Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Tasco: Đang đàm phán mua một công ty bảo hiểm phi nhân thọ, mục tiêu tham vọng vượt 2 tỷ USD doanh thu năm tới 2024

Chiều ngày 29/4, CTCP Tasco (Mã: HUT) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022 ở Hà Nội. Kết thúc đại hội toàn bộ tờ trình đều được thông qua.

 Toàn cảnh ĐHĐCĐ của Tasco. (Ảnh: HK)

Tham vọng doanh thu vượt 2 tỷ USD tới năm 2024

Theo tờ trình, doanh nghiệp cho biếtHĐQT của Tasco thông qua chương trình tái cấu trúc lớn nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của Tasco, với tầm nhìn xây dựng Tasco thành một tập đoàn đầu tư, phát triển dịch vụ và hạ tầng giao thông số 1 tại Việt Nam. 

Công ty thực hiện tăng vốn để sở hữu SVC Holdings, đầu tư vào Tasco Land và Công ty bảo hiểm của Tasco, nhằm hiện thực hóa mô hình chiến lược dài hạn “Foundation of Life” (Nền tảng cuộc sống), hệ sinh thái phục vụ chi tiêu đầu tư. 

 Mục tiêu tài chính của Tasco tới 2026. (Ảnh: HK).

Năm 2022, Tasco lên mục tiêu 11.400 tỷ đồng tổng doanh thu, 250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; gấp 13 lần về doanh thu và gấp gần 5,7 lần về lợi nhuận so với năm 2021.

Doanh nghiệp cho biết dự kiến thời điểm hoàn thành đầu tư vào SVC Holdings khoảng tháng 8/2022. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận năm 2022 dự kiến được hợp nhất số liệu 4 tháng cuối năm. 

Tới năm 2024, Tasco lên kế hoạch doanh thu có thể đạt mốc 48.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vượt mốc nghìn tỷ với 1.350 tỷ đồng. 

Mục tiêu tài chính tới 2026, doanh thu dự kiến đạt 84.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng CAGR về doanh thu là 30%, 5.700 tỷ EBITDA.

 

 Nguồn: H.K tổng hợp.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2021, công ty chốt không chia cổ tức do việc thu xếp nguồn vốn tín dụng trung dài hạn tại các ngân hàng đang khó khăn, đồng thời công nợ của công ty còn rất lớn, Tasco sẽ ưu tiên sử dụng tiền chohoạt động sản xuất kinh doanh. 

Ba trụ cột của Tasco

Ba lĩnh vực cốt lõi Tasco sẽ tập trung vào gồm phát triển mảng đầu tư cơ sở hạ tầng - dịch vụ ô tô, bất động sản và bảo hiểm.

 Ảnh: Tasco.

Với lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng - dịch vụ ô tô, Tasco cho biết sẽ thông qua việc phát hành tăng vốn hoán đổi cổ phần sẽ sở hữu 100% vốn của CTCP SVC Holdings. SVC Holdings đang là cổ đông lớn nhất, chiếm 53,68% cổ phần của CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) với hơn 11,2% thị phần xe ô tô mới với chuỗi phân phối trải dài từ Bắc vào Nam cùng nhiều bất động sản tại các vị trí đắc địa ở TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng,...

Ngoài mảng phân phối 10 hãng ô tô phổ thông (chiếm hơn 22% thị phần phân phối xe Toyota, 33% thị phần phân phối xe Ford) của Savico, SVC Holdings còn sở hữu các công ty phân phối ô tô Volvo.

Bên cạnh đó, SVC Holdings sở hữu CTCP Savico Hà Nội, chủ đầu tư của dự án Trung tâm Savico Megamall 4,6 ha tại số 7-9 Nguyễn Văn Linh, Long Biên, Hà Nội; Toyota Giải Phóng; Toyota Long Biên và một số showroom tại các tỉnh thành phía Bắc, và sở hữu CTCP Dana với các showroom phân phối tại khu vực miền Trung. 

Ở mảng bất động sản,Tasco đã thành lập Tasco Land, công ty chuyên đầu tư bất động sản và thực hiện liên danh liên kết, hợp tác đầu tư, mua bán sát nhập để phát triển các dự án.

Doanh nghiệp cho biết đang nghiên cứu triển khai một loạt các dự án ở Hà Nội như dự án 48 Trần Duy Hưng – Hà Nội với diện tích đất 2.800 m2, dự án Foresa Mỹ Đình 49 ha. Ngoài ra, công ty cũng đầu tư vào CTCP Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay (Mã: NVT) - sở hữu dự án Six Senses Ninh Van Bay, khu Biệt thự pháp cổ Ana Mandara Đà Lạt. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ kết hợp với Savico nghiên cứu triển khai, khai thác các dự án hiện có của Savico. 

Ở mảng bảo hiểm, Tasco có dự định sẽ đầu tư một công ty bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam. 

Công ty cho biết với lợi thế sở hữu chuỗi đại lý phân phối ô tô rộng khắp cả nước với 67 showrooms (gần 40.000 xe trong năm 2021), số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của Tasco/VETC ngày càng lớn ( hơn 1,4 triệu người sử dụng ô tô), do đó công ty bảo hiểm Tasco sẽ có ưu thế so với các công ty trong ngành trong việc tiếp cận, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ đối với ô tô, các sản phẩm bảo hiểm cá nhân, cũng như nhiều sản phẩm bảo hiểm khác. 

Chốt phát hành hơn 112 triệu cp giá 10.000 đồng/cp, nâng sở hữu SVC Holdings lên 100% năm nay

Tại đại hội, Tasco đã được ĐHĐCĐ thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 thông qua hai đợt phát hành cổ phiếu.

Doanh nghiệp dự kiến phát hành tối đa 116,21 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Tỷ lệ thực hiện quyền là 3:1. Cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng. 

Trong 1.162 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành, Tasco dự kiến dành 550 tỷ góp vốn vào Công ty TNHH Tasco Land trong quý III và góp vốn/đầu tư vào công ty bảo hiểm 612 tỷ trong quý II.

Bên cạnh đó, Tasco đề xuất phát hành 543,88 triệu cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ cổ phần cho cổ đông của SVC Holdings với tỷ lệ hoán đổi: 1:1.

Tức Tasco sẽ phát hành thêm cổ phần để hoán đổi toàn bộ cổ phần có tổng giá trị theo mệnh giá là gần 5.439 tỷ đồng cho các cổ đông của SVC Holdings, theo đó Tasco sẽ nắm 100% SVC Holdings. 

Tại thời điểm cuối năm 2021, giá trị sổ sách của Tasco là 11.011 đồng/cp, còn của SVC Holdings là 10.642 đồng/cp.

Sau khi hoán đổi, CTCP SVC Holdings sẽ được đăng ký chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thành Công ty TNHH một thành viên. 

Thời gian phát hành của hai phương án nói trên là trong năm 2022, ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận 

 Nguồn: Tasco.

Thảo luận: 

Kế hoạch tái cấu trúc mảng BOT ra sao?

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó Tổng Giám đốc: Tasco trong 2021 có một cuộc tái cấu trúc mạnh, nhiều lĩnh vực cần phải cắt bỏ. Không nhìn thấy hướng đi thì Tasco cần thoái vốn triệt để, tập trung nguồn lực vào ngành nghề khả thi hơn.

Ông chia sẻ lĩnh vực BOT là một lĩnh vực nóng của xã hội, đang ở tình trạng khó khăn. Cấu trúc của các khoản nợ của dự án BOT là luôn có dòng tiền, vấn đề của các khoản nợ này chỉ là thời gian.

Khó khăn của các dự án BOT nói chung chủ yếu do việc không tăng giá được các hợp đồng đã ký với cơ quan quản lý nhà nước. Đây là cơ sở quan trọng với ngân hàng, các tổ chức tín dụng khi cung cấp vốn. Do đó, các nhà tài trợ vốn và phía doanh nghiệp cần phải có sự sẻ chia, song hành.

Hiện Tasco đang quyết liệt trong quản lý chi phí, duy tu bảo dưỡng với chi phí thấp nhất có thể.

Mục tiêu ngắn hạn là hai bên sẽ chia sẻ khó khăn, xây dựng lại kế hoạch trả nợ, đưa ra mức lãi suất hợp lý để giảm thiểu chi phí. Song song doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ, xem xét thực hiện đúng các cam kết có trong hợp đồng.

Tiềm năng mảng thu phí không dừng?

Mảng thu phí không dừng là mảng kinh doanh trọng yếu của Tasco những năm tới. Từ năm nay trở đi, Chính phủ đẩy mạnh thu phí không dừng cho phép Tasco nhìn thấy kỳ vọng về sự tăng trưởng đột biến ở mảng này.

Năm 2022, doanh số mảng thu phí không dừng của Tasco dự kiến là 233 tỷ, tăng 80% so với 2021.

Lý do đầu tư vào Savico?

Ông Hồ Việt Hà, Chủ tịch HĐQT: Mảng phân phối ô tô là trụ cột lớn nhất của Tasco trong tương lai và sẽ kết hợp, hỗ trợ thêm về mảng bất động sản.

Savico hiện sở hữu hơn 11,2% thị phần xe ô tô mới với chuỗi phân phối trải dài từ Bắc vào Nam cùng nhiều bất động sản tại các vị trí đắc địa ở TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng,... 

Chiến lược phát triển mảng bảo hiểm, công ty dự kiến mua công ty nào?

Ông Hiếu Trần: Bảo hiểm là một trong ba trụ cột của Tasco. Theo thống kê từ WB tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm ở Việt Nam nhỏ hơn 3%, trong đó bảo hiểm nhân thọ thấp hơn 2%, phi nhân thọ ít hơn 1%. So với Thái Lan và Malaysia đã hơn 5% thì tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm ở Việt Nam rất thấp. Tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm của Singapore là 8%, Hồng Kông tới 20%.

Nếu xét về con số tuyệt đối, năm 2021, người Việt Nam chi ra dưới 100 USD một năm đóng bảo hiểm, ít hơn 1/5 so với Thái Lan, ít hơn 1/7 so với Malaysia và ít hơn 1/65 so với Singapore.

Do đó, cho thấy còn rất nhiều dư địa cho mảng bảo hiểm ở Việt Nam.

Và tại sao là bảo hiểm phi nhân thọ?

Ông Hiếu Trần cho biết tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của bảo hiểm phi nhân thọ nhiều năm gần đây (ngoài hai năm dịch bệnh) đều tăng trưởng ở mức hai con số, cụ thể là 15%. Bảo hiểm phi nhân thọ được dự báo tiếp tục tăng trưởng từ 13-15%/năm trong 5 năm tới. Do đó, mức phí thu bảo hiểm phi nhân thọ sẽ tăng gấp hai so với con số 58.000 tỷ của năm 2021. Trong đó bảo hiểm xe cơ giới và sức khoẻ chiếm trên 60%.

Tiềm năng tăng trưởng bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam được củng cố bởi một số yếu tố như tốc độ tăng trưởng kinh tế, lực lượng dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người tăng, tầng lớp trung lưu gia tăng và sự gia tăng nhận thức,... thì mảng bảo hiểm càng tiềm năng.

Dự báo mảng bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khoẻ sẽ tăng tới 25-30% hàng năm, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng bình quân trên thị trường.

Mảng bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến đóng vai trò quan trọng với Tasco khi mang lại nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng trong hệ sinh thái.

Ông cho biết thêm hiện trên thị trường có 32 công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang hoạt động.

Với gần 70 showroom ô tô, mục tiêu lên 100 năm nay. Savico có thể bán được trên 41.000 xe trong 2022, tăng trưởng bình quân 5 năm tới là 20%, đồng thời sẽ đưa thêm nhiều hãng xe sang về Việt Nam. Ông Hiếu cho rằng đây có lẽ là lợi thế cạnh tranh độc nhất vô nhị, không có công ty bảo hiểm nào có lợi thế như Tasco hiện nay.

Mảng bảo hiểm sẽ mang đến giá trị gia tăng cho khách hàng trong hệ sinh thái thông qua mô hình bán chéo sản phẩm. Số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của Tasco/VETC ngày càng lớn ( hơn 1,4 triệu người sử dụng ô tô), do đó công ty bảo hiểm Tasco sẽ có ưu thế so với các công ty trong ngành trong việc tiếp cận thông tin khách hàng. 

Mục tiêu mảng bảo hiểm của Tasco là trở thành lựa chọn số 1 của người dân. 

Về thông tin công ty bảo hiểm dự kiến mua lại, hiện công ty đang trong giai đoạn đàm phán nên chưa đủ điều kiện công bố thông tin.

Dự kiến con số doanh thu, lợi nhuận năm nay đến từ mảng nào?

Mảng ô tô và các dịch vụ liên quan tới ô tô chiếm tới 60-65% doanh thu, mảng BĐS và bảo hiểm khoảng 35-40%

Pháp lý dự án 49 ha Phương Xuân, kế hoạch triển khai tiếp theo?

Chủ tịch HĐQT: Dự án đã có chấp thuận 1:500, đã tiến hành giải phóng đền bù. Tuy nhiên do một số vấn đề vấn đề pháp lý. Sau khi giải quyết xong vướng mắc sẽ triển khai theo kế hoạch.

Công ty dự kiến giải quyết sự cố VETC ra sao? 

Ông Nguyễn Danh Hiếu, thành viên HĐQT: Với mỗi giao dịch thu phí không dừng sẽ có 4 bên về hệ thống: hệ thống hai nhà cung cấp, chất lượng thẻ. Sự cố có thể xảy ra nhiều bên. Dù đến hiện tại, lỗi sự cố VETC và thu phí không dừng nói chung nằm trong sự cho phép, tỷ lệ rất nhỏ. 

VETC có thể chủ động được một số công việc nội bộ như: đầu tư về con người (huy động nhân sự giỏi về công nghệ thông tin); phần cứng - hạ tầng (đầu tư trung tâm dữ liệu mới cho VETC, đã hoàn thành ngày 19/4); tái đầu tư (xây dựng trung tâm điều hành); xây dựng ba trung tâm bảo dưỡng, bảo trì tại 3 vùng miền để có thể đáp ứng nhanh xử lý các sự cố. Đây là hướng đi công ty đã làm và đang tiến hành nghiệm thu.

Để đảm bảo tính minh bạch của chất lượng dịch vụ, với bên ngoài, Tasco sẽ làm việc với nhà cung cấp dịch vụ để đưa ra KPI vận hành minh bạch, hiệu quả. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ cùng nhau phối hợp với Epass (Viettel) đưa ra quy trình phục vụ tốt hơn.

Mối quan hệ giữa DNP và HUT?

Ông Nguyễn Thế Minh: DNP không phải cổ đông của HUT. Có nhân sự từng làm việc ở DNP rồi chuyển sang Tasco là mang tính cá nhân. Cũng có thể họ có khoản đầu tư ở Tasco khi nhìn thấy cơ hội đầu tư ở đây.

Giảm pháp giảm khoản dư nợ cho vay trên 5.000 tỷ của công ty?

Ông Nguyễn Thế Minh: Khoản nợ chủ yếu liên quan tới các dự án BOT. Hiện Tasco đã có giải pháp.

Dự án BOT có đặc thù được nhà nước đảm bảo thu hồi cả vốn và lãi cho nhà đầu tư. Trong hợp đồng quy định được quyền tăng giá, kéo dài thời gian thu phí để doanh nghiệp thu hồi vốn đầu tư, là cơ sở pháp lý, nền tảng giúp công ty bù đắp.

Với khoản vay ngắn hạn, ngân hàng nhìn nhận thấy Tasco có các khoản đầu tư dự án BOT đã có bước chuyển mình và muốn đồng hành cùng.

Với khoản vay dài hạn, ngân hàng chia ra kỳ hạn đảo nợ gốc và lãi 3 năm một lần, do đó Tasco vẫn đảm bảo được kế hoạch trả nợ và kế hoạch kinh doanh.

Sau Volvo, Savico có kế hoạch mang thêm hãng xe sang nào về Việt Nam?

Ông Hồ Việt Hà, Chủ tịch HĐQT: Sau Volvo, Savico có ý định mang thêm một tới hai hãng xe sang về Việt Nam trong năm nay song chưa thể công bố thương hiệu.

Với tệp khách hàng lớn thông qua VETC, Tasco có ý định tích hợp thêm mảng ví điện tử không?

Ông Nguyễn Danh Hiếu, thành viên HĐQT:  Tasco đã xem xét và có ý định tham gia ví điện tử. Tuy nhiên, Tasco phải xem xét nhiều yếu tố khác nhau để đưa ra quyết định. VETC là một doanh nghiệp đặc thù, có pháp lý riêng, cần phải xin phép các cơ quan có thẩm quyền. 

Ban lãnh đạo nhận định sao về diễn biến cổ phiếu của công ty thời gian qua?

Ông Nguyễn Thế Minh: Sự biến động giá của HUT trong thời gian vừa qua là khách quan, trung thực, theo cung cầu thị trường.

Chi tiết về thông tin mua cổ phần của Ninh Vân Bay?

Chủ tịch HĐQT: Đây là chủ trương của Tasco và sẽ được tiến hành trong thời gian tới. Tasco thông qua Tasco Land sẽ mua cổ phần chi phối tại NVT, hợp nhất để vận hành

Cùng chuyên mục

Đọc thêm