Vậy đâu là nguyên nhân khiến smartphone ngày càng trở nên nhàm chán? Chúng ta có thể đổ trách nhiệm cho các nhà sản xuất, tuy nhiên vai trò của người tiêu dùng cũng không thể bị bỏ qua. Để tìm hiểu rõ hơn, hãy cùng nhìn lại hành trình phát triển của smartphone.

Sự thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng là một trong những lý do khiến smartphone trở nên nhàm chán về thiết kế
ẢNH: REUTERS
Sự khởi đầu của kỷ nguyên smartphone
Gần 50 năm trước, vào năm 1973, kỹ sư Martin Cooper của Motorola đã thực hiện cuộc gọi đầu tiên từ chiếc điện thoại di động thương mại DynaTAC 8000X. Mặc dù cồng kềnh như một viên gạch, nhưng đây là bước khởi đầu cho kỷ nguyên mạng không dây. Hai thập kỷ sau, IBM Simon ra đời để đánh dấu sự xuất hiện của chiếc smartphone đầu tiên với màn hình cảm ứng và các ứng dụng cơ bản.
Tuy nhiên, sự đổi mới trong ngành công nghiệp này diễn ra chậm chạp do ba yếu tố: hạn chế về công nghệ, hiểu biết hạn chế về các công nghệ đó và thiếu thị trường toàn cầu cho các thiết bị như vậy. Chỉ đến năm 2007, mọi thứ mới thực sự thay đổi kể từ sau sự xuất hiện của iPhone, mở ra một cuộc đua đổi mới giữa các công ty công nghệ.
Cuộc đua đổi mới và sự cạnh tranh
Sự cạnh tranh gia tăng đã thúc đẩy các công ty phát triển nhiều tính năng mới, từ cảm biến vân tay dưới màn hình đến tốc độ làm mới cao. Mặc dù không phải công ty nào cũng tiên phong trong việc giới thiệu công nghệ mới, nhưng họ đã góp phần quan trọng trong việc đưa những tính năng này trở thành xu hướng chính.
Smartphone Huawei mới Pura 70 dùng nhiều linh kiện nội địa
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, mọi thứ đã thay đổi khi người tiêu dùng không còn nhiều phàn nàn về phần cứng mà chủ yếu tập trung vào chất lượng dịch vụ, như số lượng và tính kịp thời của các bản cập nhật phần mềm. Nhìn chung, người tiêu dùng đang ngày càng mong muốn điện thoại của họ hoạt động ổn định và không gặp phải vấn đề.
Sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng
Sự cải thiện về độ bền và chất lượng của smartphone ngày nay đã khiến người dùng giữ điện thoại lâu hơn, dẫn đến việc các công ty phải chờ lâu hơn để có khách hàng quay lại. Điều này tạo áp lực lên khả năng sinh lời và khiến các công ty ngần ngại trong việc đầu tư vào đổi mới.
Thị trường hiện tại chủ yếu bị chi phối bởi một số thương hiệu lớn như Apple và Samsung, khiến các công ty nhỏ gặp khó khăn trong việc gia nhập và cạnh tranh. Nhiều thương hiệu như LG, Blackberry và HTC đã rời bỏ thị trường, để lại một số ít thương hiệu tồn tại với quyền kiểm soát lớn hơn. Kết quả là sự cạnh tranh ít hơn và cho phép các công ty chậm chạp hơn trong việc đổi mới.

Smartphone gập là một trong những xu hướng đáng xem của thị trường trong tương lai
ẢNH: REUTERS
Triển vọng nào cho smartphone trong tương lai?
Mặc dù tốc độ đổi mới của smartphone hiện tại đã chậm lại nhưng vẫn còn nhiều điều đáng mong đợi trong tương lai. Các công nghệ như pin silicon-carbon và mô-đun camera mới hứa hẹn sẽ mang lại những cải tiến đáng kể. Không những vậy, smartphone màn hình gập cũng đang trở nên phổ biến hơn và khi Apple ra mắt chiếc iPhone gập đầu tiên, chúng ta hoàn toàn có thể thấy sự thay đổi nhanh chóng trong thị trường.
Dù không còn sống trong thời kỳ hoàng kim của smartphone, nhưng người tiêu dùng vẫn có thể yên tâm rằng bất kỳ chiếc điện thoại nào hiện nay cũng đều đáp ứng được các nhu cầu cơ bản. Chúng ta có thể phải chờ đợi lâu hơn để thấy những cải tiến đột phá trong ngành công nghiệp smartphone.