Chia sẻ tại hội nghị sáng 26/8 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV, chia sẻ tính đến thời điểm hiện tại ngân hàng mới chỉ thực hiện hỗ trợ lãi suất cho 20 khách hàng doanh nghiệp với tổng dư nợ là 4.650 tỷ đồng và số tiền hỗ trợ lãi suất là 6,6 tỷ đồng.
Con số này tại Vietcombank là 52 khách hàng với khoảng 400 tỷ đồng dư nợ và tại Sacombank là 29 khách hàng với dư nợ hơn 300 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, cho hay mặc dù ngay khi bắt đầu chương trình, TPBank đã phân loại các khách hàng thuộc các nhóm ngành đủ điều kiện để chuyển về từng đơn vị để triển khai.
"Cán bộ TPBank đã tiếp cận gần 500 khách hàng, tuy nhiên số lượng khách hàng có đề nghị hỗ trợ khá thấp, số lượng khách hàng đang xem xét là gần 30 và đã hỗ trợ cho 2 khách hàng và từ chối 6 khách hàng", ông Hưng nói.
Hay tại Ngân hàng Quân đội (MB), Phó Tổng Giám đốc Phạm Thị Trung Hà cho biết: "Chúng tôi mới nhận được một đề nghị từ phía khách hàng với tổng dư nợ 400 tỷ đồng, ước mức hỗ tợ lãi suất khoảng 2,5 tỷ đồng".
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội, cho hay doanh nghiệp hiện nay không mặn mà với việc hỗ trợ lãi suất. Họ chỉ mong ngân hàng cho vay thêm tín chấp, hạ chuẩn cho vay vì hết tài sản đảm bảo, hết cơ hội tiếp cận tín dụng ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ còn yếu về quản trị, nguồn vốn họ mong được kéo dài thời gian vay, gia hạn khoản vay nhiều hơn.
Trong buổi làm việc, các NHTM đã chỉ ra 4 nhóm nguyên nhân chính khiến tốc độ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất còn nhỏ giọt.
Đầu tiên, nhiều ngân hàng đặc biệt là Agribank kiến nghị việc nhiều khách hàng là hộ kinh doanh trong các lĩnh vực được hỗ trợ nhưng lại không có ĐKKD. Ngân hàng khó lòng linh động hỗ trợ, dù đối tượng này rất đông. Nhiều doanh nghiệp hoạt động đa ngành khó bóc tách chi phí, phân loại ngành nghề hay dòng tiền sử dụng.
Thứ hai là quy định "khả năng phục hồi" là quy định định tính không thống nhất ở các ngân hàng, khó cho việc đánh giá, thanh tra sau này.
“Tiêu chí xác định khả năng phục hồi do các ngân hàng thương mại đặt ra không thống nhất, dễ dẫn tới sự không đồng thuận từ phía thanh tra, không được quyết toán chi phí hỗ trợ”, Phó Tổng Giám đốc VietinBank lo ngại.
Thứ ba, việc phát triển các dự án nhà ở xã hội (một trong các mục đích được hỗ trợ lãi suất) còn hạn chế. "Dự án xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân thì trong hai năm COVID-19 gần như không có, phần lớn là dự án triển khai trước dịch. Còn từ đầu năm 2022 tới nay thì số dự án ít hơn hẳn, khó lòng hỗ trợ và giải ngân hết số tiền hỗ trợ", Tổng Giám đốc TPBank cho hay.
Đại diện MB cũng chia sẻ, đối với chương trình cho vay mua nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng mới bổ sung 11 dự án, với mỗi dự án bình quân hỗ trợ khoảng 300 - 500 tỷ đồng, tổng hỗ hợ tối đa khoảng hơn 5.000 tỷ đồng thì rất nhỏ.
Thứ tư, nhiều khách hàng ngại tham gia hỗ trợ lãi suất do đã từng tham gia các chương trình khác, họ ngại thanh tra kiểm toán kéo dài, cũng ngại thanh tra, kiểm toán yêu cầu trả số tiền đã hỗ trợ, bà Hà cho biết.
Ngoài ra, một số vấn đề cũng được đề cập còn gặp khó khăn trong quá trình thực hiện là quy định chặt chẽ trong việc chứng minh mục đích sử dụng vốn, việc thanh toán các khoản hỗ trợ từ ngân sách còn tồn đọng,...
Khó thay đổi quy định về ngành nghề, nếu cần phải trình duyệt cấp trên
Trả lời các phản hồi từ các ngân hàng thương mại, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho hay câu chuyện ĐKKD hay không đã được quy định rất cụ thể trong Nghị định 31, nếu bây giờ muốn thay đổi phải có đánh giá chi tiết, có số liệu chứng minh tác động của chính sách khi có thay đổi, lúc đó mới kiến nghị lên cấp có thẩm quyền cao hơn xem xét quy định.
Bà cho hay khi xây dựng chính sách hỗ trợ, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với NHNN, Bộ Tài chính để nghiên cứu, rà soát và đánh giá tác động của chính sách. Nếu các NHTM kiến nghị mở rộng đối tượng ví dụ như sang một số ngành nghề thì cần gửi NHNN để tổng hợp và chuyển cho Bộ KHĐT để nghiên cứu và giải đáp.
"Việc mở rộng sang những ngành khác, cần phải đánh giá kỹ lượng các đối tượng này và cân đối nguồn lực của Nhà nước vốn đang có hạn. Quan trọng nhất là có số liệu thực tế phản ánh tính chính xác", đại diện Bộ KHĐT cho hay.
Một số vấn đề đánh giá một số tiêu chí mang tính định tính như có khả năng trả nợ, khả năng phục hồi,... vấn đề này Bộ KHĐT sẽ phối hợp NHNN xem xét và có hướng dẫn cụ thể.
Về tình trạng các ngân hàng và cả khách hàng còn e ngại việc thanh tra, kiểm tra về sau, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết quá trình công tác thanh tra, kiểm tra kiểm toán được thực hiện bám sát trên cơ sở các quy định. Vì vậy quy định càng rõ bao nhiêu các thống nhất bao nhiêu thuận lợi cho quá trình triển khai bấy nhiêu.
"Với những quy định mang tính định tính, NHNN và các bộ nghành liên quan cần nghiên cứu xem xét thêm các kiến nghị của các ngân hàng", vị này nói.
Đồng quan điểm, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho rằng NHNN cần có phối hợp các Bộ ngành có quy định cụ thể hơn làm sao có định lượng trong quá trình thực hiện. "KTNN cũng chỉ căn cứ các tiêu chí đã được xây dựng lên, căn cứ vào chuẩn mực quy định của KTNN để kiểm toán. KTNN không thể tự xây dựng các chỉ tiêu hay định lượng được".
Nếu như thực tế cho thấy với những quy định hiện tại là không thể thực hiện được thì các ngân hàng cần báo cáo sớm với các cấp có thẩm quyền.KTNN sẵn sàng tổng hợp ý kiến của các NHTM về các khó khăn vướng mắc, tìm nguyên nhân và đề xuất với các cấp có thẩm quyền.