Sáng 13/4, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 tại TP HCM với 92 người, đại diện cho hơn 2 tỷ cổ phần, chiếm 92,98% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Nhìn lại năm 2022, Ông Bùi Ngọc Dương, Tổng Giám đốc BSR chia sẻ công ty gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó thị trường dầu thô và sản phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp và khó tiên đoán, nhất là giai đoạn quý III và quý IV/2022 giá dầu rớt mạnh. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khiến các chi phí sản xuất kinh doanh của công ty bị đội lên,...
Dẫu vậy, BSR đã ghi nhận một năm kinh doanh với lợi nhuận đạt kỷ lục với lợi nhuận trước thuế hơn 15.586 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 19.000 tỷ đồng. Hao hụt dầu thô giảm kỷ lục, lần đầu đạt mức 0,16%. Đây cũng là năm đầu tiên công ty sản xuất thành công và xuất bán các sản phẩm quan trọng cho quốc phòng,...
Dự báo lợi nhuận giảm 89% năm 2023
Năm 2023, BSR đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất gần 95.645 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.628,4 tỷ, lần lượt giảm 43% và giảm 89% so với kết quả kiểm toán năm 2022 mới công bố. Công ty dự kiến nộp ngân sách nhà nước hơn 9.825 tỷ đồng. Kế hoạch này dựa trên dự báo giá dầu thô là 70 USD/thùng.
Năm 2023, BSR sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Thứ nhất, thuế nhập khẩu xăng giảm từ 8% xuống còn 5% mức thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp tăng từ 5% lên 10% dẫn đến lợi nhuận của BSR sẽ giảm.
Bên cạnh đó, lạm phát đang tăng sẽ kéo theo chi phí hoạt động của BSR trong năm 2023 đi lên. Song song đó, khi mua dầu thô trong nước, BSR phải tham gia chào mua cạnh tranh với các người mua khác nên có rủi ro không mua được lô dầu để thu xếp đủ nguồn dầu thô cho Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất.
Giá cơ sở và phụ phí (Premium) có thể gây tác động bất lợi đến hiệu quả kinh doanh của BSR trong năm 2023.
Ngoài ra, BSR còn chịu sự cạnh tranh với xăng dầu nhập khẩu từ các nước Việt Nam tham gia hiệp định thương mại tự do và xăng dầu được sản xuất từ NMLD Nghi Sơn (NSRP). Đặc biệt là sản phẩm PP dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với sản phẩm của các nhà máy trong nước như Hyosung Vina, NSRP, LSP,... và hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Hội đồng quản trị (HĐQT) trình cổ đông phương án chia cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 7% (700 đồng/cp). Với khoảng hơn 3,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính công ty sẽ chi khoảng 2.170 tỷ đồng để thanh toán cổ tức.
Đề xuất dùng gần 15.500 tỷ đồng vốn tự có để nâng cấp NMLD Dung Quất
BSR ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư trong năm 2023 này hơn 1.622 tỷ đồng, trong đó gần 955 tỷ đồng cho dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất, còn lại là dành cho các dự án khác và mua sắm trang thiết bị.
Theo kế hoạch, BSR sẽ thực hiện nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất với tổng mức đầu tư hơn 1,81 tỷ USD.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai, dự án gặp nhiều khó khăn nên người đại diện phần vốn của Petrovietnam tại BSR đang thực hiện các trình tự thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư với tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án là 1,2 tỷ USD, trong đó phương án thu xếp vốn cơ sở gồm 40% vốn chủ sở hữu và 60% từ nguồn vốn vay.
Phương án thu xếp vốn có thể phải thay đổi từ 40% vốn chủ sở hữu, 60% nguồn vốn vay thành 60% vốn chủ sở hữu, 40% nguồn vốn vay. Lúc đó, vốn chủ sở hữu cần thu xếp khoảng 15.485 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, nhu cầu vốn chủ sở hữu đầu tư cho các dự án khác và mua sắm tài sản cố định là 2.921 tỷ đồng.
Do đó, tổng nhu cầu vốn chủ sở hữu cho dự án nâng cấp nhà máy lọc dầu và các dự án khác giai đoạn 2021 - 2025 có thể lên đến 18.406 tỷ đồng.
Với nhu cầu vốn cho hoạt động đầu tư trong những năm tiếp theo như trên, dự án nâng cấp nhà máy lọc dầu là rất cấp thiết, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và đáp ứng nhu cầu thị trường, BSR nhận định.
Tại đại hội, ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch HĐQT cho biết việc bảo dưỡng nhà máy lọc dầu của BSR hiện tại là 3 năm/lần. Trong khi các nhà máy lớn trên thế giới được bảo dưỡng 4 - 5 năm/lần. Công ty đang đề xuất và báo cáo lên cổ đông lớn để cố gắng giãn thời gian 3,5 - 4 năm/lần. Do đó HĐQT trình cổ đông hoãn thời gian bảo dưỡng NMLD Dung Quất sang năm 2024.
Sẽ niêm yết trên HOSE trong năm nay
HĐQT trình cổ đông thông qua việc niêm yết toàn bộ cổ phiếu BSR lên HOSE. Đây là một mục tiêu quan trọng của BSR trong năm nay, bên cạnh việc nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất.
Hiện tại, cổ phiếu BSR đang được giao dịch trên UPCoM, với tỷ lệ cổ phần đăng ký giao dịch trên tổng cổ phần phát hành là 7,87%, tương đương 243.8 triệu cp. Toàn bộ cổ phần đã phát hành của BSR là hơn 3,1 tỷ cp, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) nắm 92,12%, tương đương hơn 2,85 tỷ cp.
Người của PV OIL gia nhập HĐQT của BSR
Tại đại hội, HĐQT trình cổ đông bầu thêm hai Thành viên HĐQT là ông Hà Đổng và ông Hạng Anh Minh (ứng cử Thành viên HĐQT độc lập), và một Thành viên Ban kiểm soát là ông Hoàng Ngọc Xuân.
Trong đó, ông Đổng và ông Xuân kết thúc nhiệm kỳ 2018 - 2022 nên được HĐQT trình bầu tiếp tục đảm nhiệm.
Còn ông Hạnh Anh Minh (sinh ngày 10/11/1975), trình độ Thạc sĩ quản lý dự án, hiện đang là Thành viên độc lập HĐQT Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL - Mã: OIL).
*Thảo luận:
Câu hỏi: Công ty chia sẻ về kết quả quý I/2023?
Đối với quý I/2023, tháng 1 chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết, 10 ngày công ty đã không nhập dầu thô và giảm công suất nhà máy khiến sản lượng quý I giảm xuống. Bên cạnh đó, giá dầu trong tháng 3 lại giảm sâu và xuống 70 USD/thùng.
Dù vậy, lợi nhuận quý I/2023 vẫn ở mức tốt. Sau đại hội công ty sẽ cập nhật đến quý cổ đông.
Ban lãnh đạo dự báo với việc giá dầu có xu hướng tăng, đồ thị kết quả kinh doanh quý II, III và quý IV tương tự như năm 2022.
Tuy nhiên, thuế nhập khẩu xăng giảm từ 8% xuống còn 5% mức thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp tăng từ 5% lên 10% sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của BSR.
Nếu không bảo dưỡng nhà máy trong năm nay, kết quả kinh doanh của BSR sẽ ra sao?
Ban lãnh đạo cho biết crack margin năm 2022 ở mức cao, và quý I/2203 vẫn ở neo ở vùng đó. Tuy nhiên hiện tại, crack margin còn 12 USD/thùng.
Ban lãnh đạo kỳ vọng kết quả sản lượng năm nay sẽ cố gắng bằng sản lượng 2022 khi không bảo dưỡng nhà máy. Công ty sẽ sớm cập nhật kế hoạch sản lượng lại báo cáo đến quý cổ đông.
Về kế hoạch bảo dưỡng tổng thể nhà máy, để tối ưu hoá, BSR đã phải làm việc với Bộ Công Thương, các ban ngành để có các công cụ kiểm soát rủi ro thì mới có thể giãn tiến độ.
Công ty cũng phải làm việc với các nhà bản quyền, sản xuất thiết bị, để đánh giá độ an toàn cũng như giãn thời gian bảo dưỡng chấp nhận được. Song song đó còn làm việc với các nhà bảo hiểm, để đánh giá rủi ro này an toàn và có cam kết từ bảo hiểm.
Với việc hoãn kế hoạch bảo dưỡng, và dựa trên giá dầu 70 USD/thùng, BSR dự kiến doanh thu sẽ tăng thêm 18.000 - 24.000 tỷ đồng, lợi nhuận tăng thêm 1.000 tỷ.
Kế hoạch niêm yết trên sàn HOSE? Việc trích lập dự phòng hàng tồn kho dựa trên điều gì?
Kế toán trưởng của BSR cho biết việc trích lập dự phòng hàng tồn kho dựa trên phương pháp tính bình quân gia quyền. Còn giá hàng tồn kho dựa trên giá trị thuần có thể thực hiện được.
Đối với kế hoạch niêm yết trên HOSE, hiện có 8/9 điều kiện đã được thỏa mãn. Điều kiện còn lại đang thực hiện và kỳ vọng sẽ được chấp thuận. Đầu quý III tới kỳ vọng cổ phiếu BSR sẽ được niêm yết trên HOSE.
Công ty chia sẻ thêm về kho dự trữ?
Tổng Giám đốc cho biết đây là lợi thế rất lớn đối với BSR khi có kho dự trữ bên cạnh nhà máy lọc dầu để giảm bớt các chi phí và rủi ro. Với lượng dầu thô dự trữ tại nhà máy, công ty đảm bảo được nguồn cung song song với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Với dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu, BSR có thể nâng cao chất lượng dầu, có thể mở rộng các loại dầu thô chế biến, mở rộng được các loại dầu với chi phí thấp hơn mà vẫn mang lại hiệu quả. Dự án dự kiến sẽ tạo lợi thế cho BSR trong thị trường hoá dầu xuất khẩu.
Đại diện PVN chia sẻ thêm, hiện Chính phủ đã chấp thuận quy hoạch tổng thể đối với khu kinh tế Dung Quất - Quảng Ngãi với trọng tâm là công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp hóa chất và công nghiệp nặng. Với việc đặt nhà máy tại khu kinh tế này, BSR kỳ vọng sẽ hưởng được các ưu đãi từ phía Chính phủ trong quá trình thực hiện nâng cấp nhà máy.