Sở QH-KT TP.HCM vừa có báo cáo sơ kết việc thực hiện giữa nhiệm kỳ của các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI. Trong đó có Đề án phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP giai đoạn 2020-2045. Theo đó, sở này đề xuất bảy vị trí chiến lược, tiềm năng để điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000 phục vụ chiến lược phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn.
Các địa điểm tiềm năng dọc sông Sài Gòn
Theo Sở QH-KT, chiến lược phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn là tầm nhìn về khai thác hiệu quả giá trị sinh thái sông nước tự nhiên, tạo hành lang cảnh quan đô thị dọc hai bên bờ sông. Đồng thời gắn với hạ tầng xanh đa chức năng và phát huy các loại hình kinh tế dịch vụ bền vững sinh thái mang đậm nét đặc trưng đô thị.
Sở QH-KT đã đề xuất bảy vị trí tiềm năng dọc theo sông Sài Gòn để TP có thể phát triển kinh tế ven sông. Ảnh: KIÊN CƯỜNG
Dựa theo tầm nhìn này, Sở QH-KT đã đề xuất bảy vị trí tiềm năng dọc theo sông Sài Gòn để TP có thể phát triển kinh tế ven sông.
Đầu tiên là khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và dân cư nhà vườn liên xã Nhuận Đức, Phú Hòa Đông (phân khu 5) và một phần xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi (diện tích 957 ha). Hiện trạng chủ yếu là đất trống, Sở QH-KT đề xuất điều chỉnh thành khu đô thị sinh thái thấp tầng, bền vững, chức năng là đơn vị ở.
Tiếp đến là khu làng nghề hoa, cây kiểng, cá cảnh liên xã Trung An - Phú Hòa Đông kết hợp với khu nông nghiệp sinh thái và dân cư nhà vườn liên xã Trung An - Hòa Phú, huyện Củ Chi (1.000 ha). Hiện trạng chủ yếu là đất nhà vườn và một số công trình công cộng. Theo đề xuất của Sở QH-KT, đây là khu đô thị xanh, làng nghề truyền thống và công viên sinh thái tập trung với chức năng là đô thị loại 3.
Thứ ba là khu dân cư phía bắc phường Thạnh Lộc, quận 12 (96 ha), chủ yếu là đất hiện hữu, khu vực cảnh quan ven sông chưa được đầu tư xây dựng. Sở QH-KT đề xuất điều chỉnh thành khu dân cư đô thị với chức năng là đơn vị ở đô thị.
Khoảng 30 ha đất khu vực từ phường 25, quận Bình Thạnh đến Công viên Bến Bạch Đằng, quận 1 là vị trí thứ tư được xem xét. Theo Sở QH-KT, đây là khu vực ven sông quan trọng trung tâm TP nên việc thay đổi chức năng sử dụng đất là rất khó khăn.
Bên cạnh đó, cảnh quan khu vực ven sông này được Sở QH-KT đánh giá là rất có giá trị. Đó cũng là lý do sở này đề xuất tôn tạo, chỉnh trang tạo môi trường xanh, sạch cho TP, tăng cường mảng xanh, tạo khu vực nghỉ ngơi, vui chơi cho người dân TP.
Thứ năm là khu vực cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, quận 4, kéo dài từ cảng Nhà Rồng đến chân cầu Tân Thuận (86 ha). Hiện trạng là đất cảng và công ty dịch vụ cảng được đề xuất tận dụng công viên dưới chân cầu Thủ Thiêm 3 để bố trí bến giao thông thủy ra bến Bạch Đằng và khu Thủ Thiêm.
Thứ sáu là cảng Tân Thuận, quận 7 (75 ha). Hiện trạng chủ yếu là đất cảng, kho bãi, bãi đậu xe và một phần dân cư hiện hữu, đề xuất thành khu giáo dục và đào tạo chất lượng cao và dịch vụ xanh.
Cuối cùng là khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi A, B, TP Thủ Đức (45 ha). Hiện nay, tính chất khu này là khu công viên dọc hành lang cách ly ven sông được đề xuất điều chỉnh công viên chủ đề tập trung phục vụ du lịch, giải trí, sinh hoạt, văn hóa.
UBND các quận, huyện đã có báo cáo rà soát và đề xuất liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch và phát triển kinh tế dọc sông Sài Gòn.
Sẽ tiếp tục đánh giá việc điều chỉnh quy hoạch
Theo Sở QH-KT, hiện nay UBND các quận, huyện đã có báo cáo rà soát và đề xuất liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch và phát triển kinh tế dọc sông Sài Gòn. “Các quận, huyện cần tiếp tục triển khai công tác đánh giá tính khả thi phục vụ điều chỉnh quy hoạch đối với các khu vực có tiềm năng trên, tham mưu UBND TP xem xét chấp thuận chủ trương điều chỉnh tại một số vị trí cụ thể” - Sở QH-KT cho biết.
Sở QH-KT cũng cho rằng quỹ đất dọc sông cần tiến hành hoàn thiện ngay xây dựng kè tạm, kè kiên cố, hạ tầng xanh. Trong đó ưu tiên triển khai các dự án đầu tư công trình công cộng, thương mại, dịch vụ, công viên cây xanh, khuyến khích nhà đầu tư đóng góp thông qua phát triển hạ tầng.
Giao thông cũng cần định hướng kết nối hệ thống giao thông thủy - bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế dịch vụ trong TP. Các tuyến xe buýt, xe điện, buýt đường sông sẽ được nghiên cứu theo hướng tích hợp hệ thống đầu mối hạ tầng, đáp ứng phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng.
“Quỹ đất thuộc hành lang bờ sông (30 m tính từ mép bờ cao đối với đoạn 1 sông Sài Gòn và 50 m tính từ mép bờ cao đối với đoạn 2 và 3 sông Sài Gòn) cần có phương án tổ chức không gian và sử dụng đất linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng khu vực nhằm khai thác cảnh quan, bảo vệ môi trường dọc sông Sài Gòn, tăng tính khả thi của quy hoạch” - Sở QH-KT nêu.
Ngoài ra, các hệ thống đường vành đai, metro, cầu đường bộ, cầu đi bộ phải được quy hoạch hoàn chỉnh, quản lý tĩnh không, bến bãi đường thủy… tạo luồng giao thông thông suốt, tiện lợi và tăng giá trị quỹ đất ven sông Sài Gòn.
Quy hoạch sẽ giúp sử dụng hiệu quả quỹ đất ven sông Việc khai thác hai bên bờ sông Sài Gòn là câu chuyện đã được đề cập từ lâu. Theo tôi, đầu tiên chúng ta phải xem xét khả năng, tiềm năng sông Sài Gòn đem lại cho TP là những điều gì. Trên cơ sở đó đối chiếu với hoàn cảnh của TP.HCM và với từng vị trí tiềm năng hai bờ sông Sài Gòn, sau đó xác định TP.HCM cần làm gì để khai thác tốt nguồn lực của sông Sài Gòn. Tiếp theo là bài toán quy hoạch, thiết kế đô thị ven sông. Quy hoạch sẽ giúp cho TP có mục đích sử dụng đất ven sông hiệu quả nhất, còn thiết kế đô thị sẽ tạo cảnh quan hấp dẫn ven sông. Đặc biệt, TP cần tìm và xác định được các vị trí có thể xây dựng các công trình kiến trúc mang tính điểm nhấn của TP. Khai thác ven sông với những con sông chảy ngang TP là điều các nước trên thế giới đều đã làm. Hiện nay, đoàn lãnh đạo TP do Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên làm trưởng đoàn đang đến khảo sát, tìm hiểu về quy hoạch phát triển sông Seine (Pháp). Hy vọng những kinh nghiệm phát triển đô thị dọc theo sông Seine của Pháp sẽ là tài liệu tham khảo quý cho việc phát triển đô thị dọc sông Sài Gòn. TS VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM |