Thị trường chứng khoán trong nước đã trải qua “cú đấm” nảy đom đóm mắt khi có phiên giao dịch tiêu cực nhất trong gần 2 năm trở lại đây. Ngày 15/4, VN-Index có cú giảm sốc tới gần 60 điểm trong tình cảnh thê thảm cổ phiếu la liệt nằm sàn. Riêng sàn HoSE có tới 111 cổ phiếu giảm hết biên độ.
Trên chứng trường, nhiều nhà đầu tư ngơ ngác. Anh Tuấn, một nhà đầu tư lâu năm trên sàn SSI chia sẻ: “Tất cả danh mục của tôi từ đang chạm bờ có lợi nhuận lập tức quay đầu rơi tự do. Có mã, hôm nay theo phân tích sẽ chạm ngưỡng lãi thì lập tức biến thành lỗ nặng. Thậm chí, hôm nay sau hai phiên, mức lỗ đã chạm 10%, buộc tôi phải tính đến việc cắt lỗ”.
Cũng lập tức cả tối thứ hai cũng như sáng thứ ba, hàng trăm group, diễn đàn đều không ngớt sáng đèn... tất cả đều chỉ xoay quanh một chủ đề: “Điều gì khiến thị trường lao dốc khủng khiếp đến vậy?” Một chuyên gia kinh tế trên trang cá nhân cũng phải thảng thốt lên tiếng: “10 tỷ USD vốn hoá thị trường bốc hơi thực không thể tin nổi”.
Cũng ngay lập tức, nhóm phân tích tại các công ty chứng khoán và các chuyên gia vào cuộc mổ xẻ.
Theo họ, tỷ giá cũng chính là một trong những “thủ phạm” làm dấy lên lo ngại lớn của thị trường cũng như các quỹ, nhà đầu tư ngoại cùng thời điểm. Ngày 16/4, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.141 VND/USD. Giá USD tại các ngân hàng liên tục “nóng” lên, giá bán lên mức cao nhất trong lịch sử từ năm 2000 đến nay, hơn 25.300 VND/USD. Rất nhiều quỹ ngoại đứng trước tâm lý hốt hoảng, lập tức muốn bán ròng.
Thống kê của Công ty Chứng khoán VPB (VPBankS) cho thấy, khi tỷ giá biến động quá 3% sẽ gây tác động ngược chiều đối với thị trường chứng khoán, có thể dẫn tới bán ròng của nhà đầu tư. Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, VPBankS cho biết, cũng ở giai đoạn tỷ giá tăng mạnh trong năm 2022, chứng khoán ghi nhận giai đoạn bán rất mạnh của nhà đầu tư trong, ngoài nước. Năm 2023 vừa qua, ở nửa cuối năm tỷ giá cũng tăng khá cao, khối ngoại liên tục bán ròng.
Ngoài ảnh hưởng tỷ giá, xung đột Israel - Iran và ảnh hưởng tới thị trường tài chính cũng là một vấn đề được chỉ ra khiến nhà đầu tư rất lưu tâm. Về vấn đề này, ông Sơn cho rằng, lo ngại trực tiếp nhất từ xung đột là lạm phát, còn ảnh hưởng tới thị trường tài sản thường chưa rõ rệt trong 2 tuần đầu tiên, ngược lại, nhà đầu tư có thể đạt điểm mua phù hợp.
Bên cạnh tình hình vĩ mô, vấn đề nóng nhất dẫn đến cú sốc ngày thứ hai “đen tối” được chứng trường chỉ ra đến từ ảnh hưởng tin đồn không có căn cứ (liên quan đến pháp luật). Chuyên gia tài chính cá nhân Lê Xuân Huy cũng nhận định, sau khi thị trường trải qua giai đoạn năm 2022-2023 với nhiều biến động, nhiều tin đồn đã xuất hiện và thành sự thật khiến nhà đầu tư trở nên nhạy cảm với tin đồn. Vì vậy, dựa vào tâm lý nhạy cảm trên, nhiều cá nhân, đội nhóm đã cố ý phát tán tin đồn để “lái’ thị trường.
“Sau khi thị trường trải qua giai đoạn năm 2022-2023 với nhiều biến động, nhiều tin đồn đã xuất hiện và thành sự thật khiến nhà đầu tư trở nên nhạy cảm với tin đồn. Vì vậy, dựa vào tâm lý nhạy cảm trên, nhiều cá nhân, đội nhóm đã cố ý phát tán tin đồn để “lái’ thị trường thực hiện mục đích...”.
Chuyên gia tài chính cá nhân Lê Xuân Huy
Thử thách
Thị trường ngày 16/4 tiếp tục thử thách nhà đầu tư khi VN-Index có thời điểm rơi thủng mốc 1.200 điểm. Tuy nhiên sau đó thị trường phản ứng khá tích cực, lực cầu bắt đáy xuất hiện khiến chỉ số phục hồi mạnh mẽ. Sắc đỏ dần thu hẹp, VN-Index đóng cửa tiến sát mốc tham chiếu 1.215 điểm nhưng số mã giảm vẫn gấp 2,5 lần mã tăng. Bên cạnh sự nâng đỡ của dòng tiền trong nước, giao dịch khối ngoại cũng tích cực hơn với việc mua ròng trở lại 114 tỷ đồng.
Nằm trong số ít cổ phiếu chứng khoán lấy lại sắc xanh trong phiên 16/4, SSI tăng nhẹ 0,7% sau khi công ty chứng khoán này lên tiếng về nhầm lẫn hình ảnh trên các phương tiện truyền thông của Chủ tịch Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI - Nguyễn Duy Hưng với Chủ tịch Tập đoàn Thuận An vừa bị bắt. Phía SSI đề nghị các cơ quan chức năng liên quan có những can thiệp kịp thời, đính chính thông tin chuẩn xác để tránh gây hoang mang dư luận, gây ảnh hưởng đến an ninh thông tin thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thị trường và các nhà đầu tư
Ông Đinh Quang Hinh, chuyên gia Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, lạm phát tháng 3 tại Mỹ tăng vượt dự báo đã làm thị trường lo ngại về kịch bản Fed sẽ duy trì lãi suất điều hành lâu hơn nữa. Hiện tại, dự báo thị trường cho thấy đợt cắt giảm lãi suất điều hành sớm nhất của Fed sẽ rời sang quý 3 thay vì kỳ vọng trước đó là vào tháng 6. Đồng thời, thị trường cũng giảm kỳ vọng số đợt cắt giảm lãi suất điều hành của Fed trong năm 2024 về 1-2 lần thay vì kỳ vọng 3 lần trước đó. Có thể thấy xác suất một số ngân hàng trung ương lớn (tiêu biểu là ECB) cắt giảm lãi suất sớm hơn Fed đang tăng lên. Điều này sẽ khiến chỉ số USD (DXY) tiếp tục duy trì sức mạnh trong những tháng tới, qua đó tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá trong nước.
Cũng theo chỉ báo của ông Huy, đã đến lúc nhà đầu tư cần có bản lĩnh chinh chiến hơn. “Nhà đầu tư nên cảnh giác với các tin đồn chưa được xác thực. Nếu không làm chủ được tâm lý, nhà đầu tư sẽ rất dễ bị mua bán sai lầm dẫn tới thua lỗ. Nhà đầu tư cũng cần có phương pháp đầu tư của riêng mình và tuyệt đối tuân thủ phương pháp để thực hiện giao dịch mua bán cổ phiếu. Như vậy, kể các lúc có tin đồn tốt, hay tin đồn xấu thì tâm lý của nhà đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng”, ông Huy khuyến nghị nhà đầu tư và cho rằng thị trường chứng khoán tăng, hay giảm sẽ phụ thuộc vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Cổ phiếu tăng hay giảm phụ thuộc tình hình kinh doanh của doanh nghiệp (trừ các trường hợp bị thao túng). Do đó, tin đồn chỉ gây ảnh hưởng tâm lý ngắn hạn. Nhà đầu tư cũng không nên quá bi quan, dẫn tới việc bán tháo cổ phiếu bằng mọi giá.