Chứng khoán

Điều gì khiến đầu tư công trở thành điểm sáng tăng trưởng kinh tế năm 2023?

Trao đổi trong chương trình Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích CTCK VNDIRECT đánh giá, năm 2023, trong bối cảnh xuất khẩu và tiêu dùng, những động lực chính giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bị ảnh hưởng bởi tổng cầu trên thế giới yếu đi, đầu tư công được xem là động lực chính mang lại hiệu quả cao trong việc thúc đẩy nền kinh tế. Khi nền kinh tế tốt lên thì thị trường chứng khoán cũng sẽ có được sự tăng trưởng tích cực, các dữ liệu lịch sử đã chứng minh điều này…

BTV Mùi Khánh Ly: N ền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng tích cực hơn 8%, tạo tiền đề tốt cho năm 2023. Tuy nhiên, theo bà, nền kinh tế sẽ vẫn còn phải đối mặt với những vấn đề chính nào trong năm nay?

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích CTCK VNDIRECT

Theo tôi, trong năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối diện với bốn thách thức chính. Thứ nhất là xuất khẩu - một trong những động lực kinh tế quan trọng sẽ tăng trưởng chậm lại khi mà tổng cầu của thế giới đang có xu hướng suy yếu rất rõ. Theo những dự báo gần đây thì nhu cầu tiêu dùng của thế giới sẽ giảm xuống mức là dưới 1% trong năm 2023, cho dù là việc Trung Quốc đã mở cửa nền kinh tế trở lại. Vì vậy, xuất khẩu của chúng ta sẽ khó đạt được mức tăng trưởng hai con số như trong hai năm gần đây. Thực tế cũng thể hiện khá rõ qua những con số gần đây, khi tăng trưởng xuất khẩu chậm lại từ tháng 10 năm ngoái và tháng 1/2023 thì xuất khẩu giảm 21%. Nhập khẩu cũng là một chỉ số để dự báo tăng trưởng xuất khẩu cho thời gian tới, trong tháng 1, chỉ số này cũng ghi nhận mức giảm thấp nhất trong hai năm gần đây. Và khó khăn, thách thức thứ hai đến từ việc áp lực lạm phát của năm 2023 có thể sẽ lớn hơn so với năm 2022.

Nếu như năm 2022, áp lực lạm phát chủ yếu đến từ những yếu tố bên ngoài như là việc giá cả nguyên vật liệu cơ bản tăng khá mạnh thì năm 2023, đa phần nó đến từ những yếu tố trong nước, chẳng hạn như việc tăng giá điện hay tăng giá một số dịch vụ công thiết yếu khác, hoặc việc tăng lương cơ bản từ tháng 7 cũng ảnh hưởng đến lạm phát. Đặc biệt, mặc dù giá nguyên vật liệu cơ bản có xu hướng hạ nhiệt, tuy nhiên, do tỷ giá đồng USD vẫn ở mức cao vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến trong nước cho đến ít nhất là giữa năm 2023. Và thách thức thứ ba có lẽ là đến từ việc áp lực tỷ giá vẫn ở một mức cao, ít nhất là đến hết quý 2 năm 2023.

Yếu tố cuối cùng là thách thức từ thị trường bất động sản đang đóng băng cũng như việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa có những biện pháp rõ ràng để có thể tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh ấy, nhiều thành viên trên thị trường kỳ vọng việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công sẽ là một trong những động lực chính để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tại sao lại như vậy?

Sang năm 2023, một số động lực chính của nền kinh tế dường như đã chậm lại. Chẳng hạn xuất khẩu yếu đi, hay là tiêu dùng, vốn là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Trong bối cảnh xuất khẩu suy yếu cũng như tỷ lệ lao động thất nghiệp có thể tăng lên sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng của chúng ta. Bên cạnh đó, những chính sách hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế khác như chính sách tiền tệ cũng đang khó có dư địa để triển khai trong năm nay khi mà lạm phát vẫn có khả năng trên mức trên 4% cũng như áp lực từ việc FED vẫn tiếp tục có một vài đợt tăng lãi suất nữa trong năm 2023. Vì vậy, có thể nói đầu tư công được xem là một trong những giải pháp khả thi nhất hiện nay để hỗ trợ cho sự phát triển, phục hồi của nền kinh tế trong năm 20223.

Đầu năm 2023, Quốc hội đã phê duyệt cho kế hoạch vốn đầu tư khu vực nhà nước ở mức 700 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2022. Và từ mức giải ngân thấp của năm 2022 vừa rồi, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng là đầu tư công năm nay sẽ có thể tăng trưởng ở mức 30%. Và điều này chúng ta có thể kỳ vọng từ những động thái, nỗ lực gần đây của các cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy những dự án đang được triển khai như các dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam hay dự án sân bay Long Thành.

Trong dữ liệu lịch sử, việc giải ngân vốn đầu tư công đã có vai trò ra sao trong các lần cần thúc đẩy kinh tế?

Nếu nhìn lại trong lịch sử thì nếu đầu tư công khởi sắc hơn sẽ hỗ trợ rất lớn cho tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn như khi dịch covid bùng phát vào thời điểm quý I năm 2020 đã ảnh hưởng đến những hoạt động sản xuất, dịch vụ cũng như xuất khẩu của Việt Nam. Và trong năm đấy thì đầu tư công của chúng ta lại là một năm rất khởi sắc và con số hoàn thành trên 80%, cao nhất trong giai đoạn 2016 và 2020. Điều này giúp cho GDP của Việt Nam năm 2020 tăng trưởng 2,9%. Đấy là một điểm sáng ở trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương khi mà trong năm 2020, các nước xung quanh như là Thái Lan hay là Indonesia, đều tăng trưởng âm do ảnh hưởng bởi dịch Covid 19.

Trên bình diện khu vực cũng như thế giới, đầu tư công như một công cụ hữu hiệu để thúc đẩy, hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế trong những thời điểm khó khăn, điển hình như Trung Quốc. Năm ngoái, khi họ tiếp tục duy trì chính sách zero-covid thì Trung Quốc lập tức đưa ra chỉ tiêu về đầu tư cơ sở hạ tầng và đầu tư từ khu vực nhà nước cao hơn gấp đôi so với năm 2021, để phần nào hỗ trợ cho việc tăng trưởng kinh tế. Hoặc là một trong những nước gần gũi với chúng ta hơn như Philippines, thông thường, mức chi tiêu cho đầu tư công của họ chỉ ở mức là khoảng 3% GDP. Nhưng trong giai đoạn 2021 đến 2025, Chính phủ Philippines đặt mục tiêu là đẩy đầu tư công lên 7% GDP để bắt kịp với tốc độ phát triển GDP của Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê nhận định, nếu đầu tư công tăng trưởng 1% có thể hỗ trợ cho sự tăng trưởng của nền kinh tế ở mức 0,06 cho đến 0,07%.

Vậy nếu giải ngân đầu tư công năm nay được thúc đẩy, theo bà, việc giải ngân nên được thực hiện như thế nào để việc thúc đẩy nền kinh tế đạt được hiệu quả cao?

Việc giải ngân đầu tư công chậm trễ trong thời gian vừa qua có khá nhiều nguyên nhân và để khắc phục những điều đó thì năm 2022, các bộ, ban, ngành cũng đưa ra 6 nhóm giải pháp chính. Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta có 3 cách chính để có thể thúc đẩy việc giải ngân đầu tư công. Thứ nhất là việc rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu. Từ đầu năm 2023 thì Bộ Giao thông vận tải đã nhận ra điều này và thực hiện việc chỉ định thầu thay cho đấu thầu cho các dự án thuộc cao tốc Bắc Nam.

Điều này đã rút ngắn được thời gian lựa chọn nhà thầu và sẽ giúp cho các nhà thầu có thêm thời gian để chuẩn bị tốt hơn. Và tất nhiên Bộ cũng đưa ra những tiêu chuẩn khá khắt khe đối với việc lựa chọn để đảm bảo rằng những nhà thầu tham gia thực hiện là những nhà thầu có năng lực cũng như có những kinh nghiệm đã được kiểm chứng trong thời gian vừa qua.

Và thứ hai, các cơ quan quản lý cũng cần thực hiện những biện pháp kiểm tra, giám sát thường xuyên, cũng như đưa ra những cơ chế thưởng phạt rõ ràng để thúc đẩy tiến độ sớm hơn dự kiến, hoặc đưa ra những chế tài đối với những nhà thầu cố tình chậm trễ trong việc thi công. Và thứ ba, thay vì đầu tư dàn trải quá nhiều dự án, chúng ta nên tập trung vào một số dự án trọng điểm, tập trung hoàn thành sớm để trở thành những động lực đẩy cả đoàn tàu kinh tế trong năm 2023.

Nếu việc thúc đẩy đầu tư công giúp nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng tốt trong năm nay thì thị trường chứng khoán sẽ ra sao thưa bà?

Thị trường chứng khoán thường phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về tăng trưởng kinh tế cách đó 6 tháng cho đến 1 năm. Điều này có thể một phần lý giải cho việc thị trường chứng khoán chúng ta có diễn biến không như kỳ vọng vào nửa cuối năm 2022, khi bên cạnh những yếu tố như thanh khoản hay lãi suất thì nhà đầu tư cũng khá quan ngại trước việc là kinh tế năm 2023 phải đối diện với nhiều thách thức hơn từ bên ngoài. Như vậy, nếu nhìn ở thời điểm này thì thị trường đã phản ánh phần nhiều câu chuyện của năm 2023 và có thể nhà đầu tư bắt đầu nhìn về những điều gì xảy ra đối với nền kinh tế từ giữa năm 2023 cho đến nửa năm 2024.

Tôi cho rằng trong nửa đầu năm 2023, thị trường có thể vẫn chưa ghi nhận sự tăng điểm một cách chắc chắn, những tài sản rẻ ở thời điểm này chứ vẫn chưa có sự ổn định tăng trưởng khi mà lãi suất vẫn cao, cũng như là thị trường bất động sản hay những vấn đề liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa được có biện pháp xử lý một cách rõ ràng. Tôi kỳ vọng bức tranh của thị trường sẽ tươi sáng hơn khi bước vào nửa năm sau của năm 2023, khi chúng ta có những thông tin tốt hơn từ thị trường thế giới cũng như ở trong nước, và giải ngân đầu tư công có được những con số tốt hơn.

Vậy cụ thể nhóm ngành nào sẽ được hưởng lợi khi đầu tư công được thúc đẩy?

Có thể nói đầu tư công là một chủ đề rất sáng trong năm 2023 và những nhóm ngành được hưởng lợi đầu tư công có thể kể đến như các nhà thầu, các công ty xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, nó sẽ phải tùy thuộc vào những dự án cũng như tùy thuộc vào thời điểm triển khai. Chẳng hạn năm 2023 đầu tư công tập trung trọng điểm vào giai đoạn hai của cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành, đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và vành đai 4 ở Hà Nội. Đây có thể nói là bốn dự án trọng điểm sẽ triển khai trong năm nay. Như vậy, những nhà thầu nào được chỉ định thầu tham gia vào những dự án này sẽ được hưởng lợi đầu tiên. Và những doanh nghiệp có năng lực và quy mô hàng đầu cũng như có thành tích trong quá khứ là những doanh nghiệp sẽ được lợi nhiều nhất, họ sẽ được lựa chọn đầu tiên khi tham gia vào những dự án này. Một số doanh nghiệp của ngành vật liệu xây dựng, chẳng hạn như nhựa đường, hay những doanh nghiệp liên quan đến đá cũng là những doanh nghiệp được hưởng lợi. Tất nhiên nhìn xa hơn một chút thì đầu tư công không chỉ thu hẹp trong việc là cơ sở hạ tầng giao thông mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như cơ sở hạ tầng năng lượng. Đấy cũng là một lĩnh vực rất lớn và là một lĩnh vực sẽ thu hút cả đầu tư công lẫn đầu tư khu vực tư nhân trong thời gian tới.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm