Năm 2023, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 3423,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng của năm 2022 (tăng 11,4%).
Đáng chú ý, trong năm 2023, đầu tư tư nhân chỉ tăng 2,7% - là mức thấp chưa từng có trong 10 năm vừa qua và thấp hơn cả giai đoạn COVID-19 (3,1%). Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế thấp hơn kỳ vọng bên cạnh các tác động tiêu cực từ bên ngoài hay tiêu dùng rất yếu.
Phân tích nguyên nhân khiến đầu tư tư nhân giảm mạnh, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica, cho rằng đầu tư từ khu vực tư nhân ảm đạm do nhiều nguyên nhân. Đó là thị trường trong nước kém đi, tiêu dùng trong nước thấp, bất động sản im lìm hay các thị trường xuất khẩu sụt giảm.
Một nguyên nhân nữa được doanh nghiệp phản ánh đó là môi trường kinh doanh thiếu thuận lợi, nhiều rủi ro. "Chính sách khó tiên liệu, tình trạng không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm dẫn đến công việc trì trệ, tồn đọng khiến doanh nghiệp nản lòng. Vì thế, tâm lý né tránh rủi ro, hoạt động cầm chừng, không đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh hay dự án mới đang xuất hiện trong khu vực doanh nghiệp", vị chuyên gia này đánh giá.
"Nền kinh tế không có đầu tư thì không có tăng trưởng"
Nói về vai trò của đầu tư, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: "Nền kinh tế nếu không có đầu tư thì sẽ không thể tăng trưởng, không phát triển, không thể tạo công ăn việc làm và năng lực sản xuất mới. Đây là điều cực kỳ lo ngại".
Trong số ba thành phần của đầu tư, đầu tư công và FDI dù có tăng trưởng nhưng khó có thể lấp hết chỗ trống do đầu tư tư nhân để lại.
Theo các chuyên gia, tốc độ tăng đầu tư từ khu vực tư nhân hàng năm phải ở mức 12 - 14%, con số 3% là mức rất thấp, mấy năm gần đây tốc độ tăng đang thấp nhưng cũng phải đạt 6 - 7% mới tạm ổn. Đầu tư tư nhân thấp còn ảnh hưởng đến vấn đề việc làm, thu nhập và cũng không hỗ trợ cho quá trình nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế. Chỉ khi gia tăng đầu tư tư nhân mới khai thông được nguồn lực trong nước, tăng tính hiệu quả.
Gia tăng được đầu tư tư nhân, cũng giảm bớt áp lực cho đầu tư công. Đặc biệt là khi đầu tư tư nhân tham gia vào xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, giúp giảm áp lực lên ngân sách, giảm áp lực về nợ công.
Vì vậy, nhiều chuyên gia lo ngại nếu hiện tượng này kéo dài, đầu tư tư nhân còn có nguy cơ bị lấn át bởi đầu tư Nhà nước và đầu tư nước ngoài. Và nếu không có giải pháp phù hợp, kịp thời thì tình hình trong năm 2024 sẽ không có cải thiện đáng kể.
Kích đầu tư tư nhân, cần nhất là môi trường thông thoáng
Bàn về giải pháp kích cầu đầu tư tư nhân, theo Chuyên gia Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, điều quan trọng nhất là tạo môi trường đầu tư thông thoáng, tốt hơn so với trước. Đặc biệt là vấn đề liên quan đến việc thực thi công vụ của đội ngũ công viên chức các bộ, ngành, địa phương và cả Trung ương.
TS. Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng cải thiện môi trường là điều mà cộng đồng doanh nghiệp mong chờ nhiều nhất. Đây cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ và ít tốn kém nhất trong để đầu tư tư nhân.
"Điều tôi lo ngại nhất đó là đầu tư tư nhân rất thấp. Điều tôi quan tâm nhất là cải thiện môi trường kinh doanh", ông nói.
Năm nay với việc ban hành riêng Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh Chính Phủ đã phát đi thông điệp: chọn cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên. Theo đó cải thiện môi trường kinh doanh sẽ mạnh mẽ hơn năm trước, sẽ giúp môi trường kinh doanh cải thiện đáng kể.
Nếu môi trường kinh doanh cải thiện nhanh, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời, doanh nghiệp, doanh nhân sẽ yên tâm đầu tư mở rộng, đầu tư mới để khi kinh tế thế giới thuận lợi hơn, họ sẽ tận dụng ngay được cơ hội mà bứt phá. Khi đó sẽ phần nào bù đắp được những khó khăn từ bối cảnh bên ngoài.
Bên cạnh đó cần tận dụng các thuận lợi bên ngoài như thị trường và công nghệ. Đây hai yếu tố mà nước nào tận dụng được thì phát triển được. Đồng thời, phải xóa bỏ được tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm đang là một trong những rào cản lớn nhất hiện nay, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Giải pháp được các chuyên gia đưa ra là phải làm sao cho chi phí tuân thủ, chi phí kinh doanh của doanh nghiệp giảm đi. Ví dụ chi phí không chính thức, chi phí logistic phải tiếp tục phấn đấu giảm và những chương trình hỗ trợ từ chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ cần tiếp tục duy trì trong cả năm 2024.
Ngoài ra, phải làm sao để có những cơ chế, chính sách để thúc đẩy đổi mới, đột phá hơn về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, xanh hoá đặc biệt là tăng năng suất lao động.
"Nên thành lập uỷ ban năng suất quốc gia với vai trò chỉ đạo, đầu mối chung của toàn quốc để thúc đẩy tăng năng suất lao động", TS. Lực đề nghị. Theo ông, năng suất lao động là của Việt Nam vẫn ở mức tương đối thấp so với các nước trong khu vực. Đây cũng là một trong các chỉ tiêu không đạt được trong ba năm vừa qua.