Sáng ngày 11/6, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Mã: DCM) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 theo hình thức trực tuyến.
Chia cổ tức 20% bằng tiền
Năm 2023, Đạm Cà Mau ghi nhận tổng doanh thu 13.172 tỷ đồng, giảm 19% so với thực hiện năm trước và hoàn thành 98% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế thu về 1.110 tỷ đồng, bằng 26% so với cùng kỳ nhưng vẫn vượt 21% kế hoạch năm.
Lãnh đạo công ty cho biết 2022 là năm đỉnh điểm trong kinh doanh với lợi nhuận hơn 4.300 tỷ đồng. Năm 2023 tiếp tục chứng kiến sản lượng tăng trưởng nhưng giá vốn cao nên khiến lợi nhuận thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.
Công ty đạt thành tích sản lượng 10 triệu tấn sau 10 năm đi vào vận hành nhà máy với doanh thu vượt 100.000 tỷ đồng, đóng góp lớn vào nền nông nghiệp Việt Nam.
Với kết quả đạt được, HĐQT trình mức chi trả cổ tức 20% cho năm 2023, tương đương với số tiền dự chi 1.059 tỷ đồng. Kế hoạch chia cổ tức cho năm 2024 dự kiến 10%.
Tổng giám đốc Văn Tiến Thanh cho biết tỷ lệ 20% được xem là hài hòa cho cổ đông và công ty. Đạm Cà Mau cần chi phí đầu tư lớn trong thời gian tới, nhu cầu vốn không chỉ trước mắt mà còn nhiều năm sau, trong khi cổ đông không chỉ kỷ vọng cổ tức mà triển vọng dài hạn.
Kế hoạch lãi giảm 43%
Năm 2024, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu thận trọng với doanh thu gần 11.878 tỷ đồng, giảm 6% so với thực hiện năm trước. Chỉ tiêu lãi sau thuế 795 tỷ đồng, giảm 43% so với kết quả năm 2023. Mục tiêu nộp ngân sách gần 228 tỷ đồng.
Kế hoạch này dựa trên kịch bản sản xuất 892.000 tấn sản lượng Urê quy đổi và 180.000 tấn NPK. Về tiêu thụ, công ty lên kế hoạch bán 748.500 tấn urê, đạm chức năng 110.000 tấn, NPK 180.000 tấn và phân bón tự doanh 248.000 tấn.
Ban lãnh đạo đánh giá nền kinh tế thế giới dự báo còn nhiều khó khăn khi các động lực tăng trưởng toàn cầu đều đã tới hạn. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam được dự báo khá lạc quan và doanh nghiệp cho rằng đây là thời điểm để tăng tốc, thực hiện các mục tiêu đề ra theo kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Chủ tịch HĐQT Trần Ngọc Nguyên cho biết các tháng đầu năm nay công ty vẫn tăng cường xuất khẩu sang một số thị trường như Australia; giá phân bón đi xuống nhưng vẫn giữ được tăng trưởng. Đạm Cà Mau sẽ đi trước đón đầu để bắt kịp xu hướng thị trường, tập trung đầu tư cho phát triển ESG, tập trung phát triển mảng phân bón NPK và đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, đầu tư kho để mạnh sản lượng, tăng công suất NPK thời gian tới...
Kết thúc quý đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu đi ngang so với cùng kỳ đạt hơn 2.700 tỷ đồng. Lãi sau thuế 349 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi cùng kỳ và đã thực hiện được 43% mục tiêu năm.
Về kế hoạch đầu tư, công ty tiếp tục thực hiện 7 dự án chuyển tiếp (trong đó có dự án M&A một Nhà máy sản xuất NPK) và triển khai 7 dự án mới; chuẩn bị tìm kiếm cơ hội đầu tư 11 dự án.
Nhà máy Hàn Việt đã có lãi
Giữa tháng 5, Đạm Cà Mau đã hoàn thành giao dịch mua 100% phần vốn góp tại công ty Phân bón Hàn - Việt (KVF) từ Tập đoàn Taekwang (Hàn Quốc). KVF hiện có vốn điều lệ gần 2.054 tỷ đồng, thuộc sở hữu hoàn toàn của Đạm Cà Mau.
Phân bón Hàn Việt khởi công nhà máy sản xuất phân NPK từ tháng 7/2016 tại TP HCM và đến tháng 12/2017 đưa vào vận hành với công suất thiết kế 360.000 tấn NPK/năm. Nhà máy này có tổng vốn đầu tư hơn 60 triệu USD.
Trong khi Đạm Cà Mau đang sở hữu nhà máy NPK với công suất 300.000 tấn/năm và nhà máy Đạm Cà Mau có khả năng sản xuất Ure hạt đục duy nhất trong nước với công suất 800.000 tấn/năm.
CEO Văn Tiến Thanh cho biết kể từ khi nhà máy Hàn Việt đi vòa hoạt động 2016 đến nay liên tục thua lỗ. Tuy nhiên, kể từ khi tái cấu trúc trong tháng 5 và đưa vào hệ sinh thái của Đạm Cà Mau, nhà máy này đã "bắt đầu có lãi".
Về công suất, lãnh đạo doanh nghiệp nói các nhà máy có thể chạy tối đa công suất, tuy nhiên con số sản lượng cụ thể sẽ phụ thuộc vào các điều kiện phân phối ra thị trường, dự kiến nhà máy Hàn Việt sẽ sản xuất 100.000 tấn/năm.
"Đối với NPK không phải năng lực sản xuất mà là năng lực phân phối", ông Thanh nhấn mạnh và cho biết thêm công nghệ các nhà máy không có quá nhiều khác biệt.
Năm nay Đạm Cà Mau đặt kế hoạch 180.000 tấn NPK nhưng ban quản trị đưa ra kế hoạch 190.000 tấn, sản lượng sẽ phụ thuộc khả năng hấp thụ của thị trường. Công ty có chính sách bán hàng hiệu quả nên tự tin gia tăng sản lượng.
Với nhà máy NPK Bình Định, phía Đạm Cà Mau nói việc đầu tư chia làm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, công ty chỉ tận dụng đầu tư kho chứa để phân phối hàng ở miền Trung, dự kiến đến tháng 8 có thể đưa kho vào sử dụng với sức chứa 30.000-40.000 tấn phân bón các loại tùy theo sắp xếp.
Kỳ vọng áp thuế VAT từ 2025
Về vấn đề áp thuế VAT đối với phân bón, CEO Văn Tiến Thanh cho biết các đơn vị trong ngành vẫn liên tục đề nghị áp dụng trong nhiều năm. Hiện Bộ Tài chính đang thông qua Hiệp hội phân bón để thống kê thông tin, báo cáo.
Lãnh đạo công ty kỳ vọng Quốc hội có thể thông qua và áp dụng thuế VAT từ 2025. Nếu được áp thuế VAT 5% thì có thể tiết giảm chi phí khoảng 250 tỷ đồng cho năm 2024, tuy nhiên ông Thanh nhấn mạnh việc áp dụng từ 2025 sẽ khả thi hơn.
Với xuất khẩu, ông Thanh cho biết việc xuất khẩu vẫn đang được đẩy mạnh, nhất là thị trường Australia. Đây là thị trường mới với tiêu chuẩn rất cao, công ty đánh giá đây là cơ hội lớn chứ không phải nhỏ và cố gắng xâm nhập thị trường này với sản lượng phù hợp.
Đối với nguồn khí đầu vào, phía Đạm Cà Mau khẳng định sẵn sàng bước vào cuộc chơi cạnh tranh. Nguồn khí công ty đến từ nguồn PM3 của PVN và nguồn bổ sung cũng từ PM3 của Petronas. Giá khí bình quân từ đầu năm khoảng 10,01 USD.
Về triển vọng giá khí đầu vào, ông Thanh chia sẻ khó dự báo do bị phụ thuộc vào giá dầu, mà giá dầu lại chịu ảnh hưởng bởi các hoạt động địa chính trị.
Đối với khấu hao, nhà máy đã khấu hao hết và công ty vẫn thường xuyên duy tu bảo dưỡng hàng nă. Nhà máy Đạm Cà Mau lấy khí từ PM3 nên phải dừng bảo dưỡng theo nguồn khí. Chi phí duy tu bảo dưỡng đã tính vào chi phí giá thành.
Về tài chính, Tổng giám đốc nhấn mạnh công ty có sự tích lũy dòng tiền khá tốt nên vẫn chủ động dòng tiền phục vụ sản xuất kinh doan như đầu tư cho các dự án nâng cấp hạ tầng và logistic, R&D và quản trị. Công ty cân nhắc tỷ lệ vốn chủ sở hữu và vốn vay để hiệu quả nên chưa có nhu cầu tăng vốn điều lệ.
Trả lời câu hỏi về việc thoái vốn nhà nước, ông Thanh cho biết đến 2025 vẫn không thay đổi tỷ lệ sở hữu nhà nước ở mức hơn 75%.
Đại hội kết thúc với tất cả các tờ trình được thông qua.