Thời sự

Đâu là "thủ phạm" khiến giá hàng hóa dịch vụ "lên nhanh xuống chậm"?

Giá cả hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ thời gian qua đã đồng loạt tăng mạnh theo hướng tăng của giá xăng dầu, trong đó chi phí vận tải tăng cao được cho là đã làm ảnh hưởng và chi phối đến giá cả hàng hóa cũng như giá dịch vụ. Đến nay, sau nhiều lần điều chỉnh giảm, giá xăng dầu đã giảm đến hơn 6.000 đồng/lít nhưng động thái giảm giá cước vận tải quá chậm, khiến giá cả hàng hóa, dịch vụ vẫn trong tình trạng “lên nhanh xuống chậm”.

Đề cập đến tỷ trọng giá xăng dầu cấu thành giá dịch vụ vận tải tại tọa đàm “Xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm - Thực trạng và giải pháp” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 4/8, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, với 5 phương thức vận tải hiện nay gồm đường bộ, đường thủy, hàng hải, đường sắt và hàng không, tỷ trọng của chi phí nhiên liệu và xăng dầu với mỗi phương thức vận tải tuy có khác nhau, nhưng ở mức trung bình, chi phí vận tải sẽ chiếm khoảng 30%-40% trong tổng chi phí các yếu tố cấu thành nên giá dịch vụ vận tải.

Theo ông Bảo, có nhiều yếu tố để hình thành nên giá thành vận tải hay giá thành dịch vụ nói chung. Do đó, trong thời điểm giá xăng dầu tăng mạnh được coi là một yếu tố biến động khiến những đơn vị kinh doanh vận tải đều phải tính toán lại mức giá cước, nhưng các DN cũng phải xem xét các yếu tố tâm lý khách hàng và các yếu tố cạnh tranh khác.

Đặc biệt đối với các loại hình vận tải như dịch vụ vận tải đường bộ bằng taxi, bất kể việc tăng hay giảm giá cước, các DN sẽ phải thực hiện kê khai giá với Sở GTVT để điều chỉnh đồng hồ tính tiền, sau đó in lại niêm yết giá. Với những quy trình này thường rất mất thời gian nên sẽ có độ trễ trong một khoảng thời gian nhất định.

“Nhưng khi giá xăng dầu đã giảm, các DN vận tải cũng cần linh hoạt điều chỉnh giá theo biến động phù hợp, không nên để quá trễ. Mặc dù quy trình này đòi hỏi thời gian nhưng phải hết sức kịp thời để đáp ứng nhu cầu. Khi giá nhiên liệu - một yếu tố chiếm đến 30-40% chi phí cấu thành giá dịch vụ đã giảm nhưng DN lại chưa kịp giảm hoặc giảm chậm là không thể chấp nhận”, ông Bảo nói.

Cũng theo ông Trần Bảo Ngọc, theo Luật Giá hiện nay nhà nước đang quản lý giá dịch vụ vận tải dựa trên quy luật của thị trường. Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, quyền quyết định giá và cạnh tranh giá của các đơn vị kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, các đơn vị kinh doanh vận tải cũng phải thực hiện đầy đủ những quy định trong công tác quản lý giá.

“Ví dụ như DN kinh doanh vận tải phải thực hiện kê khai giá, hoặc đối với những lĩnh vực mà nhà nước có quy định khung giá thì DN không được tăng giá quá khung. Khi các DN đã kê khai giá phải thực hiện niêm yết giá đầy đủ và bán vé theo đúng giá kê khai đã niêm yết”, ông Bảo nêu.

Để nhanh chóng đưa giá cước vận tải trở về thấp hơn phù hợp với chi phí giá xăng dầu đang giảm, ông Bảo cho rằng cần áp dụng các biện pháp mạnh hơn trong thời điểm hiện tại và sắp tới. Trong đó, cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra để kịp thời phát hiện các DN vận tải có hành vi vi phạm, từ đó áp dụng Nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá hoặc Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực vận tải, trong đó có quy định chi tiết về trách nhiệm kê khai, niêm yết giá cước.

“Đặc biệt, sau khi thanh, kiểm tra, nếu phát hiện đơn vị kinh doanh vận tải chỉ có tăng mà không giảm giá cước, không phù hợp với tình hình nhiên liệu xăng dầu giảm, cơ quan chức năng sẽ áp dụng các quy định theo pháp luật với đầy đủ công cụ như Nghị định quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý giá, yêu cầu DN phải kê khai giá, niêm yết giá và phải triển khai thực hiện thu giá theo đúng như đã niêm yết. Đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ việc xử lý còn phải bổ sung thêm, có thể yêu cầu DN vận tải phải trả lại tiền cho hành khách nếu thu quá mức giá, thậm chí DN đó còn bị các đơn vị chức năng thu hồi phù hiệu”, ông Bảo chỉ rõ.

Bên cạnh việc thanh, kiểm tra, ông Bảo cho biết, Bộ GTVT cũng rà soát các điều kiện kinh doanh, đặc biệt các điều kiện kinh doanh vận tải, điều kiện nào không còn cần thiết, không còn phù hợp sẽ được cắt giảm để tiết giảm chi phí cho các đơn vị kinh doanh vận tải; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí cho người dân và DN.

Theo ông Bảo, hiện nay Bộ GTVT đã yêu cầu các Sở GTVT khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố lập các đoàn thanh, kiểm tra, rà soát các yếu tố hình thành giá trong các bảng kê khai vận tải đường bộ và các lĩnh vực liên quan của các DN vận tải thuộc địa bàn các địa phương quản lý./.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm