Tập 12 của DxTalks mùa 2 lên sóng vào ngày 2/1/2024, với chủ đề "Các dấu mốc chuyển đổi số 2023 và Cơ hội cho 2024". Chương trình có sự góp mặt của ông Albert Antoine - Giám đốc Điều hành và đồng sáng lập Avaiga (Singapore) - chuyên gia cố vấn ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo; ông Hoàng Việt Anh - Phó tổng giám đốc FPT kiêm Chủ tịch Công ty Cổ phần Viễn thông FPT - Chủ tịch Công ty TNHH FPT Digital; ông Lê Bảo Việt - Giám đốc hợp doanh Bain & Company.
Mở đầu DxTalks, ông Lê Bảo Việt cho biết trước đây, AI (Artificial intelligence) chỉ là một khái niệm về trí tuệ nhân tạo nhưng sau đó, với khả năng của mô hình ngôn ngữ lớn - LMM (Large Language Model), nó trở thành công cụ có giá trị trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện này, ứng dụng AI là xu hướng tất yếu, nhiều doanh nghiệp áp dụng trực tiếp công nghệ mới này vào hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, để khai phá những tiềm năng to lớn của AI, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cũng như hệ thống quản lý quan hệ khách hàng.
Tiếp đó, ông Albert Antoine nhận xét quá trình chuyển đổi số vẫn còn nhiều rào cản do doanh nghiệp Việt Nam chưa thấy rõ giá trị của nó. Họ chưa thực sự coi chuyển đổi sổ là một công cụ và chưa biết sử dụng để tạo ra giá trị. Bởi chỉ khi thấy rõ giá trị, một người mới có quyết định đầu tư vào dự án ấy hay không. Trong khi đó, các công ty, tập đoàn ở nước ngoài đã đầu tư rất mạnh tay về khoa học dữ liệu (Data Science), AI.
Đồng tình với ông Albert Antoine, ông Hoàng Việt Anh cho biết nhiều doanh nghiệp có quyết tâm, sự quyết liệt và hành động cụ thể trong việc thực thi về chuyển đổi số. Nhưng nếu nhìn rộng ra toàn bộ nền kinh tế, các doanh nghiệp vẫn đang lưỡng lự, chưa biết làm thế nào trong quá trình này. Chỉ một số ít thay đổi nhận thức, thực thi và đưa ra hành động cụ thể.
Theo ông, trong năm 2023, Việt Nam vẫn chỉ đang đi những bước đầu tiên trên hành trình chuyển đổi số chứ chưa tạo thành một làn sóng mạnh mẽ. Dù thực tế, chính phủ đã đưa ra những nghị quyết rất quyết liệt trong việc xây dựng và phát triển kinh tế số, chính quyền số và xã hội số tới tầm nhìn 2040 và kế hoạch cụ thể đến 2030. Để thực thi được, các doanh nghiệp còn nhiều việc phải làm. Chính quyền, doanh nghiệp và mỗi người dân - những người được thụ hưởng cũng cần phải tham gia, có ý thức để đóng góp vào công cuộc chuyển đổi.
Chủ tịch FPT Digital chia sẻ năm nay, FPT đã thúc đẩy mạnh mẽ, hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Cụ thể, dịch vụ tư vấn của FPT Digital là mũi nhọn quan trọng đầu tiên, với nhiệm vụ xây dựng Master Plan chuyển đổi số trong 3 - 5 năm cho khách hàng. Tiếp theo, khi thực hiện Master Plan đó, khách hàng có thể lựa chọn đồng hành cùng lực lượng rất lớn từ các công ty thành viên trong tập đoàn như FPT Information System, FPT Telecom hay Software. Đây là những công ty đã có nhiều giải pháp đã được triển khai ở trong và ngoài nước, từ đó giúp khách hàng rút ngắn quá trình thực thi với hiệu quả tối ưu nhất.
Từ câu chuyện chuyển đổi số và hướng tới trong tương lai là chuyển đổi xanh cũng như phát triển bền vững, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn nhân lực trí thức, được đào tạo bài bản, đặc biệt với nguồn nhân lực thuộc những ngành khoa học kỹ thuật mũi nhọn như chip và bán dẫn. Tất cả lĩnh vực từ kinh tế tới khoa học công nghệ kỹ thuật đều phải bắt đầu từ giáo dục. Chỉ khi sở hữu nền tảng có nguồn nhân lực tốt, các tổ chức các doanh nghiệp mới có điều kiện cần để thúc đẩy phát triển.
Ông Albert Antoine chỉ ra Việt Nam có nguồn nhân lực trí thức dồi dào nhưng cần phải đầu tư bài bản và chuyên sâu hơn nữa vào việc đào tạo. Bên cạnh đó, cũng cần tạo môi trường để thế hệ trẻ có sự tương tác, trải nghiệm với các công ty trong và ngoài nước, nâng cao kinh nghiệm cũng như mở rộng kiến thức về khoa học kỹ thuật. Việc chuẩn bị thật tốt nguồn nhân lực chất lượng sẽ giúp các doanh nghiệp sẵn sàng cũng như tới gần hơn với quá trình chuyển đổi số và phát triển bền vững.
Kết thúc chương trình, các chuyên gia cho rằng nếu muốn trở thành một đất nước kỹ thuật số, Việt Nam cần chuyển đổi công nghệ, giáo dục con người theo định hướng chiến lược đã đặt ra. Năm 2024 được đánh giá là cột mốc đầu tư để 5 - 6 năm tới, Việt Nam có sẵn nền tảng phù hợp, nguồn nhân lực chất lượng trong công cuộc chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt cần tiếp tục chuẩn bị tốt, sẵn sàng đầu tư và duy trì tinh thần sáng tạo liên tục không ngừng để có thể vượt qua khó khăn, phát triển, thành công hơn nữa trong tương lai.