Tài chính

Đâu là đối tượng bi quan nhất khi thế giới đối mặt suy thoái: Giới CEO

Theo khảo sát của công ty kiểm toán PwC, khoảng 73% CEO cho rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm trong năm tới. Đây được coi là triển vọng bi quan nhất của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong 12 năm qua.

Chủ tịch PwC Bob Moritz cho biết tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thuỵ Sĩ, hôm 17/1, rằng đây không phải là sự lặp lại của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 và 2009.

Ông nói: “Sự khác biệt ở đây là không ai thấy suy thoái đến và không ai biết nó sẽ tồn tại trong bao lâu. Hiện tại, các CEO ‘tự tin hơn nhiều vào khả năng của chính họ để quản lý theo cách của họ’”.

Nền kinh tế toàn cầu là mối quan tâm lớn nhất đối với các CEO, khi niềm tin vào môi trường quốc tế giảm mạnh trong năm ngoái.

Ví dụ, chỉ 21% CEO ở Anh kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ cải thiện trong 12 tháng tới, giảm 82% so với số lãnh đạo doanh nghiệp trong cuộc khảo sát của PwC vào năm ngoái.

Cuộc khảo sát thường niên lần thứ 26 của PwC được thực hiện với 4.410 CEO ở 105 quốc gia. Gần 40% CEO tin rằng hoạt động kinh doanh của họ sẽ không khả thi về mặt kinh tế trong vòng một thập kỷ, theo quỹ đạo hiện tại.

Ông Moritz nói: “Đó là sự kết hợp của nhiều vấn đề, tất cả những điều đó các CEO đều biết. Đây không phải là thông tin mới đối với họ”.

Và trong khi nhiều nhà tuyển dụng sẽ tìm cách cắt giảm chi phí khi nền kinh tế toàn cầu chậm lại, 60% CEO được khảo sát cho biết họ sẽ không giảm số lượng nhân viên, theo Moritz.

Ông cũng nhấn mạnh rằng những người sử dụng lao động sẽ cần tìm cách tiết kiệm chi phí để họ có thể cung cấp mức lương, phúc lợi tốt và nâng cao tay nghề cho nhân viên.

Chủ tịch EY: Các CEO làm việc “khá tốt”

Chủ tịch Carmine Di Sibio của công ty tư vấn EY dự đoán nền kinh tế sẽ trải qua “một số thời điểm khó khăn” trong 6 đến 9 tháng tới. Song, ông lại khen ngợi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.

″Các CEO đang làm khá tốt”, ông Sibio nói với CNBC khi ông đề cập đến 17 dự án tái cấu trúc EY hiện đang được tiến hành ở Mỹ cùng các dự án khác ở châu Âu.

Theo Di Sibio, vấn đề dài hạn mà các công ty hiện đang vật lộn là một trong những vấn đề về “nhân khẩu học”, vì Mỹ và Châu Âu “cần nhiều công nhân hơn”.

Chủ tịch EY cũng ám chỉ đến những đợt sa thải gần đây trong lĩnh vực công nghệ, nhấn mạnh rằng mặc dù các công ty đó đã thông báo về tình trạng dư thừa, nhưng họ đã thuê thêm nhiều người trong vài năm qua.

“Họ đang làm điều này để gửi một thông điệp tới Fed ở Mỹ? Hay họ thực sự đang làm điều đó để thu hẹp quy mô?”, ông đặt câu hỏi.

Theo CNBC

Cùng chuyên mục

Đọc thêm