Thị trường chứng khoán Việt giảm mạnh ra sao?
Sự kiện Iran tấn công Israel cuối tuần qua được đánh giá sẽ có tác động phần nào tới thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên áp lực bán trong phiên sáng đầu tuần (15-4) tại thị trường Việt Nam không quá mạnh.
Lực bán bắt đầu đột ngột mạnh lên từ khoảng 13h40, sau đó thị trường ngày càng giảm sâu về cuối phiên. Hết phiên, VN-Index mất gần 60 điểm, tương đương -4,7%, mức giảm sâu nhất gần 2 năm trở lại đây.
Nhìn ra khu vực, các thị trường chứng khoán châu Á trong phiên đầu tuần cũng có những phản ứng khác nhau sau diễn biến mới về căng thẳng địa chính trị.
Đáng chú ý, chỉ số TA125 của Israel (+1,5%) lại có phiên tăng, sau khi đã hồi phục nhẹ vào ngày chủ nhật. Còn chỉ số SHCMP tăng 1,26%, trong khi SZI tăng 1,53%.
Còn lại một số thị trường khác thì TWSE (-1,38%), NIKKEI 225 (-0,74%), STI (-1,12%), SET (-0,84%)… có xu hướng giảm điểm, nhưng cũng chỉ mức trên dưới 1%.
Thống kê các chỉ số cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phiên phản ứng rất mạnh và giảm sâu nhất châu Á. Trên HoSE, có tới hơn 110 mã giảm sàn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Hoàng Sơn - giám đốc chiến lược Thị trường chứng khoán VPBank (VPBankS) - cho rằng phiên hôm nay nhiều thông tin "hội tụ" nên kích hoạt tâm lý bán mạnh.
Trước hết, những căng thẳng địa chính trị từ cuộc chiến Iran - Israel dẫn tới sự thận trọng trong giới đầu tư toàn cầu. Thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh tuần trước, kỳ vọng hạ lãi suất của Fed có thể lùi về mặt thời gian và giảm về số lượng.
Cuối tuần qua, theo ông Sơn, chỉ trong vài phiên, chỉ số đồng USD quốc tế (USD Index) vọt lên 106 điểm.
Khi USD tăng như vậy, tạo áp lực rất lớn tỉ giá trong nước. Hôm nay, giá bán USD tại ngân hàng vượt đỉnh, tiền đồng Việt Nam mất giá hơn 3,3% từ đầu năm đến nay.
Thông tin thất thiệt gây tâm lý
Ngoài ra, theo ông Sơn, áp lực bán ròng khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam 12 tuần gần đây duy trì ở mức mạnh trong bối cảnh USD neo cao. Riêng hôm nay, hơn 1.238 tỉ đồng bán ròng từ khối ngoại.
Ông Sơn cho biết nếu liên hệ lại thời điểm tháng 9 năm ngoái, thị trường có nhiều điểm tương đồng về tỉ giá và động thái khối ngoại.
Chưa kể, thời điểm này, nếu trong ngắn hạn, căng thẳng Trung Đông không được giải quyết, sẽ tạo lên áp lực lạm phát toàn cầu.
Ngoài ra, ông Sơn còn cho biết thị trường xuất hiện những thông tin đồn đoán thất thiệt, kết hợp sự trùng hợp khi lực bán từ dòng tiền lớn, càng tạo áp lực tâm lý nhà đầu tư.
"Khi thị trường giảm điểm mạnh như vậy, phản ứng của nhiều nhà đầu tư sẽ là tìm nguyên cớ, lý do. Nhưng theo tôi, điều quan trọng hơn là cần bình tĩnh, xem lại danh mục để có chiến lược phù hợp", ông Sơn nói.
Vị chuyên gia khuyến nghị với các cổ phiếu có lãi thì có thể cân nhắc "chốt" lời. Với nhóm cổ phiếu tốt có thể giải ngân thêm, nhưng lưu ý hạn chế sử dụng margin thời điểm này.
Về thanh khoản thị trường hôm nay (38.800 tỉ đồng), ông Sơn lưu ý giao dịch tăng nhưng thể hiện trạng thái khớp lệnh bị động nhiều hơn. Nhiều nhà đầu tư kê sàn nhưng "chẳng may" khớp lệnh.
Sau thời gian rất dài, hôm nay thị trường ghi nhận lại phiên có tới 111 mã giảm sàn trên HoSE, chưa tính HNX và UpCOM.