Khi nào sẽ xem xét thông qua giảm 4 loại thuế với xăng dầu?
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, đơn vị này đã hoàn thiện hồ sơ dự án Nghị quyết về mức thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Đồng thời, Bộ cũng đã nghiên cứu, xây dựng và đề xuất Chính phủ giảm 3 loại thuế khác là: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và thuế giá trị gia tăng để nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu tăng phi mã.
Tuy nhiên, hiện mới chỉ có thuế BVMT là đã có thời điểm dự kiến áp dụng, những loại thuế khác mới chỉ là đề xuất. Vậy sớm nhất là khi nào mặt hàng xăng dầu mới có thể "hưởng" đầy đủ việc giảm các loại thuế trên.
Hiện tại, Bộ Tài chính cho biết sẽ trình Chính phủ ngay trong ngày 30/6/2022 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Phiên họp tháng 7/2022. Nếu đề xuất này được thông qua, thuế BVMT sẽ được giảm từ ngày 1/8/2022.
Cụ thể, mặt hàng xăng sẽ được giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít.
Dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. Mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg. Dầu hỏa giữ nguyên mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
Đối với thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính cho biết, hiện đang khẩn trương tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương về dự án Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi để trình Chính phủ (trong tháng 8/2022).
Trên cơ sở ý kiến tham gia, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức thuế suất MFN đối với xăng từ 20% xuống mức phù hợp còn mặt hàng dầu giữ nguyên mức thuế suất MFN là 7% do đã đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế.
Như vậy, sớm nhất cũng phải từ thời điểm Chính phủ phê duyệt Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi thì thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng mới có thể được giảm, dự kiến phải từ tháng 9/2022.
Với 2 loại thuế còn lại là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm 2 loại thuế này nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, theo quy định, sau khi Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ phải trình lên Quốc hội phương án giảm thuế với mặt hàng xăng dầu để Quốc hội quyết định, sớm nhất là kỳ họp Quốc hội gần nhất vào cuối năm 2022 do kỳ họp vào tháng 6 vừa kết thúc.
Như vậy, còn thời gian khá dài và lộ trình cụ thể để giảm triệt để các loại thuế đang áp dụng mới mặt hàng xăng dầu chứ không phải là giá xăng sẽ được giảm ngay lập tức. Theo các chuyên gia, động thái của Bộ Tài chính là rất tích cực dù thời gian chờ đợi có thể sẽ còn khá lâu.
Có thể triệu tập kỳ họp Quốc hội bất thường
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Quốc hội có thể chủ động triệu tập kỳ họp bất thường để chỉ quyết vấn đề này theo như kỳ họp bất thường lần thứ nhất hồi tháng 1/2022.
Hiến pháp đã cho Quốc hội “quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước” và “quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế...”. Báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của kỳ họp Quốc hội vừa qua đều nhận định tình hình còn diễn biến phức tạp, giá xăng dầu có thể tăng cao là một trong những vấn đề lớn, quan trọng, ảnh hưởng đến kinh tế, TS. Cung nhìn nhận.
Nếu để đến kỳ họp Quốc hội tiếp theo mới quyết định thì sẽ bỏ lỡ thời điểm quan trọng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cũng như làm giảm tác động tiêu cực của lạm phát đối với nền kinh tế.
Đồng thời, ông Cung cũng đề xuất, phương án tốt nhất là Quốc hội quyết theo hướng giao cho Chính phủ điều hành chính sách, công cụ thuế đối với xăng dầu như tinh thần của Nghị quyết 30/2021 ở kỳ họp thứ nhất. Với nghị quyết đó, Quốc hội thậm chí còn trao cho Chính phủ cả những thẩm quyền mà luật chưa quy định để chống dịch và phục hồi kinh tế.