Bất động sản

Đi bán phở, chạy xe ôm… môi giới bất động sản vẫn “ngóng” ngày được trở lại nghề

Chia sẻ của một môi giới bất động sản (xin giấu tên) để thấy, khao khát trở lại làm nghề của môi giới là vô cùng lớn.

Anh T đã “chuyển nghề” môi giới sang bán phở dạo được khoảng 4 tháng nay. Theo anh cách anh chia sẻ, đó là vì cuộc sống mưu sinh lúc thị trường bất động sản khó khăn. Anh vẫn vừa bán phở, vừa rao bán bất động sản. Thế nhưng, gần như suốt thời gian qua chỉ đi bán phở là chính, đất nền chưa bán được lô nào.

“Tôi không bỏ nghề nhưng vì cuộc sống nên phải kiếm việc khác để làm thêm. Tôi vẫn mong muốn thị trường bất động sản tốt lên, anh em môi giới sống được với nghề”, anh T chia sẻ.

Vừa nói chuyện với chúng tôi, anh T lại có đơn hàng đi giao phở. Tiệm phở nhỏ nhỏ ven đường của anh hoạt động khá ổn. Tuy nhiên, theo anh, nếu so với nghề bất động sản thì bán phở vất vả hơn nhiều, lại không phải đam mê của anh. “Ngoài giờ đi giao phở cho khách, tôi vẫn đăng tin rao bán những bất động sản mà các nhà đầu tư gửi lại. Lâu lâu cũng có khách gọi điện hỏi thăm về miếng đất nhưng chưa có giao dịch ở giai đoạn này”, anh T cho biết.

Cũng hơn 5 tháng nay, anh Th, môi giới tự do tại Tp.HCM không có nguồn thu từ nghề của mình. “Lúc này, nói thật là môi giới tư vấn khan cổ nhưng người mua khá e dè. Dù rằng, rất nhiều trong số họ muốn mua nhưng vẫn có tâm lý chờ giá giảm thêm. Vì thế, môi giới gần như không bán được hàng”, anh Th tâm sự.

Không chuyển nghề như trường hợp của anh T, nhưng anh Th bị trống khá nhiều thời gian, trong khi thu nhập không có khiến cuộc sống “cơm áo gạo tiền” thêm áp lực. Chuyên về bán đất nền khu Đông Tp.HCM, mới đây môi giới này theo chân đàn anh hoạt động trong lĩnh vực cho thuê mặt bằng kinh doanh. Anh Th chia sẻ, dù chưa có giao dịch nhưng mảng này khả quan hơn bán đất nền, căn hộ vì nhu cầu tìm kiếm mặt bằng sau Tết đang tăng.

Đi bán phở, chạy xe ôm… môi giới bất động sản vẫn “ngóng” ngày được trở lại nghề - Ảnh 1.

Đăng kí chạy Grab được 3 tháng nay, một môi giới đất nền tại Tp.Thủ Đức, Tp.HCM (xin giấu tên) cũng chỉ xem đây là nghề tạm thời lúc thị trường nhà đất khó khăn. Môi giới này chia sẻ, do có 2 con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, một mình vợ gánh vác không nổi nên anh đăng kí chạy grab để phụ gia đình. Trước đây, lúc thị trường tốt, nguồn thu từ nghề môi giới của anh gần như khá ổn để gia đình sống thoải mái. Hiện tại, công việc của vợ cũng bị giảm thu nhập so với trước; nghề của anh gặp khó khăn nên phải tìm cách linh hoạt. “Tôi nghĩ, chắc khoảng hết nửa năm 2023 thị trường bất động sản sẽ ổn định lại. Thực ra, mình không bán được chứ một số anh em vẫn có giao dịch lẻ tẻ đất nền. Sau thời điểm rằm tháng giêng cũng xuất hiện nhà đầu tư đi xem đất đai”, môi giới này cho biết.

Ghi nhận cho thấy, từ giữa năm 2022, thị trường bất động sản đã xuất hiện làn sóng môi giới chuyển nghề, nghỉ việc. Sự chững lại của thị trường đã khiến nhiều môi giới không bám trụ được với nghề. Bên cạnh các nhân sự bị cắt giảm thì khá nhiều môi giới chủ động xin nghỉ để kiếm việc khác vì nhiều tháng không có thu nhập từ nghề.

Tuy nhiên, tìm hiểu được biết, phần lớn các nhân sự ngành môi giới nghỉ việc ở thời điểm này là những nhân sự trẻ, mới, chưa gắn bó lâu với nghề hoặc là những nhân sự không giỏi trong nghề. Khi thị trường có biến cố, họ không có tích lũy cả về tài chính và kinh nghiệm nên tự hoặc bị đào thải. Thị trường vẫn còn khá nhiều môi giới lâu năm, bán hàng giỏi trụ được với nghề ở giai đoạn khó khăn.

Từng chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường trầm lắng là giai đoạn thanh lọc nhân sự nghề môi giới bất động sản. Thời kỳ thị trường sôi động, đặc biệt là nóng sốt, đã chứng kiến sự bùng nổ nhân sự của nghề này. Mức hoa hồng khủng của mỗi giao dịch thành công khiến nghề môi giới bất động sản có sức hút riêng. Đặc biệt, khi thị trường nóng sốt, việc kiếm tiền có phần dễ dàng nên nhân sự của rất nhiều ngành nghề khác cũng tham gia làm môi giới. Sự bùng nổ nhân sự đi cùng với quy trình tuyển dụng số lượng lớn, mang tính ồ ạt, dễ dãi ở một số đơn vị bất động sản. Ứng viên không cần bằng cấp, không cần kinh nghiệm.

Theo số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 300.000 môi giới bất động sản đang hoạt động. Tuy nhiên, số lượng môi giới được cấp chứng chỉ hành nghề rất khiêm tốn, đạt khoảng 35.000 người. Đại bộ phận các nhà môi giới hiện chỉ được đào tạo ngắn hạn về chính sách bán hàng của dự án bất động sản, thiếu chuyên nghiệp và chưa mang tính dài lâu.

Do đó, ông Đính cho rằng không khó hiểu khi thị trường trầm lắng, khó khăn, nhân sự của ngành có biến động lớn là nghỉ việc, bỏ nghề. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để ngành môi giới bất động sản thanh lọc nhân sự, các đơn vị tuyển dụng có những kế hoạch dài hơi, bài bản hơn trong công tác tuyển dụng, đào tạo người.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm