Theo báo cáo PCI 2021, Quảng Ninh là tỉnh được các doanh nghiệp FDI đánh giá vượt trội về cả cơ sở hạ tầng. Quảng Ninh cũng đứng đầu về tỷ lệ doanh nghiệp tin tưởng chính quyền địa phương nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh với tỷ lệ 95%.
Một số tỉnh khác cũng nhận được đánh giá tích cực như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bình Dương và Bắc Ninh.
Các tỉnh Khánh Hòa, Tây Ninh, Hưng Yên, Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Phòng được đánh giá có chất lượng cơ sở hạ tầng tốt nhưng môi trường kinh doanh cần có thêm nhiều nỗ lực.
Bên cạnh đó, các tỉnh Bắc Giang, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu là những tỉnh có cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế nhưng môi trường kinh doanh đang được các doanh nghiệp FDI đánh giá cao.
Hải Dương, Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai và Tiền Giang cần cải thiện mạnh mẽ về chất lượng cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh cũng như cần tạo dựng niềm tin cho các doanh nghiệp FDI về nỗ lực cải cách của chính quyền trong thời gian tới.
Nhìn chung, điều tra PCI-FDI ghi nhận nhưng cải thiện tích cực trong môi trường kinh doanh của Việt Nam theo đánh giá của các doanh nghiệp FDI. Theo đó, gánh nặng thanh, kiểm tra đã giảm, cùng với những chuyển biến tích cực trong cải cách thủ tục hành chính ở nhiều lĩnh vực. Gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục có xu hướng giảm. Chất lượng lao động và chất lượng cơ sở hạ tầng đang được cải thiện rõ rệt theo thời gian.
Báo cáo cũng nhận định Việt Nam cần nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhiều hơn nữa. Cụ thể, tập trung cải cách những thủ tục hành chính vẫn còn tỷ lệ doanh nghiệp gặp phiền hà tương đối cao như thuế, phòng cháy, xuất nhập khẩu, đăng ký đầu tư và bảo hiểm xã hội.
Cùng với đó, cần tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục triển khai dự án đầu tư có công trình xây dựng, cụ thể là cấp phép xây dựng, thẩm duyệt phòng cháy, đánh giá tác động môi trường.
Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần tiếp tục đẩy mạnh, đặc biệt trong một số lĩnh vực như xuất nhập khẩu, thanh kiểm tra, thủ tục tố tụng tòa án và thủ tục hành chính đất đai.
Chất lượng cơ sở hạ tầng cũng cần nâng cao hơn nữa trong thời gian tới bằng cách tiếp tục cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, cùng với việc đảm bảo nguồn cung lao động cũng là kỳ vọng từ phía các doanh nghiệp FDI đối với các địa phương.
Điều tra PCI-FDI 2021 tiếp tục phản ánh một thực tế là phần lớn các doanh nghiệp FDI vẫn có quy mô nhỏ và vừa, cho thấy nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang hướng tới việc trở thành vệ tinh cho các dự án FDI lớn tại Việt Nam. Kết quả điều tra cũng ghi nhận tỷ lệ doanh nghiệp FDI sử dụng ba nhóm nhà cung cấp nội địa đều giảm trong năm 2021 so với năm 2020 và năm 2019, một dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp trong nước đang chật vật hơn trong việc tham gia chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Do vậy, Việt Nam cần có những chính sách hiệu quả hơn nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như có thể tận dụng cơ hội kết nối với các doanh nghiệp FDI để hưởng lợi sự lan tỏa của công nghệ và quản trị.
Chỉ số PCI đo lường chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trên 10 lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Theo đó, một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có:
1) Chi phí gia nhập thị trường thấp;
2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định;
3) Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai;
4) Chi phí không chính thức thấp;
5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng;
6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng;
7) Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp;
8) Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp;
9) Chính sách đào tạo lao động tốt;
10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì.