, sợi bạc hà, vỏ sò...và đang tìm hiểu khả năng ứng dụng sợi chuối. Giám đốc Trần Hoàng Phú Xuân cho biết trong năm đầu ra mắt, có 3 triệu chiếc áo polo và 200.000 áo sơ mi may bằng vải bã cà phê của họ được tiêu thụ.
Gần đây, Coteccons bắt đầu sử dụng đợt đồng phục mới với nguyên liệu vải bền vững đặt hàng của Fastlink. Bà Xuân nhận ra cơ hội ở thị trường đồng phục doanh nghiệp, nơi ngày càng nhiều công ty mong muốn dùng vật liệu vải bền vững.
Hay như trong nông nghiệp, ông Phạm Minh Thiện, CEO công ty Thanh Bình đang hướng đến tuần hoàn, tận dụng từ cọng rơm đến vỏ trấu. Rơm dùng trồng nấm, làm thức ăn cho bò. Trấu dùng ép viên xuất khẩu; cám vàng ép lấy dầu và bã làm thức ăn chăn nuôi. Phụ phẩm gạo (gạo gãy, gạo tấm) làm bột.
Theo tìm hiểu của ông Thiện, giá trị dinh dưỡng bã bột gạo bằng một nửa bã đậu nành nhưng độ hấp thu nhanh hơn. Vì vậy, ông quảng bá dùng bã bột gạo để giảm bớt bã đậu nành nhập khẩu. Nhờ đó, bã bột gạo từ 900 đồng mỗi kg giờ có giá 9.000 đồng. Nguồn cầu tăng lên làm cho ngành bã bột gạo ở Sa Đéc (Đồng Tháp) phát triển.
Nhận thấy triển vọng, ông Thiện còn đầu tư một khu đất ở Tân Hồng (Đồng Tháp) chuyên trồng giống lúa IR50404. "Giống này sinh trưởng ngắn, chúng tôi trồng không dùng thuốc để giảm chi phí canh tác và rửa độc cho đất. Chuỗi này không phải để lấy gạo ăn mà nhằm khai thác bột gạo", ông nói.
Riêng Phạm Đình Ngãi, CEO Sokfarm đã tận dụng các vùng dừa năng suất trái suy giảm do nhiễm mặn ở Trà Vinh để khai thác mật hoa và chế biến sâu thành sản phẩm như thức uống hay nước tương. Doanh thu từ các cây dừa này có thể tăng 3-5 lần trước kia.
Theo Ngãi, kinh tế tuần hoàn không phải điều xa xôi vì startup của anh sống được với nó."Ba năm đi theo hướng này, chúng tôi được nhiều đối tác và người tiêu dùng quan tâm, độ lan tỏa cao và bán hàng thuận lợi hơn, nuôi được doanh nghiệp", Ngãi cho hay. Hiện công ty anh giải quyết việc làm cho 70 nông hộ.
Tại tọa đàm giữa tháng 11 tại TP HCM, PGS TS Nguyễn Hồng Quân đánh giá giá trị tái sinh của sản phẩm rất lớn nhưng không dễ làm. Tuy vậy, giờ đã có những đơn vị làm được và kiếm thêm tiền, cho thấy tiềm năng lớn.
Cũng theo ông Quân, làm kinh tế tuần hoàn đang có thuận lợi lẫn thách thức. Về thuận lợi, yếu tố sức khỏe ngày càng được coi trọng, ở cả người tham gia sản xuất lẫn người tiêu thụ, tạo ra cơ hội cho các sản phẩm bền vững, tái chế.
Tuy nhiên, thách thức là làm sao tiếp cận thị trường thuận lợi bằng giá cả hợp lý. Bà Phú Xuân xác nhận tốc độ tiếp cận của người tiêu dùng với sản phẩm từ kinh tế tuần hoàn đã nhanh hơn xưa, nhưng trở ngại lớn vẫn là chi phí.
"Vấn đề là làm sao sản xuất bền vững được nhưng chi phí hợp lý. Chúng tôi đang cố gắng sản phẩm chỉ cao hơn không quá 30% giá sản phẩm thông thường. Để giảm chi phí hơn nữa, cần sự hợp tác chung các bên trong một hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn", bà Xuân nhận định.
Giải được bài toán này, một cánh cửa lớn toàn cầu đang mở ra phía trước. Theo công ty tư vấn quản lý toàn cầu Accenture (Ireland), quá trình chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn ước tính sẽ đại diện cho cơ hội tăng trưởng toàn cầu trị giá 4.500 tỷ USD vào năm 2030.
Trong khi đó, có đến khoảng 90 tỷ tấn tài nguyên thiên nhiên được khai thác mỗi năm để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu. Dựa trên xu hướng hiện tại, con số đó dự kiến tăng hơn gấp đôi vào năm 2050. Trong khi, chỉ có 9% tài nguyên được tái sinh thành sản phẩm mới sau lần sử dụng đầu tiên, theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP).
Cơ hội dài hạn, môi trường vĩ mô cơ bản đã có, doanh nghiệp có thể nắm bắt thành công hay không phụ thuộc vào khả năng tìm ra một sản phẩm đánh đúng được nhu cầu thị trường. "Sản phẩm có được chào đón hay không cần căn cứ vào nhu cầu. Mình phải tìm đúng nhu cầu để cung cấp", ông Thiện chia sẻ kinh nghiệm.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, những gì doanh nghiệp cần làm là duy trì hoạt động kinh tế bình thường của họ và tích hợp thêm các giải pháp tuần hoàn trong đó. Để hiệu quả, khi tích hợp phải tính toán đầy đủ các bài toán về đầu vào, đầu ra. Doanh nghiệp không cần đặt nặng lý thuyết và cứng nhắc mô hình.
"Có thể trong tương lai, người ta sẽ định nghĩa một hình thái khác kinh tế tuần hoàn. Định nghĩa có thể không quá quan trọng mà mục tiêu lớn nhất là phát triển bền vững, trái đất xanh sạch hơn, con người sống hạnh phúc hơn", ông nói.