Tài chính

Đầu tư nghìn tỷ vào cổ phiếu, đại gia bảo hiểm phải tăng trích lập dự phòng lên gấp 23 lần khi thị trường giảm

Theo báo cáo tài chính quý II/2022 của Tập đoàn Bảo Việt (BVH), danh mục chứng khoán kinh doanh của đơn vị này có giá gốc vào cuối tháng 6 là 2.954 tỷ đồng, tăng 3,94% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng 1,5% tổng tài sản.

Trong đó cổ phiếu niêm yết chiếm khoảng 77% với giá trị hơn 2.272 tỷ đồng, tăng 18,6% so với thời điểm cuối năm ngoái với mã chủ lực là VNR, POW, CTG, MBB, VNM và TCB.

Trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 11% với giá trị gốc là hơn 339 tỷ đồng. Ngoài ra còn có cổ phiếu chưa niêm yết và các chứng chỉ quỹ khác, chiếm chưa đến 10% danh mục.

Tính đến 30/6/2022, danh mục chứng khoán kinh doanh của Tập đoàn Bảo Việt có giá trị thuần hơn 2.709 tỷ đồng, tương đương dự phòng lỗ hơn 244,7 tỷ đồng. Riêng cổ phiếu niêm yết dự phòng lỗ 202 tỷ đồng.

 Danh mục chứng khoán kinh doanh của Tập đoàn Bảo Việt tính đến cuối tháng 6  

(Nguồn: BCTC quý II). 

Phân tích kỹ hơn vào danh mục đầu tư, mã cổ phiếu có giá trị lớn nhất tính tới 30/6 là VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) với giá trị gốc lên tới hơn 419 tỷ đồng và dự phòng lỗ lên đến 55,2 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối tháng 3, Bảo Việt chỉ sở hữu hơn 383 tỷ đồng cổ phiếu VNM. Điều này cho thấy tập đoàn đã tiếp tục mua vào cổ phiếu VNM trong quý II vừa qua.

Bên cạnh VNM, Bảo Việt mua thêm 97 tỷ đồng cổ phiếu CTG, nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ lên hơn 395 tỷ đồng và dự phòng lỗ hơn 60 tỷ đồng cho khoản đầu tư này. Bảo Việt cũng mua thêm khoảng 7 tỷ đồng cổ phiếu MBB trong quý II. 

Đáng chú ý, đơn vị này đã bổ sung thêm TCB vào danh mục chứng khoán của mình với giá trị gốc là 199 tỷ đồng và dự phòng lỗ hơn 53 tỷ. 

Kể từ đầu năm đến, giá cổ phiếu ngân hàng liên tục lao dốc trước những diễn biến không thuận lợi của thị trường. Tính từ 31/3 đến 30/6, hầu hết các "ông lớn" ngân hàng thuộc nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn đều có thị giá giảm mạnh như TCB (giảm 30%), CTG (giảm 15%), MBB (26%),... Đây có thể là động lực thúc đẩy Bảo Việt "bắt đáy" thêm các cổ phiếu ngân hàng.

Ngoài các mã trên, tập đoàn này sở hữu còn có gần 266 tỷ đồng cổ phiếu VNR và hơn 122 tỷ đồng cổ phiếu POW. Bảo Việt cũng bán bớt các cổ phiếu niêm yết khác, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn gần 670 tỷ đồng.

Lợi nhuận giảm do diễn biến thị trường không thuận lợi

Kết thúc 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn đạt 1.036 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 41,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận khác cũng tăng đến 53% so với cùng kỳ 2021.

Mặt khác, thu nhập thuần từ các hoạt động khác và lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm lần lượt 31,9% và 3,4% so với cùng kỳ. 

Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của tập đoàn đạt 827 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Riêng trong quý II, lợi nhuận sau thuế giảm đến 32% so với cùng kỳ, xuống còn 317 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do sự sụt giảm của thị trường chứng khoán trong nửa đầu năm 2022 so với cùng kỳ 2021.

 Kết quả kinh doanh của Bảo Việt 6 tháng đầu năm.(Nguồn: Phương Nga tổng hợp).

Tính đến 30/6, tổng tài sản của Bảo Việt đạt hơn 193.200 tỷ đồng tăng 14%, song lượng tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh gần 42% xuống còn 3.138 tỷ đồng. Nợ phải trả tăng 16% lên hơn 170.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng 3% so với đầu năm.

Một số chỉ tiêu của Bảo Việt 6 tháng đầu năm.(Nguồn: Phương Nga tổng hợp). 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm