Năm 2018, Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 được phê duyệt. Từ đó đến nay, đô thị thông minh tại Việt Nam được đánh giá đã có nhiều bước tiến với gần 50 tỉnh thành triển khai đề án. Hạ tầng 5G, cáp quang, trung tâm điều hành IOC dần phổ cập, là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của các smart city tại Việt Nam
Hiện trạng triển khai
Theo thống kê của Bộ Xây dựng được công bố tại Hội nghị, cả nước có 48 trên 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh, trong đó có 18 địa phương có đề án từ trước năm 2018.
Theo ông Trần Ngọc Linh, chuyên gia Cục Phát triển Đô thị - Bộ Xây dựng, đô thị thông minh xoay quanh ba yếu tố, gồm: Quy hoạch; Xây dựng và quản lý; và Dịch vụ, tiện tích thông minh.
Về quy hoạch đô thị thông minh, nhiều địa phương đã bắt đầu tập trung vào xây dựng nền tảng cho quy hoạch thông minh, trước hết xây dựng cơ sở dữ liệu đô thị, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào quy hoạch và công tác quản lý thông minh. Hiện nay có khoảng 43 thành phố, thị xã tại các địa phương đã sử dụng giải pháp này.
Về việc xây dựng và quản lý, một số địa phương, ông Linh cho biết nhiều địa phương đã ứng dụng những giải pháp công nghệ và đã đạt được những hiệu quả tích cực thời gian qua. Một số ví dụ được nhắc đến như TP Cần Thơ đã thí điểm hệ thống Giám sát và cảnh báo chất lượng môi trường sử dụng các cảm biến IoT giúp tự động thu thập dữ liệu, hay TP Đà Lạt xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng điều khiển thông minh nhằm tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng.
Yếu tố được triển khai mạnh mẽ nhất hiện nay là các dịch vụ, tiện ích trong đô thị thông minh. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, 57 địa phương đã có các tiện ích này, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông, như giám sát trật tự, an toàn giao thông, bên cạnh các lĩnh vực như y tế thông minh, giáo dục thông minh, phát triển các ứng dụng cảnh báo.
Ngoài việc triển khai đề án ở mức tỉnh thành, theo ông Linh, nhiều địa phương cũng đã giao cho các đô thị trực thuộc triển khai phát triển đô thị thông minh ở cấp độ thành phố, thị xã, quận huyện, để thực hiện thí điểm trước khi triển khai nhân rộng ở quy mô toàn tỉnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam, năm nay ghi nhận bước tiến lớn của các đô thị tại Việt Nam với 48 trên 63 tỉnh, thành phố đang triển khai đề án phát triển đô thị thông minh.
Trong hạ tầng một đô thị thông minh, trung tâm điều hành (IOC) là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Đây là nền tảng tích hợp dữ liệu và công nghệ thông tin, giúp giám sát, theo dõi và điều hành các hoạt động hàng ngày của thành phố, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển thành phố.
Theo ông Khoa, hiện nay Việt Nam có hơn 50 địa phương đã triển khai IOC cấp tỉnh, và gần 200 IOC cấp huyện. Các đô thị đều đã hoàn thiện các hạ tầng cơ bản như dữ liệu, truyền dẫn, và giải pháp. Hầu hết các đô thị xây dựng những ứng dụng thông minh để hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp", ông Khoa đánh giá.
Bài học cho phát triển đô thị thông minh
Sự kiện về thành phố thông minh năm nay được tổ chức ở Hà Nội, đồng thời cũng đánh dấu sự phát triển của thành phố này trong việc xây dựng đô thị thông minh.
Một trong những ví dụ điển hình trong triển khai, được ông Hà Minh Hải, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội chia sẻ là ứng dụng iHanoi. Ứng dụng thu hút hơn 1,6 triệu tài khoản cài đặt và khoảng 16 triệu lượt tham gia tương tác từ tháng 6 đến nay. Tại đây, ngoài việc tiếp nhận thông tin từ thành phố, người dân có thể gửi kiến nghị, phản ánh. Ứng dụng ghi nhận hơn 21.000 kiến nghị, người dân có thể phản ánh theo thời gian thực trên hệ thống.
"Với các kiến nghị này, người đứng đầu của chính quyền có thể nhìn thấy và sau đó AI hỗ trợ phân công cụ thể về các bộ phận chức năng để triển khai và báo cáo bằng hình ảnh, văn bản", ông Hải nói, đánh giá đây là một trong những giá trị lớn mà các ứng dụng thành phố thông minh mang lại cho cả người dân và cơ quan quản lý.
Tại sự kiện, ông Hồ Đức Thắng, đại diện Cục Chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ví dụ với tỉnh Thừa Thiên Huế cùng ứng dụng Hue-S, có thể coi là điển hình về thành công trong lĩnh vực này. Ứng dụng thu hút 70% người dân địa phương cài đặt và sử dụng thường xuyên, thậm chí có hơn 100 nghìn người dùng từ các địa phương khác cũng đã cài đặt.
Theo ông Thắng, thành công của Hue-S là ví dụ về sự thay đổi quy trình và cách tiếp cận về thành phố thông minh, thay vì chỉ là công cụ phục vụ công tác quản lý, thì trở thành ứng dụng hướng tới người dân. Các kiến nghị của người dân khi đưa lên IOC sẽ được yêu cầu phải xử lý xong trong thời gian nhất định. "Thấy lệnh từ IOC là lệnh từ chủ tịch", ông Thắng chia sẻ về cách tỉnh này triển khai ứng dụng.
Theo đại diện Cục chuyển đổi số, nhờ cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm, người dân Huế rất tích cực phản ánh và 90% người dùng đánh giá hài lòng, trở thành một trong những ví dụ thành công về triển khai thành phố thông minh tại Việt Nam và được ghi nhận trên thế giới.
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng được lấy ví dụ về một địa phương xây dựng đô thị thông minh bằng các giải pháp "Made in Vietnam", hay Bình Dương là một địa phương đã xây dựng một cách bài bản là ví dụ của sự kết hợp nhà nước và doanh nghiệp.
Trong khi đó, theo đại diện Bộ Xây dựng, việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam hiện nay còn tồn tại bốn vấn đề lớn.
Theo đó, công tác Quy hoạch và Quản lý đô thị thông minh chưa được đẩy mạnh, thiếu hành lang pháp lý. "Phát triển đô thị thông minh tập trung chủ yếu vào cung cấp các dịch vụ, tiện ích gắn với dịch vụ của chính quyền điện tử", ông Trần Ngọc Linh nói.
Ngoài ra, cơ chế nguồn lực cho phát triển đô thị thông minh còn thiếu; chưa có hình thức liên kết, kết nối khối doanh nghiệp, kinh tế tư nhân trong phát triển nên việc phát huy nguồn lực từ xã hội còn riêng rẽ, chưa đồng bộ, hệ thống hóa.
Việc nhiều địa phương chưa có cơ sử dữ liệu dùng chung, nguồn dữ liệu không đầy đủ, liên thông chưa đồng bộ và chuẩn hóa cũng được đánh giá là một trong những thách thức lớn trong ứng dụng các giải pháp công nghệ mới. Ngoài ra, lực lượng cán bộ quản lý và chuyên môn hạn chế về số lượng; công tác tổ chức thực hiện còn lúng túng.
Còn theo đại diện Cục Chuyển đổi sổ, Bộ TT&TT, việc phát triển đô thị thông minh sẽ liên quan đến nhiều công nghệ mới, như Drone, AI, thậm chí có những công nghệ chưa bao giờ triển khai. "Cần cơ chế thí điểm có kiểm soát để các đô thị không ngại trong việc triển khai công nghệ mới", ông Thắng nói.
Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ xây dựng các bộ chỉ số đo lường về mức độ phát triển đô thị thông minh, thúc đẩy giải pháp từ các doanh nghiệp trong nước, đồng thời xây dựng các nền tảng về dữ liệu, một trong những yếu tố quan trọng của thành phố thông minh.