Thị trường chứng chứng khoán Việt Nam thỉnh thoảng sẽ xuất hiện những cổ phiếu tăng đột biến, "tăng bằng lần" chỉ trong thời gian ngắn. Cái tên mới nhất làm được điều này là cổ phiếu CMC của CTCP Đầu tư CMC (CMCI).
Sau khoảng 2 tuần, thị giá CMC tăng 120% lên mức 14.100 đồng/cp. Thanh khoản cũng cải thiện đáng kể vì việc chỉ vài nghìn cổ phiếu được giao dịch, có phiên trắng thanh khoản thì khoảng nửa tháng trở lại đây, giao dịch trên CMC tăng lên mức vài chục nghìn đơn vị được khớp lệnh mỗi phiên.
Đà tăng mạnh khiến công ty cuộc phải giải trình về diễn biến giá cổ phiếu, tuy nhiên vẫn là "văn mẫu" như hầu hết các trường hợp tặng giá đột biến khác. Theo đó, CMCI cho biết hiện tại các hoạt động kinh doanh của công ty diễn ra bình thường và không có biến động đặc biệt nào. Việc cổ phiếu tăng trần liên tiếp là do cung cầu trên thị trường chứng khoán. Công ty cam kết luôn tuân thủ các quy định của pháp luật đối với công ty đại chúng niêm yết.
Tiền thân của CMCI là Nhà máy đại tu ô tô số 1 trực thuộc Cục vận tải đường bộ chính thức thành lập năm 1969. Sau nhiều thay đổi, tới năm 2008, công ty chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư CMC (tên viết tắt: CMCI., JSC). Sau ba lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ công ty đạt hơn 45,61 tỷ đồng. Hiện tại, CMCI chuyên kinh doanh thương mại, chuyên mua bán các loại xe máy công trình nguyên chiếc nhập khẩu và là đại lý cho thuê máy móc, thiết bị xây dựng.
Tại thời điểm cuối năm 2023, cổ đông lớn nhất của CMCI Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Ngô Trọng Vinh với việc nắm giữ 1,42 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 31,3%. Bên cạnh đó, Ủy viên HĐQT Ngô Trọng Quang đồng thời là anh trai ông Vinh đang nắm giữ 585.420 cổ phiếu, tỷ lệ 12,83%. Hai cổ đông lớn còn lại là bà Ngô Thị Thanh Huyền với tỷ lệ sở hữu 14,08% vốn và Ngô Phương Anh sở hữu 6,22% vốn.
Ngoài ra, bà Lê Thị Tuyết Nhung - vợ Chủ tịch Vinh đang sở hữu 4,95% vốn CMCI và bà Ngô Thị Mùi - em dâu ông Vinh nắm 4,67% vốn CMCI.
Tay ngang đem tiền đầu tư cổ phiếu, danh mục tạm lỗ gần 20%
Về tình hình kinh doanh, doanh thu năm 2023 của CMCI ghi nhận 50,7 tỷ đồng, tăng 2,9% so với năm 2022. Kết quả, lợi nhuận trước thuế đạt 961 triệu đồng, cải thiện so với khoản lỗ gần 2 tỷ trong năm trước. Tuy nhiên con số này chỉ giúp CMC hoàn thành hơn 19% kế hoạch đã đề ra.
Bước sang năm 2024, CMCI lên mục tiêu doanh thu và LNTT lần lượt đạt 50 tỷ và 5 tỷ đồng. Với lợi thế là có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực kinh doanh tất cả các loại xe máy công trình mới và cũ được nhập khẩu trực tiếp từ các nước như: Nhật Bản, Trung Quốc, công ty sẽ tiếp tục phát huy lợi thế này trong năm 2024.
Bên cạnh đó, dự báo tình hình kinh tế năm 2024 sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, CMCI sẽ luôn theo sát diễn biến thị trường, kịp thời đưa ra giải pháp tối ưu nhất nhằm quản lý, kinh doanh tốt, tăng cường nghiên cứu thị trường, cải tiến công nghệ, nâng cao trình độ kỹ thuật và nguồn nhân lực, phát huy hết khả năng để mở rộng mạng lưới kinh doanh, tăng doanh thu bán hàng, đảm bảo thu nhập và việc làm cho người lao động.
Kết thúc quý đầu năm, CMCI ghi nhận doanh thu hơn 18 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, LNTT hơn 1,2 tỷ đồng, hoàn thành 30% mục tiêu lợi nhuận cho cả năm. Điều đáng nói, CMCI còn được biết nhiều là doanh nghiệp "tay ngang" mang tiền đầu tư chứng khoán. Thời điểm cuối quý 1/2024, giá gốc và dự phòng khoản chứng khoán kinh doanh hơn 25 tỷ đồng, số lượng lên tới 19 cổ phiếu.
Trong đó, doanh nghiệp ghi nhận lỗ hơn 6,1 tỷ đồng cho khoản chứng khoán giá gốc hơn 32 tỷ, tương đương lỗ gần 20%. Mức lỗ lớn nhất thuộc về khoản đầu tư vào GEX (giá gốc 11 tỷ, trích lập gần 4 tỷ), VLC (giá gốc gần 3 tỷ, trích lập gần 1 tỷ), ngoài ra còn có một số cổ phiếu khác như FLC, HVT, EVG, VE8…