Theo đó, FIDT cho biết kết quả kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp đã bước vào chu kỳ giảm cùng với chu kỳ của nền kinh tế trong nửa cuối năm 2022 và nửa đầu năm 2023. Kết quả chạm đáy vào quý IV/2022 và dần phục hồi trong các quý tiếp theo, có thể nhìn nhận thời kỳ khó khăn nhất của các doanh nghiệp đã qua.
Năm 2024, với nền tảng hỗ trợ từ vĩ mô vững chắc hơn và thẩm thấu vào nền kinh tế, nhu cầu trên toàn cầu cũng như nội địa phục hồi, FIDT đánh giá quý này sẽ có sự phục hồi tốt so với nền so sánh thấp của năm 2023, từ đó gỡ bỏ thêm nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và đồng thời mở ra nhiều động lực thúc đẩy cơ hội đầu tư cho thị trường chứng khoán.
Để đánh giá khả năng tăng trưởng EPS toàn thị trường năm 2024, FIDT cho rằng câu chuyện tăng trưởng EPS của các ngành có tỷ trọng lớn là ngân hàng và bất động sản (BĐS) cần được xem xét trước tiên.
Đối với ngành ngân hàng, triển vọng lợi nhuận ngành này sẽ lạc quan hơn tuy nhiên sẽ có sự phân hóa trong năm 2024 khi NIM (biên lãi ròng) của các ngân hàng có thể đã ở vùng đáy và bắt đầu ghi nhận sự cải thiện; tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 kỳ vọng sẽ sôi động hơn khi nền kinh tế dần phục hồi, đặc biệt kỳ vọng đến từ nhóm khách hàng cá nhân; chất lượng tài sản vẫn chịu nhiều áp lực, đặc biệt khi Thông tư 02 hết hiệu lực vào tháng 6/2024.
Đối với ngành BĐS, kỳ vọng ngành BĐS sẽ bước vào pha hồi phục nhẹ trong năm 2024 và lợi nhuận cũng sẽ có sự phân hóa tăng trưởng lợi nhuận giữa các doanh nghiệp BĐS khi mặt bằng lãi suất cho vay hạ nhiệt sẽ phần nào cải thiện nhu cầu mua bất động sản; các vấn đề pháp lý vướng mắc kỳ vọng sẽ tiếp tục được đẩy nhanh; thị trường trái phiếu doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tiếp tục được tập trung hỗ trợ trong năm 2024.
Bên cạnh hai nhóm trên, FIDT dự báo 2024 sẽ là năm bùng nổ lợi nhuận của nhiều nhóm ngành đáng chú ý như xây lắp điện, dầu khí thượng nguồn và thủy sản.
Với nhóm xây lắp điện và dầu khí thượng nguồn, đầu tư cơ sở hạ tầng đang là mục tiêu quan trọng của Chính phủ trong giai đoạn sắp tới. Quy hoạch điện VIII được phê duyệt trong năm nay đã xác định điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực phải đi trước một bước tạo nền tảng thúc đẩy phát triển.
Hiện nay Chính phủ đang tập trung đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế để phát triển nhanh ngành điện, giải ngân nhanh chóng các gói đầu tư công về xây lắp điện. Vì vậy, đây sẽ là cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp ngành điện và xây lắp điện thời gian tới. Trong khi đó, các doanh nghiệp ngành dầu khí sẽ được hưởng lợi trong trung hạn (2023 – 2025) khi siêu dự án khí Lô B chính thức được triển khai.
Với nhóm xuất khẩu nói chung và đặc biệt là xuất khẩu thủy sản, dấu hiệu tích cực đã dần trở lại cho ngành này trong quý IV/2023 và kỳ vọng cho năm 2024 bùng nổ bởi nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ, Trung Quốc được kỳ vọng phục hồi; chu kỳ cắt giảm hàng tồn kho của các doanh nghiệp Mỹ kết thúc; nguồn cung cá tra và tôm nguyên liệu đang giảm mạnh do người dân hạn chế nuôi trồng mới do tình trạng thua lỗ nặng nề năm qua. Trên cơ sở đó, FIDT kỳ vọng các doanh nghiệp ngành thủy sản sẽ hưởng lợi và đạt được đột phá về tăng trưởng EPS trong năm.
Ngoài ra, các nhóm đầu tư công và BĐS khu công nghiệp dự kiến tiếp tục được hưởng lợi trung hạn và nhóm chứng khoán với kỳ vọng nâng hạng thị trường cũng là các nhóm ngành có câu chuyện để theo dõi trong năm 2024. Trong khi đó, nhóm thực phẩm và đồ uống hay phân bón dự kiến sẽ có một năm 2024 đầy khó khăn và EPS suy giảm trong diễn biến không mấy lạc quan của các ngành này.
FIDT đánh giá EPS 2024 mặc dù sẽ có sự phân hóa giữa các ngành, tuy nhiên toàn thị trường sẽ có sự tăng trưởng so với mức nền thấp của năm 2023. Kết quả kinh doanh phục hồi tốt sẽ là nền tảng tăng trưởng cho cổ phiếu các doanh nghiệp cũng như toàn thị trường chứng khoán nói chung trong năm tới.