Tài chính

Để được hỗ trợ 500.000 – 1 triệu đồng/tháng tiền thuê nhà, người lao động cần làm gì?

Sự kiện: Kinh tế "kháng sốc" COVID-19

Thông tin từ buổi họp báo, gói 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định trên dự kiến hỗ trợ từ 500.000 - 1 triệu đồng cho mỗi người, tối đa trong 3 tháng, và khoảng 3,4 triệu người lao động sẽ được hưởng lợi.

Cụ thể, Quyết định quy định người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: Ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1.2.2022 đến ngày 30.6.2022; Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước ngày 1.4.2022. 

Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của cơ quan bảo hiểm xã hội) tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.

Trường hợp người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11.11.2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc thì phải có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp của tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.

Để được hỗ trợ 500.000 – 1 triệu đồng/tháng tiền thuê nhà, người lao động cần làm gì? - 1

Nhiều công nhân khu công nghiệp khu vực Đông Anh (Hà Nội) gặp khó khăn trong chi trả tiền nhà, tiền sinh hoạt phí hàng tháng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Với người lao động quay trở lại thị trường lao động, Quyết định quy định người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện.

Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ ban hành hướng dẫn chi tiết, dự kiến trong tuần này sẽ hoàn thành. Bên cạnh đó, Bộ sẽ ban hành kế hoạch triển khai, giải quyết những vướng mắc cụ thể ở một số địa bàn, tổ chức giám sát, tổng kết đánh giá. Trong đó, việc triển khai cần có sự phối hợp chặt chẽ các địa phương, bộ ban ngành để khi có vấn đề nảy sinh, lập tức cùng tháo gỡ, giải quyết. “Thực hiện chính sách với tinh thần thủ tục đơn giản nhất, gọn nhất cho người lao động. Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ nhanh nhất cho người lao động quay trở lại thị trường lao động, nhưng cũng đảm bảo tiền phải “tiêu” đúng, không bị trục lợi” - ông Bình nhấn mạnh.

Quyết định nêu rõ hồ sơ đề nghị hỗ trợ gồm: Danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội. Trường hợp trong danh sách có người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động mới được tuyển dụng thì bổ sung thêm bản sao danh sách trả lương của tháng liền kề trước thời điểm đề nghị.

Về trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện chủ yếu tại doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thời gian từ lúc Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đến khi Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định hỗ trợ và chi trả cho người lao động là 4 ngày.

Liên quan đến thủ tục nhận hỗ trợ, ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng Ban CHính sách – Pháp luật (Tổng LĐLĐVN) lưu ý về thủ tục xác nhận từ chủ thuê trọ. Nhiều trường hợp như chủ nhà trọ không phải ở địa bàn, lại giao cho người khác quản lý.

Người lao động đến trực tiếp chủ nhà trọ để xin xác nhận cũng rất phiền hà. Bên cạnh đó, hầu hết chỉ 1 công nhân đứng ra thuê trọ. Sau đó, họ “kéo” thêm 4-5 lao động về ở chung.

Ngoài ra, nhiều chủ trọ tâm lý xác nhận nhiều, nên có thể gây khó khăn cho người lao động. “Vì chi trả hỗ trợ bằng tiền ngân sách, nên phải yêu cầu xác nhận từ phía chủ cho thuê trọ. Song, chúng ta cần có phần mở khi trong quá trình tổ chức thực hiện”- ông Quảng nói.

Chia sẻ
Theo Thanh Thúy (Dân Việt)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm