Tại hội nghị Vietnam Smart City Summit 2022, do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam Vinasa tổ chức chiều 1/12 ở Hà Nội, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng khẳng định phát triển đô thị thông minh không phải vấn đề mới. Tuy nhiên, các địa phương chủ yếu tập trung vào phát triển, cung cấp dịch vụ, tiện ích gắn với chính quyền điện tử, chưa chú trọng đến quy hoạch và quản lý đô thị thông minh để giải quyết căn cơ bài toán về giao thông, năng lượng, môi trường...
"Điều này dẫn tới là có những chỗ mang lại hiệu quả chưa như mong muốn, chưa thực sự đi vào chiều sâu, chưa đạt được kết quả cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống và mức độ hài lòng của người dân trong đô thị", ông Dũng nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Vinasa, chỉ ra Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt không ít thách thức khi xây dựng đô thị thông minh. Ông cho rằng cần hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi cho hợp tác công - tư. Chưa kể, các đô thị hiện chưa chú trọng quy hoạch thông minh, thông minh hóa các hạ tầng cơ bản, thiết yếu.
Để xây dựng một đô thị thực sự thông minh và có chiều sâu, ông Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Vinasa, cho rằng cần bám theo nguyên tắc tam quy. Thứ nhất là phải quy hoạch thông minh. Thứ hai, cần quy chế để những gì xây mới, nâng cấp, cải tạo... phải bao hàm sự thông minh hóa. Thứ ba là quy chuẩn để các thực thể thông minh liên kết với nhau. Ông lấy ví dụ, hiện nay hầu hết lĩnh vực từ y tế, giáo dục cho đến giao thông đều đã thực hiện chuyển đổi số, nhưng các nền tảng này lại không "nói chuyện" với nhau, không trao đổi dữ liệu được cho nhau.
"Nhiều thứ thông minh không đồng nghĩa sẽ có một tổng thể thông minh", ông Quang nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, từ tháng 8/2018, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến 2030. Theo thống kê của Vinasa, hiện có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai xây dựng đề án đô thị thông minh; 30/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt đề án, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị thông minh. 38/63 đã triển khai Trung tâm Điều hành thông minh IOC cấp tỉnh. 17/63 triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, và trên 10 tỉnh triển khai ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị...