Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ BAF: Tập trung dòng tiền để đầu tư mở rộng, chỉ tính đến chia cổ tức tiền mặt từ 2027

Tóm tắt:
  • BAF sẽ giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2024 để mở rộng đầu tư.
  • Dự kiến chia cổ tức tiền mặt bắt đầu từ năm 2027.
  • BAF mở rộng tổng đàn lên hơn 450.000 con heo, tăng 40,6% so với năm 2023.
  • Doanh thu dự kiến năm 2024 đạt 5.602 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 774 tỷ đồng.
  • Công ty sẽ hoàn toàn tập trung vào chăn nuôi, với sản lượng dự kiến 900.000 con heo vào năm 2025.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 của CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (Mã: BAF), bà Bùi Hương Giang, Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc cho biết năm 2024, dù nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, ngành chăn nuôi tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức như ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) và dịch tả heo châu Phi lan rộng ở khu vực nông hộ.

Tuy nhiên, sản lượng thịt heo cả nước vẫn đạt 5 triệu tấn, tăng 3,7%. Giá heo hơi tăng mạnh từ 50.000 đồng/kg lên gần 70.000 đồng/kg cuối năm, giúp cải thiện biên lợi nhuận trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi giảm.

Tận dụng xu hướng phục hồi và nhu cầu gia tăng, BAF Việt Nam mở rộng tổng đàn lên hơn 450.000 con, tăng 40,6% so với năm 2023. Công ty đồng thời đẩy mạnh thuê, mua lại các trang trại có sẵn hoặc đang hoàn tất pháp lý để mở rộng mạng lưới chăn nuôi.

 Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của BAF ngày 23/4. (Ảnh: X.N).

Do trong thời gian tới công ty vẫn cần huy động thêm vốn đề xây dựng trang trại và mở rộng quy mô hoạt động, HĐQT đề xuất không thực hiện phân phối lợi nhuận năm 2024 để tiếp tục giữ lại bổ sung nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Lợi nhuận giữ lại đến cuối 2024 đạt 408 tỷ đồng.

Năm 2025, nhằm nâng cao năng lực sản xuất và tăng cường khả năng cạnh tranh, công ty đang đẩy mạnh mở rộng quỹ đất chăn nuôi trên phạm vi toàn quốc, từ Bắc vào Nam.

Theo ban điều hành, đây là một bước đi chiến lược, không chỉ giúp duy trì sự ổn định và mở rộng quy mô sản xuất, mà còn tối ưu hóa hiệu suất hoạt động, từng bước khẳng định vị thế trên thị trường thịt heo giàu tiềm năng. BAF cũng chủ động phân tích và nắm bắt thông tin thị trường để xây dựng chiến lược kinh doanh linh hoạt và phù hợp với từng giai đoạn.

Trong lĩnh vực FOOD, BAF đang nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chế biến nhằm tận dụng tối đa các phụ phẩm từ quá trình chăn nuôi, đồng thời mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm thịt heo chất lượng với mức giá hợp lý và cạnh tranh.

Về chỉ tiêu tài chính, công ty dự kiến doanh thu thuần năm nay đạt 5.602 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 774 tỷ đồng. So với thực hiện 2024, doanh thu đi ngang nhưng lợi nhuận tăng 91%.

Cũng theo bà Giang, trong quý I, BAF đạt doanh thu thuần hơn 1.100 tỷ đồng, sản lượng bán đạt khoảng 160.000 con heo, lợi nhuận trước thuế đạt 140 tỷ đồng.

 Đại hội thảo luận. (Ảnh: X.N).

Thảo luận:

-Kế hoạch mở rộng trang trại thời gian tới?

Tổng Giám đốc Bùi Hương Giang: Tổng số trang trại đang vận hành là 40, chưa bao gồm những trang trại gia công khác. Công ty đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt sản lượng bán ra 10 triệu con, do đó không tập trung vào số lượng trang trại mà hướng đến hiệu quả sản xuất.

Hiện công ty đang làm thủ tục xin chủ trương xây dựng trang trại theo mô hình nhà tầng tại Tây Ninh. Một dự án nhà tầng có thể mang lại sản lượng khoảng 1,6 triệu heo thịt/năm, tương đương nhiều dự án nhỏ lẻ cộng lại. Trong khi đó, các dự án nhỏ thường khiến tiến độ chậm lại do vướng mắc về thủ tục, pháp lý, có thể mất đến 2 năm.

-Cơ hội nào từ việc hợp tác với Muyuan (Trung Quốc)?

Tổng Giám đốc Bùi Hương Giang: Việc hợp tác mang đến đến lợi ích theo hai hình thức. Thứ nhất là Muyuan hỗ trợ về công nghệ kiểm soát dịch bệnh, xử lý chất thải bảo vệ môi trường, nguồn nhân lực… Thứ hai là Muyuan đang trong thương thoả vay vốn trong một số dự án của BAF, hai bên cùng phân chia, vận hành.

-Nhận định xu hướng ngành chăn nuôi và sức cạnh tranh của BAF trong tương lai khi công ty nâng quy mô?

Chủ tịch HĐQT Trương Sỹ Bá: Bối cảnh hiện nay, ngành chăn nuôi trong nước gặp vấn đề phức tạp, lớn nhất là dịch ASF. Nguồn cung heo thị trường giảm đáng kể. Giá heo hơi tăng do cung không đủ cầu. Chăn nuôi nhỏ lẻ của hộ nông dân bị thu hẹp trong bối cảnh dịch bệnh, luật mới gặp thách thức, không hiệu quả. Trước dịch, tỷ lệ của nông hộ chiếm 70%.

Với tổng đàn Việt Nam ở mức 50 triệu con và tăng trưởng 3-5%/năm, mục tiêu của BAF là đạt 10 triệu con, tức là chiếm phần giảm xuống của hộ nhỏ lẻ - dự kiến từ 70% về 30%.

Để làm được, BAF sẽ tập trung tổng lực mở rộng quy mô, tăng năng suất. Song song đó vẫn phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, quản trị vấn đề ô nhiễm môi trường. Công ty nào có tỷ lệ heo nhiễm bệnh thấp hơn sẽ chiến thắng.

Cạnh tranh với công ty lớn thì chưa có, nếu cạnh tranh thì giá thị trường đã giảm.

Giá thành sản xuất heo hơi hiện quanh 45.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán bình quân 2024 khoảng 63.000-64.000 đồng/kg. Một heo đem về lợi nhuận vào khoảng 1,5 triệu đồng – là mức rất tốt. Dự báo biên lợi nhuận năm 2025 vẫn tốt.

-Cơ sở nào cho kế hoạch kinh doanh công ty đưa ra? Chia sẻ về tình hình kinh doanh quý I?

Tổng Giám đốc Bùi Hương Giang: Trong cơ cấu doanh thu năm 2024, mảng chăn nuôi chỉ chiếm khoảng 60%, còn lại 40% đến từ mảng nông sản.

Tuy nhiên, trong năm 2025, công ty sẽ tập trung hoàn toàn vào mảng cốt lõi là chăn nuôi 100%, với tổng sản lượng dự kiến đạt 900.000 con heo. Sự thay đổi trong cơ cấu doanh thu là cơ sở để BAF kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm nay.

Trong quý I, BAF ước đạt doanh thu hơn 1.100 tỷ đồng, sản lượng bán đạt khoảng 160.000 con heo, lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 140 tỷ đồng. Công ty đã thực hiện 110% so với kế hoạch đề ra quý I.

 

-Việt Nam hiện có một số doanh nghiệp cung cấp loại vắc xin dịch tả heo Châu Phi. BAF có sử dụng vắc xin của doanh nghiệp nào không? Nếu không dùng vắc xin thì BAF có phương án nào tối ưu nhất trong việc bảo vệ đàn lợn?

Tổng Giám đốc Bùi Hương Giang: Nhiều doanh nghiệp khác vẫn chưa sử dụng. Cần thời gian để chứng minh thức tế kết quả. Một số trường hợp đã dùng nhưng chưa đạt. Độ bảo hộ của vaccine chưa đảm bảo.

Nhìn vào Muyuan, họ cũng không dùng vắc xin. Biện pháp vẫn là phòng vệ. Tỷ lệ đảm bảo của Muyuan lên đến hơn 90%. Việc hợp tác cũng đang giúp BAF nhận chuyển giao công nghệ bảo vệ đàn heo.

-Chiến lược M&A các công ty con cho thấy điều gì?

Tổng Giám đốc Bùi Hương Giang: Mục đích là để BAF có quỹ đất hoặc chuyển đổi, để nhanh chóng thả heo được.

-Vì sao BAF tiếp tục giữ lại lợi nhuận 2024, không chia cổ tức, dù lợi nhuận sau thuế 2024 cao hơn hẳn 2023? Khi nào công ty chia lợi nhuận để giữ chân cổ đông?

Chủ tịch HĐQT Trương Sỹ Bá: Thành thực xin lỗi vì chưa thể chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông. BAF đang trong giai đoạn đầu tư rất lớn, cần dòng tiền để đạt mục tiêu 10 triệu con heo đến 2030. Thời gian qua, tuy không chi cổ tức bằng tiền nhưng công ty cũng đã chia cổ tức bằng cổ phiếu. Thị giá thời gian qua tăng khá tốt, thanh khoản cũng cao.

Việc không chia cổ tức cũng nằm trong cam kết với nhà đầu tư quốc tế, cổ đông chiến lược là không chia cổ tức đến hết 2026. Theo đó, BAF dành nguồn lực để đầu tư. Theo HĐQT, điều này tốt. HĐQT và cổ đông chiến lược cam kết đồng hành với công ty, giúp tăng niềm tin nắm giữ cho cổ đông nói chung.

Kỳ vọng từ 2027, khi quy mô đàn lớn lên, dòng tiền tốt, thì công ty sẽ bắt đầu chia cổ tức tiền mặt.

-Chính sách thuế của Mỹ có ảnh hưởng gì đến nông sản nhập khẩu vào Việt Nam?

Chủ tịch HĐQT Trương Sỹ Bá: Dù áp thuế thì cũng không ảnh hưởng gì. Thức ăn chăn nuôi BAF nhập khẩu chủ yếu từ khu vực Nam Mỹ, Biển Đen. Nếu áp thuế mạnh thì Trung Quốc – nước nhập khẩu mạnh các mặt hàng này – sẽ không nhập hàng Mỹ. Từ đó, giá nông sản Mỹ sẽ giảm giá sâu, mà thức ăn chăn nuôi giảm làm hưởng lợi đến ngành chăn nuôi.

Ở Việt Nam, thói quen tiêu thụ vẫn là thịt nóng (tức thịt tươi), đa số người dân ít ăn thịt lạnh. Do đó, phân khúc này không ảnh hưởng đáng kể với BAF.

-Liên quan vấn đề ESG, kế hoạch của BAF đầu tư như thế nào? Liệu có làm ảnh hưởng giá và sức cạnh tranh?

Tổng Giám đốc Bùi Hương Giang: Yếu tố ESG nói thì dễ. Hiện Việt Nam đã tham gia rất nhiều cam kết, hướng đến net-zero. BAF cũng tham gia chuyển đổi xanh và bền vững, đây là xu thế tất yếu. Nói không thì không đủ, mà phải đầu tư. Thế hệ sau này, như Gen Z, cũng quan tâm sản phẩm có được sản xuất xanh, sạch hay không.

Tại BAF, một số trang trại đã có đầu tư điện áp mái mặt trời.

-BAF có mô hình phát triển mặt trời áp mái, bio-gas. Liệu BAF có chia sẻ phương pháp ra ngoài hay bán điện dư thừa lên hệ thống không?

Chủ tịch HĐQT Trương Sỹ Bá: Các năm tiếp theo, các trang trại mới đều lắp năng lượng mặt trời, giúp giảm giá thành sản phẩm. Điểm yếu là chỉ sử dụng được vào ban ngày. BAF đang nghiên cứu sử dụng pin để khắc phục. Điện này chỉ tự sử dụng cho công ty, không bán cho EVN, nên chỉ đầu tư vừa đủ.

Tổng Giám đốc Bùi Hương Giang: Năm qua công ty cũng đã lắp một số máy bio-gas, sản lượng chỉ đủ dùng, không bán trên lưới điện. Ngoài việc khai thác điện, đây cũng là một điểm cộng để BAF giao dịch trên thị trường tín chỉ carbon. Điều này cũng giúp BAF tiếp cận các nguồn vay tốt hơn.

-Sản phẩm sạch, hữu cơ đang còn ít trên thị trường. Công ty có định hướng phát triển thêm, đa dạng hơn như gà, vịt không?

Chủ tịch HĐQT Trương Sỹ Bá: Sản phẩm hữu cơ đề cập đến rau củ. Với thịt heo thì gọi là sản phẩm không dùng kháng sinh – đây là sản phẩm cao cấp nhất, giá cao gấp hai so với bình thường, tuy nhiên để sản xuất rất khó. Tham quan một trang trại trên thế giới, tỷ lệ đạt được chưa đến 10%. Với lĩnh vực gà, vịt, HĐQT nhận thấy hiện chưa hiệu quả để thực hiện.

-Công ty có định hướng phát triển dài hạn đối với sản phẩm chế biến như xúc xích? Công suất giết mổ của công ty là bao nhiêu?

Chủ tịch HĐQT Trương Sỹ Bá: Bên cạnh mục tiêu 10 triệu heo đến 2030, công ty cũng định hướng xây dựng 5 trung tâm chế biến – giết mổ với công suất mỗi năm khoảng 1 triệu tấn. Cùng với đó là chế biến sâu, như giò chả, xúc xích… Cơ sở đầu tiên dự kiến xây dựng vào tháng 6 tới, gần 1 năm sau sẽ có nhà máy.

-Chia sẻ về điểm hoà vốn của 1 con heo hơi, chiến lược tối ưu hoá chi phí khi mở rộng quy mô ra sao?

Chủ tịch HĐQT Trương Sỹ Bá: Theo tính toán, trong mục tiêu 10 triệu con heo đến năm 2030, BAF chỉ vay để đầu tư mở rộng đến hết 2026. Và từ năm 2027 sẽ chỉ dùng vốn từ nguồn lợi nhuận để tái đầu tư, song song trả dần các khoản vay. Với tiến độ này, kỳ vọng đến năm 2030 sẽ trả dần được tổng nợ vay 30.000 tỷ đồng.

Còn về tối ưu hoá chi phí, thì BAF xác định cần thiết phải tăng được năng suất. Do đó, BAF hiện tập trung cải tạo an toàn sinh học cho chuồng trại.

-Công ty có phương án định vị thương hiệu trong tương lai, để ví dụ khi nói đến thịt heo người dùng sẽ nhắc đến BAF?

Đại hội bỏ phiếu. (Ảnh: X.N).

 

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (24/4), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh sau khi lập đỉnh. Theo đó, vàng miếng SJC về mốc 119,5 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn về 118 triệu đồng/lượng.

Công an cảnh báo 1 thủ đoạn lừa đảo mới, chưa từng xuất hiện: Đối tượng nhắm đến là học sinh sinh viên, phụ huynh cũng phải tuyệt đối cảnh giác

Sau khi nhận được nhiều cuộc gọi mạo danh là công an và là người của tổ chức giáo dục liên tục gọi điện đe dọa, uy hiếp với nội dung là số tài khoản ngân hàng có dấu hiệu rửa tiền, nữ sinh đã xin bố mẹ 10 triệu đồng và chuyển cho bọn lừa đảo.

Lý do chọn tên Ninh Bình sau khi hợp nhất 3 tỉnh

Ông Trương Quốc Huy - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam - cho biết việc sáp nhập 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình lấy tên tỉnh Ninh Bình bởi đây là điểm nổi tiếng có giá trị thương hiệu quốc tế, mang ý nghĩa vùng đất bình yên, thanh bình.

Festival Phở 2025: Một sự kiện Văn hóa đầy ấn tượng

Không chỉ là một lễ hội ẩm thực, Festival Phở 2025 vừa qua là một hành trình tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, lan tỏa tinh thần Việt Nam tới cộng đồng quốc tế. Với sự tham gia của hàng ngàn du khách trong và ngoài nước, lễ hội đã khẳng định vị thế của phở - món ăn quốc hồn quốc túy - trên bản đồ ẩm thực toàn cầu, đồng thời khắc họa rõ nét câu chuyện về con người, lịch sử và bản sắc Việt Nam.

Trang sức kim cương: Hãnh diện thành công - vinh danh vị thế

Xu hướng sở hữu trang sức kim cương ngày càng được ưa chuộng không chỉ trong giới thượng lưu mà còn thu hút sự quan tâm của giới trẻ hiện đại. Trong tháng 4 này, Bảo Tín Minh Châu gửi đến quý khách hàng các bộ sưu tập trang sức Kim cương cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn, đa dạng mức giá phù hợp với mọi khách hàng.