Chứng khoán

DN của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiên phong giải quyết vấn nạn "càng để chậm càng trầm trọng" của Hà Nội

Đó là ô nhiễm không khí. Theo WHO, trên toàn thế giới, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra 7 triệu ca tử vong mỗi năm. Trong đó, Việt Nam ghi nhận ít nhất 70.000 người tử vong mỗi năm vì nguyên nhân này. Có nghĩa là trung bình cứ mỗi 7,5 phút lại có một người Việt Nam tử vong vì các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí.

Vào tháng 6/2024, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, ô nhiễm không khí là mối lo cho sức khỏe và là vấn đề cấp bách cần sớm giải quyết. Ước tính, thiệt hại về kinh tế - xã hội do ô nhiễm không khí ở Việt Nam lên đến hơn 13 tỷ USD mỗi năm, tương đương với 4% GDP của đất nước. Không khí sạch là điều kiện cần thiết cho sự phát triển con người và hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững".

Trong những ngày gần đây, chất lượng không khí ở Hà Nội thường xuyên ở mức kém nhất thế giới. Tỷ lệ bụi mịn tăng cao ở Hà Nội gây nhiều tác hại tới sức khỏe người dân. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, giao thông được xác định là nguồn phát thải lớn nhất, chiếm tới 70% lượng khí thải gây ô nhiễm đô thị.

Về vấn đề này, tại lễ phát động chiến dịch "Vì Thủ đô trong xanh" do Tập đoàn Vingroup cùng các công ty trong hệ sinh thái phát động sáng nay, 10/1, PV đã có cuộc trao đổi nhanh với TS Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.

Hà Nội đang phải đối mặt với "cuộc khủng hoảng không khí"

DN của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiên phong giải quyết vấn nạn "càng để chậm càng trầm trọng" của Hà Nội- Ảnh 1.

TS Hoàng Dương Tùng chia sẻ tại lễ phát động chiến dịch "Vì Thủ đô trong xanh", ngày 10/1.

- Trong những ngày qua, chất lượng không khí ở Hà Nội rất xấu. Là một người theo dõi chất lượng không khí lâu năm và sống tại Hà Nội, bản thân ông thấy thế nào?

Tôi là một người Hà Nội và cũng sống ở đây lâu, đã từng chứng kiến những lúc Hà Nội rất trong lành. Trong những ngày gần đây, chất lượng không khí ở Hà Nội rất xấu, cá nhân tôi hết sức lo ngại. Không khí ô nhiễm ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe. Ngoài bản thân, tôi cũng lo vì chất lượng không khí xấu có thể ảnh hưởng tới những người xung quanh mình, từ con cháu, bạn bè, hàng xóm…

-Vâng tôi nghĩ đó là tâm trạng chung của người sống ở Hà Nội những ngày này. Nguyên nhân gây ô nhiễm là do đâu, thưa ông?

Chất lượng không khí suy giảm và cụ thể ở đây là bụi mịn PM2.5 nhỏ li ti có kích thước đường kính nhỏ hơn 1/30 sợi tóc. Bụi mịn PM2.5 với các chất độc hại luôn hiện hữu trong không khí. Khi hít thở, PM2.5 có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn.

Nhiều người cũng hỏi bụi mịn từ đâu ra? Tại sao ô nhiễm lại cao trong những tháng mùa đông, còn mùa hè thì ít ô nhiễm hơn? Do yếu tố địa lý, Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc ô nhiễm hơn vào các tháng mùa đông, khi ít mưa, nhiều ngày gió lặng trời nồm… làm cho bụi mịn không được rửa trôi hay khuếch tán, lưu cữu luẩn quẩn ở tầng thấp trong khi tiếp tục hàng ngày hàng giờ vẫn có các nguồn phát thải đưa bụi mịn vào không khí.

Hà Nội là một thành phố lớn, với 12 quận nội thành, 18 huyện ngoại thành, có sự khác biệt về chất lượng không khí và các nguồn ô nhiễm giữa các quận nội thành và các huyện ngoại thành.

Cụ thể, ở các huyện ngoại thành, các nguồn ô nhiễm thường là các cơ sở sản xuất công nghiệp, các làng tái chế giấy, nhựa, kim loại, đốt rác đốt rơm rạ sau thu hoạch, các cơ sở chăn nuôi. Trong khi đó, các quận nội thành ngoài xây dựng các công trình đô thị, sửa chữa hạ tầng đường sá vỉa hè, đốt rác, thì thủ phạm chính gây ô nhiễm là các phương tiện giao thông chạy xăng dầu, với hơn 6 triệu xe máy, gần 800.000 ô tô động cơ đốt trong ngày đêm nhả khói.

"Càng để chậm thì càng trầm trọng, giá phải trả càng cao"

DN của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiên phong giải quyết vấn nạn "càng để chậm càng trầm trọng" của Hà Nội- Ảnh 2.

Trong những ngày gần đây, chất lượng không khí ở Hà Nội ở mức đáng báo động, thậm chí trong top xấu nhất thế giới. Ảnh: NA

-Nói như vậy, giải quyết vấn nạn ô nhiễm không khí có lẽ không phải là chuyện một sớm, một chiều. Tuy nhiên, với tình trạng không khí xấu như hiện nay, theo ông, TP Hà Nội cần phải sớm có những giải pháp gì?

Ô nhiễm không khí đã là vấn đề được nhắc tới trong mấy năm qua, nhất là trong báo cáo của các cơ quan quản lý. Tại Hà Nội, cũng đã có nhiều biện pháp được đưa ra để giảm thiểu ô nhiễm không khí. Nhưng tôi thấy tình trạng ô nhiễm hầu như chưa giảm. Như vậy, chúng ta cần phải xem lại những giải pháp đã đúng chưa và đủ quyết liệt chưa, thực hiện nghiêm chỉnh chưa?

Tôi nghĩ rằng Hà Nội cần phải có những giải pháp ngắn hạn, trung hạn, dài hạn và cần trúng hơn. Chẳng hạn, với giao thông, chúng ta phải có những biện pháp quyết liệt. Trên thế giới, có những quốc gia đã chuyển đổi hẳn từ xe chạy xăng sang xe điện.

Người dân thường than phiền về bụi từ các công trình xây dựng, đường giao thông. Tại sao chúng ta không lắp camera để theo dõi những công trình này?

Tôi thấy khi chúng ta có những giải pháp kỹ thuật trúng đích, đúng địa chỉ và có những thước đo xem làm như vậy thì sẽ giảm được bao nhiêu và năm sau sẽ như thế nào… cùng với việc tuyên truyền tới từng quận, huyện, các doanh nghiệp và người dân thì lúc đó mới hy vọng Hà Nội xanh.

Trong mấy năm gần đây, Hà Nội đã có nhiều biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm từ các phương tiên giao thông cá nhân, tăng cường giao thông công cộng. Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn 2026 – 2030 có 100% xe buýt xanh, với nguồn lực tài chính lên đến 43.000 tỷ đồng.

Trong những ngày đông ô nhiễm, tôi thấy thật ấm áp khi xuất hiện ngày càng nhiều các phương tiện giao thông chạy điện của VinFast tại Hà Nội, từ xe máy, xe ô tô, xe taxi đến xe buýt. Chính điều này đã góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu mức độ ô nhiễm không khí. Nếu không, tình trạng ô nhiễm chắc chắn sẽ còn trầm trọng hơn nữa.

Tuy nhiên, tình hình ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng, đòi hỏi tất cả chúng ta không thể chần chừ được nữa. Chúng ta phải quyết tâm hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong cuộc chiến chống "giặc ô nhiễm không khí". Các bài học trên thế giới đã chứng minh rằng càng để chậm thì vấn đề càng trầm trọng, giá phải trả càng cao.

Những con số bụi mịn PM2.5 liên tục vượt ngưỡng cho phép không chỉ là những con số khô khan mà chính là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe hàng triệu người dân, đặc biệt là trẻ em, người già và những người mắc bệnh mãn tính. Hà Nội của chúng ta đang đối mặt với một "cuộc khủng hoảng không khí" mà nếu không hành động ngay lập tức và thật sự quyết liệt, cái giá phải trả sẽ không chỉ là tài chính mà còn là sức khỏe, thậm chí là tính mạng và tương lai của thế hệ sau.

Thực tế, trên thế giới đã có nhiều bài học hay để giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông chạy nguyên liệu hóa thạch. Bắc Kinh là một ví dụ điển hình, khi trong thời gian ngắn đã chuyển đổi hơn toàn bộ hơn 10.000 xe buýt chạy dầu sang xe điện, yêu cầu sử dụng xe chạy điện cho tất cả các dịch vụ như bưu điện, giao hàng trong nội thành, các phương tiện thực hiện công tác vệ sinh môi trường…

DN của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiên phong giải quyết vấn nạn "càng để chậm càng trầm trọng" của Hà Nội- Ảnh 3.

Vingroup vừa phát động Chiến dịch "Vì Thủ đô trong xanh".

-Vậy theo ông, việc người dân chuyển đổi sang dùng xe điện có ý nghĩa như thế nào trong việc giảm ô nhiễm không khí, và điều này cần sự hỗ trợ ra sao từ chính quyền Hà Nội?

Tôi nghĩ việc này là một sự chuyển mình rất lớn. Đây là bài toán hoặc là chúng ta cứ tiếp tục như thế này và cuối cùng tiền mà chúng ta kiếm được sẽ phải bỏ ra để mua thuốc, hoặc chung tay với chính quyền để làm cho bầu không khí Hà Nội trong sạch.

Thứ nhất, về vấn đề nhận thức, chúng ta phải hiểu không có gì là miễn phí. Việc chuyển đổi này có thể hơi mất công, tốn một tý, nhưng chúng ta phải nghĩ về lợi ích lâu dài mang lại. Thứ hai, chính quyền phải có những chính sách chuyển đổi dần dần, cùng với sự chung tay của doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ cho người dân. Mỗi người chung tay một chút thì sẽ có được bầu không khí trong lành.

"Bầu không khí không phải là của riêng ai"

-Hôm nay (10/1), Tập đoàn Vingroup cùng các công ty trong hệ sinh thái phát động chiến dịch "Vì Thủ đô trong xanh", kêu gọi cộng đồng nâng cao nhận thức về môi trường và chung tay giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí tại Thủ đô. Ông đánh giá thế nào về chiến dịch tiên phong này?

Tôi đánh giá cao vai trò tiên phong và hành động quyết liệt của Vingroup trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí. Vào tháng 6/2024, Vingroup đã phát động chiến dịch "Mãnh liệt Tinh thần Việt Nam - Vì Tương lai xanh", với nhiều chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi xanh, tạo nhiều cơ hội để người dân chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. Bước sang năm 2025, trước tình trạng ô nhiễm cực điểm của Thủ đô, Tập đoàn lại một lần nữa vào cuộc với hành động quyết liệt và chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, với Chiến dịch "Vì Thủ đô trong xanh".

Có một sự thật mà chúng ta phải thừa nhận rằng, bầu không khí không phải là của riêng ai. Một mình Vingroup không thể thay đổi được tình trạng ô nhiễm trầm trọng hiện nay. Do đó, tôi mong tất cả chúng ta, mỗi người dân, doanh nghiệp chung tay cùng chính quyền bằng những hành động của mình góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Với mỗi người dân, sự chung tay có thể bắt đầu từ những việc thường ngày như ưu tiên lựa chọn phương tiện di chuyển xanh, như xe buýt, xe máy, ô tô điện…

Với góc độ quản lý, Việt Nam cần xem xét những chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe điện đã được các nước áp dụng thành công, chẳng hạn như hỗ trợ tài chính cho người dân chuyển đổi sang xe điện, miễn lệ phí trước bạ cho xe điện, tạo điều kiện về mặt bằng xây dựng trạm sạc….

-Xin cảm ơn ông!

DN của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiên phong giải quyết vấn nạn "càng để chậm càng trầm trọng" của Hà Nội- Ảnh 4.

Sáng 10/1, các đại biểu thực hiện nghi thức phát động chiến dịch “Vì Thủ đô trong xanh”, kêu gọi người dân cùng chung tay giảm phát thải.

Ngày 10/1, Tập đoàn Vingroup quyết định phát động chiến dịch "Vì Thủ đô trong xanh" nhằm kêu gọi cả cộng đồng cùng hành động để giành lại bầu trời xanh cho Thủ đô, đặc biệt là giảm thiểu phát thải trong lĩnh vực giao thông.

Theo đó, từ ngày 10/01/2025, Vingroup và các công ty trong hệ sinh thái di chuyển xanh gồm VinFast, VinBus, GSM, FGF sẽ đồng loạt triển khai nhiều hoạt động và chính sách hỗ trợ ý nghĩa cho khách hàng mua, thuê và sử dụng xe điện hàng ngày.

Cụ thể, VinFast hỗ trợ lên tới 70 triệu đồng cho tất cả khách hàng mua xe ô tô điện và đăng ký biển số lưu hành tại Hà Nội từ ngày 10/01/2025 đến hết ngày 31/01/2026. Mức hỗ trợ cụ thể sẽ tương ứng với từng dòng xe và hình thức mua xe kèm pin hoặc thuê pin, dao động từ mức 3,6 triệu đồng (cho xe VF 3 thuê pin) đến 70 triệu đồng (cho xe VF 9 mua pin).

Đối với khách hàng mua xe máy điện và xe đạp điện, mức hỗ trợ sẽ dao động từ 500.000 đồng (cho xe Evo200 thuê pin) đến 3.000.000 đồng (cho xe Theon S mua pin).

Số tiền hỗ trợ từ VinFast cho các loại xe trên sẽ được quy đổi thành điểm VinClub để khách hàng sử dụng dịch vụ tại tất cả các đơn vị thành viên của Tập đoàn và sẽ được chi trả sau khi khách hàng hoàn tất thủ tục đăng ký biển số.

Với các khách hàng lựa chọn sử dụng phương tiện giao thông công cộng tại TP Hà Nội, công ty VinBus sẽ hỗ trợ 50% giá vé cho tất cả khách hàng mua vé tháng đơn tuyến trên các tuyến của VinBus từ ngày 01/02/2025 đến hết ngày 31/01/2026.

Công ty GSM cũng sẽ ra mắt các gói hội viên dành riêng cho khu vực Hà Nội, với các mã khuyến mãi trong 365 ngày cho cả dịch vụ Xanh SM Taxi và Xanh SM Bike có điểm đến và đi tại Hà Nội.

Bên cạnh đó, công ty FGF sẽ ưu đãi trực tiếp giá thuê xe và tích điểm cho các khách hàng thuê xe ngắn hạn và nhận xe tại Hà Nội kể từ ngày 15/01/2025 cho đến khi có thông báo mới. Khách hàng mua xe cũ qua FGF cũng sẽ được hưởng mức hỗ trợ tương tự như chính sách của VinFast đối với từng dòng xe.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm