Thời sự

ĐBQH Lê Thanh Vân: Doanh nghiệp sa bẫy, do pháp luật không rõ ràng thì phải khoan dung

Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về nhiều nội dung, trong đó có tình hình kinh tế - xã hội. Nêu ví dụ về việc một tiểu thương ở chợ Bến Thành (TP HCM) có giai đoạn hai tuần không bán được mặt hàng nào, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho hay, tình hình kinh tế - xã hội đang rất khó khăn, cầu trong nước giảm, doanh nghiệp nợ lương, người dân phải thắt lưng buộc bụng, lương không có thì lấy đâu tiêu dùng.

Đại biểu Vân nhấn mạnh đến những vấn đề của nền kinh tế, đặc biệt là môi trường đầu tư, kinh doanh xấu đi không chỉ do tác động bên ngoài, mà còn do chất lượng thể chế đã kém rồi, chất lượng cán bộ còn kém hơn, trong khi đó giải pháp vẫn cũ như các kỳ họp trước.

 

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

 

Không hình sự hoá quan hệ dân sự

Theo đại biểu Vân, chất lượng thể chế thấp, pháp luật không ổn định, chất lượng cán bộ yếu kém nên dẫn đến điều hành bất nhất. Ông chủ tịch này, nhiệm kỳ này thì ủng hộ, nhưng sang nhiệm kỳ sau, chủ tịch khác thấy doanh nghiệp ngứa mắt, thu hồi lại dự án.

Trong khi họ bỏ vào hàng trăm tỷ đồng vào dự án đó rồi, rồi trả lại theo lãi suất ngân hàng thế là họ chết. “Chúng ta không trị những cán bộ như thế thì doanh nghiệp khó sống, khó phát triển”, đại biểu Vân nêu quan điểm.

Đại biểu cho rằng, thị trường giảm cầu, đơn đặt hàng không có, sự hỗ trợ của Nhà nước là rất cần thiết nhưng thay vì sự thấu hiểu, cơ quan quan bảo vệ pháp luật tiếp tục siết chặt kiểm soát. Trong lúc doanh nghiệp kiệt quệ vẫn phải đón tiếp nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra. 

Về giải pháp, theo đại biểu Vân, Chính phủ cần có chương trình đối phó ngắn hạn với tình hình tạm gọi là suy thoái, hiện nền kinh tế đang tiệm cận bị suy thoá. Trong đó, tập trung vào chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

 

Đại biểu kiến nghị không nên hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự, những vụ án nào mà thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo phải đẩy nhanh, xử lý nghiêm minh để ngăn chặn, gây dựng niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Nếu kéo dài thì doanh nghiệp nào cũng lo lắng, thấp thỏm, sợ mình vi phạm tương tự nên không dám làm gì.

"Cái nào họ vô tình sa bẫy, do pháp luật không rõ ràng thì phải khoan dung, những ai ăn năn hối cải thì khoan hồng", đại biểu cho hay.

Cần xây dựng gói hỗ trợ an sinh xã hội

Trước đó, trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Vân cũng khiến nghị, thay vì chỉ dừng lại ở mức giảm 2% thuế VAT, việc giảm thuế xuống tiếp 3-5% sẽ hỗ trợ rất lớn cho người dân và doanh nghiệp.

Hơn nữa, việc giảm thuế VAT sẽ giúp chi phí giá thành hàng hoá xuống thấp, thúc đẩy mua bán, giúp tăng doanh số. Thị trường hiện tại rất cần có những chính sách kích cầu để doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Do đó, nếu doanh số bán hàng của doanh nghiệp tăng lên thì thuế thu nhập doanh nghiệp cũng tăng, thu nhập cá nhân cũng tăng lên, từ đó cũng thu được thêm thuế cho ngân sách Nhà nước.

Chính vì vậy, giải pháp tài khoá cần song hành với chính sách tiền tệ. Gần đây nhất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ lãi suất, muốn vậy thì ngân hàng cũng phải giảm chi phí quản lý, chi phí thủ tục, tiết giảm và chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp, đại biểu Vân cho biết.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP HCM. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

Còn theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP HCM, Việt Nam có dân số  khoảng 100 triệu dân, nhưng độ mở của nền kinh tế lên tới 200%, gấp đôi GDP. Độ mở lớn sẽ chịu ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài rất lớn.

 

Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu đạt tới 90% tổng ngân sách quốc nội (GDP) nhưng giá trị gia tăng vẫn rất thấp, chủ yếu nhập khẩu nguyên phụ liệu và bán thành phẩm.

Là một quốc gia nông nghiệp nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hàng tỷ USD hàng nông sản. Những tháng vừa qua cho thấy sức mua ngày càng yếu. Người dân đã bị thiệt hại nhiều sau hai năm dịch COVID-19.

Bởi vậy, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân ngay lập tức có thể xây dựng một gói hỗ trợ an sinh xã hội nữa với nhiều mục đích khác nhau.

"Gói này giúp giảm khó khăn cho những người lao động  bị cắt giảm việc làm, hộ gia đình khó khăn, gia đình chính sách… Hơn nữa, gói này sẽ giúp kích cầu, tăng tổng cầu cho nền kinh tế", đại biểu Ngân nói. 

 

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm