Giáo sư Arlie Bock, trưởng khoa Y tế, ĐH Harvard đã chủ trì một nghiên cứu về con người dài nhất lịch sử nhằm tìm ra chìa khóa của hạnh phúc. Từ năm 1939 đến 1944, nhóm nghiên cứu đã chọn ra 268 sinh viên đại học Harvard, là nam giới, đều xuất thân trong những gia đình có nền giáo dục tốt, thể chất cũng như tinh thần khỏe mạnh, phong độ.
Hai năm một lần, nhóm người này sẽ nhận được một bảng câu hỏi, báo cáo gần như mọi thông tin về thể chất, tinh thần, chất lượng hôn nhân, thành công hay thất bại trong sự nghiệp, hạnh phúc khi đã nghỉ hưu hay không?
Năm năm một lần, họ sẽ được bác sĩ chuyên nghiệp đánh giá các chỉ số sức khỏe thể chất và tinh thần. Sau đó, 5-10 năm, các nhà nghiên cứu đến thăm trực tiếp và phỏng vấn họ nhằm hiểu rõ hơn về cuộc sống thực sự.
268 người này đã trải qua chiến tranh thế giới thứ 2, suy thoái và phục hồi kinh tế. Có người kết hôn rồi ly hôn, có người thành công, có người thất bại, nhưng cũng có người mắc bệnh hiểm nghèo chết sớm.
Sau cùng, nghiên cứu kéo dài 76 năm, tiêu tốn hơn 20 triệu USD đã đem lại kết quả gì?
Các nhà nghiên cứu chỉ ra, khi có chỉ số thông minh (IQ) vượt quá 110, những vấn đề như vẻ bề ngoài, tiền sử gia đình, trầm cảm... không còn ảnh hưởng quá nhiều đến mức thu nhập, địa vị kinh tế và xã hội của họ. Bởi vậy đây là những yếu tố ít ảnh hưởng đến "chìa khóa thành công".
Những yếu tố thực sự ảnh hưởng đến thành công là: kỷ luật bản thân (gồm không uống rượu hút thuốc, chăm tập thể dục, duy trì cân nặng hợp lý); được yêu thương đầy đủ; có sự đồng cảm; có những mối quan hệ thân thiết.
Các nhà nghiên cứu thống kê, những người có nhiều mối quan hệ tốt, thu nhập trung bình 243.000 USD một năm, còn những người có ít mối quan hệ, thu nhập không vượt quá 102.000 USD.
Bác sĩ tâm thần, giáo sư trường Y Harvard, George Eman Vaillant nhận định: "Tình cảm, sự ấm áp và thân mật ảnh hưởng trực tiếp đến cơ chế ứng phó của con người". Theo đó, ông tin rằng, ai cũng sẽ gặp những bất ngờ và thất bại trong đời. Tuy nhiên sự khác biệt giữa mỗi người nằm ở chỗ họ có phương pháp đối phó việc đó như thế nào. "Khi gặp thất bại, có người tự nhốt mình lại, chìm đắm trong suy nghĩ tiêu cực, tự phủ nhận bản thân. Cũng có người vẫn tập thể dục với bạn bè, đổ mồ hôi và xả hết áp lực, đón nhận sự an ủi, động viên của những người thân trong gia đình...", George Eman Vaillant nói.
Trong nhóm tình nguyện viên có một người tên Camille, từng bị coi là kẻ thất bại trong cuộc sống. Ở tuổi 35, ông phải nhập viện vì bệnh lao. Suốt 14 tháng điều trị, Camille luôn chỉ một mình, không ai đến thăm hỏi. Tuy nhiên, ông may mắn được nhân viên y tế quan tâm và chăm sóc ân cần.
Sau thời gian dài nằm viện, Camille, người bị gọi là "kẻ loạn thần", từng có ý định tự tử đã thay đổi hoàn toàn. Anh trở thành một bác sĩ, một người chồng và người cha có trách nhiệm. Những người xung quanh như gia đình, bệnh nhân, đồng nghiệp và bạn bè đều yêu quý anh hơn. Ở tuổi 82, Camille qua đời trong một cơn đau tim đột ngột. Những người tham gia đám tang đều tỏ rõ lòng thương tiếc thật sự.
Từ trường hợp của Camille, có thể thấy dù quá trình khởi đầu không phải tốt nhất nhưng người đàn ông này vẫn kết thúc một cuộc sống thịnh vượng và thành công.
Giáo sư Tâm lý học Robert Waldinger-thành viên của nhóm nghiên cứu-cho rằng, một mối quan hệ ấm áp và thân thiết là chìa khóa thành công quan trọng nhất để mở ra một cuộc sống tốt đẹp. Nó giúp con người sống vui vẻ, khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.
Vị giáo sư này tin rằng sở hữu mối quan hệ tốt đẹp giữa các cá nhân sẽ hạnh phúc hơn danh vọng và giàu có. Vì một khi nhu cầu vật chất cơ bản được đáp ứng, tác động của sự giàu có đối với con người sẽ giảm đi, và niềm vui sướng khi có thu nhập hàng năm là 75.000 USD hay 75 triệu USD thực sự không lớn.
"Do đó, thay vì tuyệt vọng theo đuổi tiền bạc, tốt hơn hết bạn nên dành thời gian duy trì mối quan hệ tốt với gia đình và bạn bè'', ông nói.
(Theo aboluowang)