Cuối năm mua vôi
Những ngày cuối năm, trên khắp đường làng quê tôi luôn vang vọng tiếng rao của người bán hàng rong. Thế nhưng, thứ người bán hàng bán lại chẳng phải là những món đồ Tết xa xỉ mà lại là... vôi. Người 5 cân, người 3 cân, cứ thế chiếc xe bán hàng đi hết đường làng ngõ hẻm để bán thứ mà người ta rất ít sử dụng trong năm thế nhưng lại luôn "đắt hàng" vào dịp cuối năm. Tại sao lại như vậy?
Trong cuộc sống thường ngày, vôi thường được người dân sử dụng như một chất để khử khuẩn, khử phèn chua cho đồng ruộng. Thế nhưng bên cạnh những tác dụng về mặt hóa học đấy, vôi còn đi vào văn hóa, tín ngưỡng của người Việt với ý nghĩa hết sức sâu sắc.
Trong cuốn Hội hè lễ Tết của người Việt, tác giả Nguyễn Văn Huyên cho rằng, vôi là thứ có tác dụng trừ tà, ngăn ma quỷ. Trong chuyện về sự tích cây nêu, truyền rằng, từ xa xưa, quỷ dữ ỷ đông áp bức và chiếm hết đất đai của con người. Người phải thuê đất của quỷ trồng lúa và chịu điều khoản “ăn ngọn cho gốc”. Quỷ lấy hết thóc, người chỉ còn rơm rạ.
Thương người, đức Phật bảo con người sử dụng ba thứ để đánh lại quỷ. Và một trong số ba thứ đó chính là vôi bột. Sau khi bị đánh bại, quỷ mất hết đất đai, phải lùi ra tận biển.
Cũng dựa vào sự tích trên, dân gian cũng cho rằng, vào cuối năm, khi ông Công ông Táo về chầu trời, ma quỷ có thể thừa cơ quay lại gây rối. Để tự bảo vệ mình, nhiều gia đình mua vôi bột về rắc bốn góc vườn rồi rắc ra phía cổng, với ý đuổi ma quỷ ra khỏi lãnh thổ của gia đình mình, cũng là xua đuổi những rủi ro, đen đủi của năm cũ.
Ngày trước, vào những ngày cuối năm, nhiều gia đình cũng mua vôi về quét lại tường nhà, cổng, vừa là làm mới nhà cửa,tạo vẻ khang trang đón Tết, vừa có tác dụng đuổi tà ma.
Mặc dù có tác dụng như vậy nhưng vôi không được dùng vào dịp đầu năm, bởi vôi có màu trắng, trắng biểu tượng cho sự bạc bẽo và thường gắn với quan niệm “bạc như vôi” nên đó cũng là lý do không ai mua vôi vào đầu năm mới. Thậm chí, đó là điều kiêng kị để tránh những rủi ro, những mối hiểm nguy, hiềm khích và rạn nứt trong gia đình cũng như các mối quan hệ trong xã hội.
Cũng có một cách giải thích khác cho rằng cuối năm phải mua vôi để tiếp vôi cho "ông bình vôi". “Ông bình vôi" là vật dụng bằng sành sứ dùng để vôi ăn trầu. "Ông bình vôi" được xem là vật thiêng trong nhà của người xưa, do vậy lúc nào cũng phải cho "ông" ăn no, ăn đủ.
Cuộc sống con người ngày càng hiện đại, những phong tục như vậy cũng dần mai một, chỉ còn xuất hiện ở nhiều miền quê. Còn tại các thành phố lớn, vào Tết Nguyên đán, người ta đơn giản chỉ thực hiện dọn dẹp nhà cửa, và không mấy ai thực hiện tục này.
Đầu năm mua muối
Cũng như tục "Cuối năm mua vôi", mỗi lần về quê ăn Tết, từ đêm Giao thừa cho đến những ngày Tết sau đó, tôi thường nghe thấy tiếng rao “Ai muối đây…, muối đây…!”. Hình ảnh những người bán muối chở theo hai chiếc sọt chứa đầy muối hạt nặng đến vài chục ki-lô-gam đi vào từng đường làng, ngõ xóm nơi thôn quê vẫn còn in đậm trong ký ức chúng tôi. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Vào ngày cửa hàng mở hàng đầu tiên của năm mới, việc đầu tiên khi đi chợ của mẹ chính là mua muối.
Gạo, muối thường xuyên xuất hện trên nhiều mâm cũng lễ nghi của người Việt.
Cũng như vôi, muối cũng đã đi sâu vào văn hóa, tín ngưỡng của người Việt từ lâu.
Theo quan niệm dân gian, muối có vị mặn, tượng trưng sự đậm đà. Quy chiếu lên cuộc sống, sự đậm đà ấy tượng trưng cho hòa thuận, tình cảm thắm thiết trong gia đình..., sự thuận lợi trong các quan hệ xã hội, làm ăn. Và đặc biệt, cũng như vôi, muối còn được cho là giúp xua đuổi tà khí, đem lại may mắn cho con người.
Bên cạnh đó, cùng với gạo, muối là thứ gia vị lâu đời, không thể thiếu trong căn bếp của người Việt, biểu tượng của sự no đủ. Chính vì vậy, mỗi khi thực hiện các nghi lễ cúng bái của người Việt, hầu hết đều sẽ có một đĩa gạo và muối đi cùng trên mâm lễ.
Vì vậy, sau khi đón giao thừa hoặc vào ngày đầu tiên của năm mới, nhiều người mua những túi muối nhỏ về để lấy may. Những người bán muối rong cũng đong đầy bát, bởi mọi người quan niệm rằng, bát muối có ngọn mới mang lại sự trọn vẹn, giúp cả năm may mắn, no đủ.
Mỗi vùng miền, tục mua muối được thực hiện ở các thời điểm khác nhau, nhưng là đều trong những ngày đầu tiên của năm mới. Có nơi người ta thường mua muối vào sáng mùng 1 Tết trở đi (tùy thuộc vào người bán), tuy nhiên, cũng có nơi mua muối ngay sau khi giao thừa kết thúc.
Sau khi mang muối về nhà, người ta có thể chia ra thành từng túi nhỏ, cho vào túi nilon hay túi vải, phong bao lì xì... vừa cho đẹp mắt mà lại tiện cất giữ.
Theo thời gian, việc bán, mua muối được quan tâm hơn về mặt hình thức. Khi những gói muối được người bán mang đến trước cửa đình, chùa, miếu, phủ ngay trong thời khắc Giao thừa để bán cho người dân. Hình thức từng gói muối chau chuốt khi muối được gói, bọc cẩn thận trong những chiếc túi hoặc chiếc hộp nhỏ xinh xắn, thắt nơ và có dây cầm.
Việc mua, bán muối thường chỉ diễn ra trong vài ngày đầu năm mới, nhưng vì có niềm tin vào những điều tốt lành, may mắn trong năm mới thì nhiều người vẫn háo hức chọn mua cho mình một vài túi. Nhưng đó cũng là một nét đẹp trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc cần được duy trì. Để rồi mỗi dịp Tết đến, xuân về, không ít người lại mong ngóng mua gói muối và mong muốn một năm mới an khang, no ấm, đủ đầy.